vĐồng tin tức tài chính 365

Nỗ lực kích cầu tiêu dùng nội địa (*): Cần giải pháp dài hơi

2023-07-26 08:24

Trong thời gian chờ kinh tế thế giới phục hồi, xuất nhập khẩu lấy lại "phong độ", thị trường nội địa cần phát huy vai trò trụ cột giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế.

Chọn cách kích cầu khác biệt

Nhìn lại 6 tháng đầu năm, nhiều DN sản xuất - kinh doanh, phân phối tại TP HCM cho biết vẫn đang trong vòng xoáy khó khăn do vừa xoay xở để có thể trụ vững vừa chia sẻ khó khăn với đối tác, người tiêu dùng. "Một bộ phận người dân bị giãn giờ làm hoặc mất việc do xuất khẩu sụt giảm, có hiện tượng người lao động dịch chuyển về các tỉnh. Số còn ở lại TP HCM có xu hướng thắt chặt chi tiêu, chủ yếu mua hàng hóa thiết yếu" - ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op), Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thông tin.

Nỗ lực kích cầu tiêu dùng nội địa (*): Cần giải pháp dài hơi - Ảnh 1.

Doanh nghiệp liên tục làm mới các hoạt động kích cầu trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu, ưu tiên cho tiêu dùng thiết yếu.Ảnh: THANH NHÂN

So với các tháng đầu năm, sức mua thị trường đã cải thiện nhưng vẫn còn ở mức thấp. Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), phản ánh tính chung 6 tháng đầu năm, sức mua thực phẩm chế biến giảm đến 30%-40% so với cùng kỳ năm 2022. Công ty phải thực hiện rất nhiều giải pháp để kích cầu nhưng tình hình cải thiện không đáng kể.

Để tạo sức bật cho thị trường, nhiều DN đã xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh bài bản, phát triển một cách bền vững và đầu tư vào chất lượng hàng hóa để "phủ sóng" thị trường. Một số DN tập trung vào các giải pháp kích cầu mang tính chất khác biệt so với giai đoạn trước, chọn đúng kênh và đúng đối tượng khách hàng.

Đơn cử, từ quý II/2023, Saigon Co.op đã có nhiều hoạt động nỗ lực tạo nên khí thế mới cho người tiêu dùng, bên cạnh đó là tập trung nhiều chương trình an sinh xã hội. "Tốc độ phát triển quý II có sự khởi sắc đồng đều hơn. Toàn hệ thống đã tăng trưởng dương trở lại. Chúng tôi đang tập trung kiểm soát việc kinh doanh để bảo đảm vừa tăng trưởng về số lượng mà cả chất lượng, củng cố dịch vụ để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất có thể" - đại diện Saigon Co.op nêu giải pháp thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng cuối năm.

Ông Võ Thanh Lộc, Giám đốc marketing Farmers Market, cho biết sẽ đẩy mạnh bán hàng qua TikTok shop để tiếp cận thêm nhiều khách hàng và tăng doanh số. Đặc điểm phổ biến ở kênh này là người tiêu dùng xem livestream để giải trí, sau đó phát sinh nhu cầu mua sắm khi thấy hàng hóa có giá tốt. "Qua kênh này, chúng tôi tiếp cận được khách hàng ở khu vực xa cửa hàng như: huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 12 - nhóm khách hàng mới của hệ thống" - ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, ở khu vực vùng ven, ít các cửa hàng thực phẩm cao cấp nên thị trường còn rộng. Vấn đề chi phí vận chuyển được giải quyết bằng cách ghép đơn hàng và giao hàng cho vùng ven trong thời gian 24 giờ, thay vì 2-4 giờ như các quận trung tâm.

Theo ông Đỗ Duy Thanh, sáng lập kiêm Giám đốc Viet Franchise và Công ty Tư vấn FnB Director, hiện nay các DN đã thực hiện rất nhiều giải pháp kích cầu như: nỗ lực khai thác thêm khách hàng mới, tăng tần suất khách hàng cũ, tăng chi tiêu trên mỗi khách hàng thông qua các kênh ít tốn kém như: livestream, cộng tác viên. Ví dụ trong ngành ẩm thực, nhiều cửa hàng trà sữa lên chương trình đồng giá 10.000 đồng/ly, mua 1 tặng 1… để hút khách; còn nhiều DN bán lẻ tăng các chương trình bán hàng giá vốn để thu hút khách đến mua sắm những mặt hàng ngoài ưu đãi. Các DN cũng phải triển khai nhiều nhóm giải pháp để tối ưu hóa chi phí: tích cực kiểm soát hàng tồn kho, kiểm soát quỹ lương, tăng năng suất lao động, tăng cường chuyển đổi số…

Đi vào chiều sâu

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh nỗ lực của DN, rất cần sự chung tay của cơ quan quản lý trong việc ổn định nguồn cung hàng hóa thiết yếu, kết hợp với việc đẩy mạnh các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối cung cầu trên nền tảng số… Ông Đỗ Duy Thanh đề xuất cần có các giải pháp từ Chính phủ và các cơ quan, ban, ngành một cách tổng thể để sớm khôi phục các ngành trọng điểm, tăng sức mua và khôi phục kinh tế. Cụ thể, DN rất mong được giãn - giảm nộp thuế, giãn nộp BHXH… Đồng thời, các lĩnh vực nhà nước chi phối về giá như: xăng, điện, nước cần có ưu đãi về giá để giảm chi phí cho DN và người dân.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc An cũng kiến nghị những giải pháp hỗ trợ mang tính chất đồng bộ của nhà nước. Chẳng hạn, với chính sách giảm 2% thuế GTGT, cần nghiên cứu giảm nhiều hơn và kéo dài cả năm 2024 chứ không dừng lại trong thời gian 6 tháng ngắn ngủi cuối năm 2023. Quan trọng hơn, nhà nước cần thúc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản… để tạo động lực giúp sức mua khởi sắc.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế trung ương, cho rằng giai đoạn này, tăng trưởng tiêu dùng nội địa cần nhắm vào các phân khúc bình dân, giá vừa phải. DN cũng cần đưa ra các hình thức khuyến mãi để bán hàng. "Nên tổ chức các hội chợ, triển lãm, sự kiện khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng đến tham quan, từ đó gợi ý và khuyến khích họ mua sắm. Hay như mảng du lịch nên có sự kết hợp giữa DN du lịch với các hãng hàng không để thiết kế tour, tuyến giá rẻ cho du khách" - TS Lê Đăng Doanh nói.

Về chính sách vĩ mô, TS Lê Đăng Doanh góp ý cần thiết khuyến khích DN trở lại thị trường sản xuất - kinh doanh nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động. "Dân số hơn 100 triệu người chính là lợi thế lớn mà thị trường nội địa có thể mang lại cho các DN. Ngoài ra, 17 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết cũng mở ra cho DN cơ hội làm ăn với rất nhiều thị trường" - TS Lê Đăng Doanh nêu.

TS Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) - cho rằng cần có vai trò của nhà nước kích thích tổng cầu xã hội. Khi nhà nước phát những tín hiệu ổn định vĩ mô, đẩy mạnh đầu tư công và các hoạt động chi tiêu công để tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân thì sẽ kích thích được tiêu dùng. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 25-7

Tạo thêm kênh cho người dân xài tiền

TS Nguyễn Ngọc Hòa phân tích nhu cầu tiêu dùng phụ thuộc vào niềm tin của người dân về triển vọng kinh tế. Nếu người dân lo ngại kinh tế xấu đi, họ sẽ tiết giảm chi tiêu. Do đó, giải pháp kích cầu trong giai đoạn này là làm sao cho giá thành giảm xuống; đồng thời làm cho thị trường sôi động lên thông qua chiến lược marketing đẩy, tạo thêm kênh cho người dân tiêu xài như các hoạt động lễ hội, hội chợ, triển lãm, kinh tế đêm...

Thời gian vừa qua, cộng đồng DN gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề thị trường, vốn, pháp lý, thủ tục hành chính... "Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN nhưng tác động chưa được nhiều. Do đó, cần có sự vào cuộc một cách quyết liệt của các ngành, các cấp. Riêng hoạt động kích cầu tiêu dùng cần đẩy mạnh thông qua việc gia tăng các phong trào khuyến khích "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", chương trình xúc tiến thương mại trong nước và ngoài nước..." - TS Hòa đề xuất.

Nền kinh tế thứ 2 thế giới kích cầu

Trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu giảm tốc, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) hôm 24-7 đã công bố các biện pháp thúc đẩy đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng và tăng cường tài chính cho các dự án tư nhân. Theo hãng tin Reuters, NDRC mong muốn thu hút thêm nguồn vốn tư nhân tham gia xây dựng các dự án lớn. Đáng chú ý, NDRC cũng sẽ thành lập quỹ đặc biệt từ ngân sách trung ương để hỗ trợ hằng năm cho 20 thành phố có tốc độ tăng trưởng đầu tư tư nhân cao và thực thi chính sách mạnh mẽ.

Các giám đốc điều hành công ty và giới chuyên gia nhận định những nỗ lực mới của Trung Quốc nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân và lĩnh vực ngoài nhà nước sẽ giúp các DN có được chỗ đứng vững chắc hơn trong các lĩnh vực mới nổi quan trọng, điều này sẽ tiếp tục kích thích sức sống của thị trường và thúc đẩy phục hồi kinh tế. Trong cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc hôm 24-7, các nhà lãnh đạo cũng cam kết đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước, tín hiệu cho thấy sẽ có thêm các biện pháp kích cầu mới và hỗ trợ thị trường bất động sản. Bộ Chính trị Trung Quốc nhấn mạnh cần phải thích ứng với những thay đổi lớn về cung cầu của thị trường và tối ưu hóa các chính sách một cách kịp thời để kích thích thị trường bất động sản.

Bên cạnh một loạt biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo đài CNBC, Trung Quốc thời gian qua vẫn duy trì lãi suất ở mức thấp, trái ngược với Mỹ và các nước khác mạnh tay tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Lãi suất thấp hơn giúp DN có nhiều động lực đi vay trong khi việc cắt giảm lãi suất tiền gửi, về mặt lý thuyết, thúc đẩy người dân tăng chi tiêu.

Xuân Mai

Xem thêm: mth.35030412252703202-ioh-iad-pahp-iaig-nac-aid-ion-gnud-ueit-uac-hcik-cul-on/et-hnik/nv.moc.dln

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nỗ lực kích cầu tiêu dùng nội địa (*): Cần giải pháp dài hơi”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools