vĐồng tin tức tài chính 365

Ranh giới pháp lý giữa nhận quà cảm ơn và nhận hối lộ

2023-07-26 08:21

TAND Hà Nội đang nghỉ nghị án sau 12 ngày xét xử đại án "chuyến bay giải cứu", sẽ tuyên án ngày 28/7. Nói những lời cuối, 21 cựu cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, tỉnh Quảng Nam và Hà Nội đều xin lỗi, dành nhiều thời gian phân trần về động cơ khiến vướng lao lý.

Cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định "chưa bao giờ đòi hỏi", chỉ vì "nhận thức quá giản đơn, không phân phân biệt được ranh giới giữa nhận tiền cảm ơn và nhận hối lộ".

Nói về số tiền bị cáo buộc nhận hối lộ 4,2 tỷ đồng, trước tòa, bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý Phó thủ tướng, cũng khai "nhận thức đơn giản", cho rằng cứ giúp đỡ tận tâm, nhiệt tình, chu đáo, "doanh nghiệp làm ăn tốt sẽ nhớ đến mình".

Cựu cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan cũng nói "không nhận thức đầy đủ về quà tặng", đồng thời đề cập đến trách nhiệm của các doanh nhân đưa hối lộ. Bà cho rằng họ có "những lời nói và hành sự quá khéo léo" khiến mình không thể vượt qua được, buộc phải nhận tiền. Tổng tiền quà cảm ơn bà Lan nhận, theo VKS, là 25 tỷ đồng.

Trong khi đó, cựu thư ký thứ trưởng Y tế Phạm Trung Kiên khai 42,6 tỷ đồng đều nhận sau khi chuyến bay hoàn thành, doanh nghiệp có lãi thì cảm ơn chứ ông không đòi.

Phần lớn các bị cáo đều khai không nghĩ rằng sai phạm của mình là tội Nhận hối lộ vì việc nhận xảy ra sau các chuyến bay hoàn thành nên chỉ là quà cảm ơn; còn đưa tiền trước mới là hối lộ.

Tặng quà và hối lộ, ranh giới tình cảm và pháp luật

Cựu thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng được dẫn giải tới tòa ngày 12/7. Ông bị cáo buộc 37 lần nhận hối lộ của 13 doanh nghiệp, tổng 21,5 tỷ đồng. Ảnh: Ngọc Thành

Trong đại án AIC về sai phạm đầu tư công tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, những lý lẽ trên từng được nêu trước tòa. Cựu bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành được luật sư bào chữa rằng nhận 14,5 tỷ đồng "chỉ vi phạm đạo đức, không vi phạm pháp luật". Còn cựu giám đốc bệnh viện kiêm giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ khai 14,8 tỷ ông nhận của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, tổng giám đốc AIC, là quà cảm ơn do nhận khi đã đấu thầu xong.

"Lúc bắt đầu xây dựng bệnh viện không hề 'đặt vấn đề'. 4 tháng sau khi bệnh viện đưa vào sử dụng, bị cáo mới nhận túi quà đầu tiên của AIC là 1,8 tỷ đồng tiền mặt, tại văn phòng của mình'", ông Vũ trình bày.

Song HĐXX cho rằng, thời điểm nhận tiền xảy ra trước hay sau không phải căn cứ định tội. Hơn nữa, nhiều bằng chứng cho thấy việc "tặng quà này là cơ chế đã kéo dài suốt 12 năm" trong quan hệ giữa một số bị cáo và bà Nhàn.

Ranh giới giữa tặng quà và hối lộ có mong manh?

Trước những lời khai không phân biệt được quà cảm ơn và tiền hối lộ, Tiến sĩ Đinh Văn Minh, nguyên vụ trưởng Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) khẳng định: "Ranh giới giữa nhận quà tặng và nhận hối lộ rất rõ ràng".

"Món quà chỉ được coi là quà tặng khi nó có giá trị vật chất không lớn và với những người không có mối quan hệ ràng buộc, phụ thuộc lẫn nhau khi giải quyết công vụ", ông Minh phân tích.

Theo ông, các cựu cán bộ ra tòa trong đại án "chuyến bay giải cứu" phần nhiều có chức vụ cao, được học tập, rèn luyện về chính sách, quy định pháp luật rất nhiều song nhận tiền của doanh nghiệp mà nói không biết đã vi phạm pháp luật là khó chấp nhận. Thời điểm nhận, các cán bộ này có quyền quyết định cấp phép hoặc không cấp phép các chuyến bay, tức doanh nghiệp phụ thuộc vào họ.

"Do đó, cán bộ nhận tiền lúc này đương nhiên là nhận hối lộ, không thể nói là quà tặng cảm ơn. Hơn nữa, số tiền lên đến hàng tỷ đồng thì người bình thường cũng hiểu đó không thể là quà tặng tình cảm thông thường", ông Minh nói.

Từ 18 năm trước, Luật Phòng chống tham nhũng 2005 đã cấm cán bộ, công chức, viên chức không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi sau 13 năm đã quy định chặt chẽ hơn: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.

Ông Minh đánh giá luật pháp không thể quy định bao quát hết hàng nghìn trường hợp cụ thể trong thực tiễn, song việc xác định cán bộ đưa nhận quà tặng hay hối lộ sẽ căn cứ bối cảnh, mối quan hệ. Ví dụ các trường hợp không được nhận quà: cấp dưới đưa quà cho cấp trên, nhất là cấp dưới đang trong quy trình bổ nhiệm lên chức; hoặc doanh nghiệp đưa quà khi đang cần cán bộ giải quyết công việc... Bởi đây là những mối quan hệ ràng buộc, có tính chất phụ thuộc lẫn nhau.

TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế Thanh tra Chính phủ khẳng định ranh giới giữa nhận quà tặng và nhận hối lộ là rất rõ ràng, không hề mong manh. Ảnh: Hoàng Thùy

TS Đinh Văn Minh, cựu vụ trưởng Pháp chế Thanh tra Chính phủ khẳng định ranh giới giữa nhận quà tặng và nhận hối lộ "là rất rõ ràng, không hề mong manh". Ảnh: Hoàng Thùy

Như ông Minh, Tiến sĩ luật Nguyễn Công Long (Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) cũng cho rằng diễn biến tại nhiều vụ đại án cho thấy: "Không thể lấp liếm rằng nhận tiền tỷ mà không biết là vi phạm pháp luật. Từng là cán bộ, lại làm lãnh đạo đơn vị, họ chắc chắn phải biết".

Theo ông, trước tòa, người bị cáo buộc nhận hối lộ "không nên bào chữa một cách vô lý với hy vọng không biết quy định pháp luật thì sẽ được giảm nhẹ tội".

Cán bộ, công chức ứng xử thế nào khi nhận được quà?

Theo Tiến sĩ Minh, ngoài quy định trong luật, còn có nhiều quy định cụ thể khác trong văn bản dưới luật và các quy định của Đảng về nhận quà tặng. Chính phủ đã yêu cầu người có chức vụ, quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng quy định thì phải từ chối, nếu không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng hoặc cấp trên và nộp lại trong 5 ngày.

Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng, người duy nhất bị đề nghị án tử hình trong vụ án chuyến bay giải cứu. Ảnh: Ngọc Thành

Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên nhận hối lộ 42,6 tỷ đồng, người duy nhất bị đề nghị án tử hình trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Ảnh: Ngọc Thành

Với quà tặng là tiền, giấy tờ có giá thì lãnh đạo cơ quan làm thủ tục nộp ngân sách. Quà tặng hiện vật được xác định giá trị và bán công khai, tiền thu được nộp ngân sách trong 30 ngày kể từ khi bán được.

Quà tặng là dịch vụ như tham quan, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong và ngoài nước thì lãnh đạo cơ quan công vụ phải thông báo đến đơn vị cung cấp dịch vụ từ chối sử dụng dịch vụ đó.

Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, nhận hối lộ là hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích vật chất, phi vật chất... để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá trên 1 tỷ đồng hoặc gây thiệt hại về tài sản trên 5 tỷ đồng, người nhận hối lộ có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Tại Điều 40 của Bộ luật này quy định, người bị kết án tử hình về tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản nhận hối lộ và tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ không bị thi hành án tử hình (được chuyển thành hình phạt tù chung thân).

Viết Tuân - Thanh Lam

Xem thêm: lmth.4823364-ol-ioh-nahn-av-no-mac-auq-nahn-auig-yl-pahp-ioig-hnar/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Ranh giới pháp lý giữa nhận quà cảm ơn và nhận hối lộ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools