Thị trường Mỹ diễn biến thận trọng
Mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm là hoàn toàn nằm trong dự báo của giới đầu tư. Dù vậy, phiên giao dịch đêm 26/7 của Phố Wall vẫn khép lại với một thái độ tương đối thận trọng.
Ngoài Dow Jones tăng phiên thứ 13 liên tiếp, các chỉ số khác đều hầu như đi ngang hoặc giảm nhẹ. Điều đó cho thấy là dù đã trong dự báo thì quyết định lãi suất lần này của FED, đặc biệt là những giải thích từ Chủ tịch Jerome Powell vẫn được thị trường theo dõi rất sát sao.
Các ảnh hưởng sau quyết định lãi suất của FED
Kết quả phiên giao dịch đêm qua của Phố Wall đã nói lên tất cả. 3 chỉ số chính kết thúc phiên bằng hai màu xanh - đỏ trái chiều cho thấy các nhà đầu tư cũng có những đánh giá khác nhau về kết quả cuộc họp và về cuộc họp báo của FED.
Nhóm mua vào cho rằng FED đã quyết định theo đúng dự đoán, làm đúng những gì họ đã nói. Nhóm bán ra vì tuyên bố của Chủ tịch FED là mọi quyết định sẽ phụ thuộc vào từng cuộc họp và dữ liệu kinh tế cụ thể từng tháng. Nói như thế nghĩa là không có gì là chắc chắn, giới đầu tư gọi đây là nghệ thuật nói mà như không nói.
Tuy nhiên, Phố Wall vẫn cho rằng FED khó có thể tăng lãi suất tiếp sau cuộc họp mới đây, bởi nếu không có gì thay đổi thì lạm phát sẽ tiếp tục hạ nhiệt, trong khi FED cũng đến lúc phải cân nhắc tới tăng trưởng kinh tế.
(Ảnh: Getty Images)
Dù FED nói chấp nhận tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại nhưng họ chưa đưa ra điều chỉnh cụ thể về GDP năm nay sau quyết định vừa rồi. Có thể họ giữ dự báo từ cuộc họp tháng 6, GDP sẽ tăng trưởng 1% trong năm nay và 1,1% trong năm tới.
Nhưng sau cuộc họp, một số tổ chức tài chính đánh giá không được lạc quan như FED. JP Morgan đánh giá GDP của Mỹ trong 12 tháng tới có thể tăng trưởng âm 2%. Còn Citigroup dự báo là dưới 1%.
Các tổ chức như Conference Board cũng đồng tình với các nhận định trên và họ cho rằng nguyên nhân chính là lãi suất tiếp tục tăng cao, người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu trong những tháng tới, như đã làm trong 6 tháng qua.
Kinh tế Mỹ đang cho thấy nhu cầu với các dịch vụ vẫn mở rộng, nhưng nhu cầu đối với hàng hoá thì đã giảm, mà tiêu dùng thì vẫn là "động cơ chính đẩy" tăng trưởng của kinh tế Mỹ.
Thách thức đối với tình hình lạm phát Mỹ
Người dân mua sắm tại một siêu thị Los Angeles, Mỹ. (Ảnh: Los Angeles Times)
Ngay sau quyết định của FED, trong tuần này sẽ có thêm 2 số liệu quan trọng của nền kinh tế số 1 thế giới được công bố đó là GDP quý II của Mỹ công bố vào tối 27/7 (theo giờ Việt Nam) và trong ngày mai (28/7) là chỉ số giá cả tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của FED.
Một điều chắc chắn là FED cũng như thị trường sẽ tiếp tục theo dõi sát sao những biến động của lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh tình hình giá cả tại Mỹ đang đứng trước các thách thức mới.
Trong tuần này giá xăng dầu tại Mỹ đã chứng kiến mức tăng theo ngày lớn nhất trong vòng 1 năm qua, đưa giá xăng bình quân lên mức 3,69 USD/gallon, do ảnh hưởng của thiên tai tới các cơ sở khai thác và lọc dầu tại Mỹ.
Bên cạnh đó, việc Nga rời khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen cũng đang gây áp lực lên giá ngũ cốc trên thị trường quốc tế và có thể kéo giá cả thực phẩm tại Mỹ đi lên thời gian tới.
VTV.vn - Đây là lần tăng lãi suất thứ 11 trong 12 cuộc họp gần nhất của FED, nâng lãi suất chuẩn của ngân hàng trung ương Mỹ lên khoảng 5,25% - 5,50%, mức cao nhất kể từ năm 2001.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!