Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR) công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu 4.275 tỷ đồng, giảm 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm 35,2% còn 969 tỷ đồng.
Về cơ cấu, doanh thu từ mủ cao su giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước xuống 3.132 tỷ đồng; doanh thu từ các sản phẩm từ cao su giảm 79% xuống 93,7 tỷ đồng; doanh thu từ chế biến gỗ giảm 54% xuống 544,3 tỷ đồng; doanh thu kinh doanh bất động, cơ sở hạ tầng đạt 138,2 tỷ đồng; doanh thu dịch vụ duy tu bảo dưỡng hạ tầng khu công nghiệp đạt 13 tỷ đồng; doanh thu từ kinh doanh điện năng giảm 42,3% xuống 113,8 tỷ đồng...
Doanh thu tài chính của tập đoàn tăng 18,4% lên 284,6 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi tăng. Chi phí tài chính giảm 7,1% còn 157 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm theo.
Kết quả, Tập đoàn Cao su Việt Nam báo lãi quý II đạt 717 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình, nguyên nhân dẫn đến việc lợi nhuận của tập đoàn giảm là do tình hình kinh tế chung biến động làm giá bán mủ cao su giảm trong khi giá cả nhiều mặt hàng đầu vào tăng mạnh. Ngoài ra, các đơn vị đầu tư tại Lào trích lập dự phòng suy giảm giá trị đầu tư do sự suy giảm giá trị của đồng Kip Lào.
Lũy kế 6 tháng, Tập đoàn Cao su Việt Nam ghi nhận 8.407 tỷ đồng doanh thu thuần, 1.472 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm gần 20% và 47% so với nửa đầu năm ngoái. Như vậy 6 tháng tháng, tập đoàn đã hoàn thành 30,5% kế hoạch doanh thu và 34,5% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Về tình hình tài chính, tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của tập đoàn đạt 76.616 tỷ đồng, giảm 1.700 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, chiếm gần một nửa là tài sản cố định là 34.085 tỷ đồng. Lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp là hơn 15.000 tỷ đồng. Khoản phải thu ngắn hạn khách hàng giảm 35% xuống 936 tỷ đồng; trả trước cho người bán ngắn hạn tăng 58% lên 710,4 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm nhẹ xuống 3.891 tỷ đồng.
Nợ phải trả tại thời điểm cuối quý II/2023 là 22.444 tỷ đồng, giảm gần 2.500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ dài hạn hơn 14.187 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 8.257 tỷ đồng. Công ty đi vay tài chính hơn 6.673 tỷ đồng, trong đó phần lớn là nợ vay dài hạn.
Đáng chú ý, Tập đoàn Cao su Việt Nam có hơn 1.019 tỷ đồng nợ xấu, trong đó giá trị có thể thu hồi chỉ hơn 378 tỷ đồng.
Cụ thể, nợ xấu tại các khách hàng cho vay sáp nhập từ Công ty TNHH MTV Cao su Việt Nam gần 690 tỷ đồng; Các khoản cho vay theo hình thức repo cổ phiếu sáp nhập từ Công ty TNHH MTV Cao su Việt Nam là 51,5 tỷ đồng; cá nhân Phạm Duy Khương 28,5 tỷ đồng; CTCP Chứng khoán Delta 14 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Xây dựng cao su 11,1 tỷ đồng...