Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của thường trực Chính phủ và thành viên Chính phủ tại cuộc họp về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đề xuất trợ cấp hằng tháng mức 500.000 đồng/người
Về ý kiến thống nhất giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống, có thể thấp hơn nữa, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thống nhất với Văn phòng Chính phủ về quan điểm cần phải điều chỉnh giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Việc thay đổi trên phù hợp với định hướng của nghị quyết 28 của trung ương về "điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách".
Tuy nhiên, căn cứ tình hình kinh tế - xã hội, khả năng của ngân sách nhà nước, trước mắt bộ đề xuất tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi giảm ngay độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Thời gian tới, khi điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước cho phép, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để đề xuất việc tiếp tục giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí.
Việc thay đổi các chính sách sẽ hướng đến mục tiêu vừa mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, vừa khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Trước đó, cơ quan soạn thảo đề xuất điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Khi đạt các điều kiện trên, người cao tuổi sẽ được ngân sách nhà nước trợ cấp hằng tháng, với mức 500.000 đồng/người/tháng (thay vì mức 360.000 đồng/người/tháng hiện hành).
Người nhận trợ cấp cũng được tham gia bảo hiểm y tế miễn phí do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Tùy điều kiện kinh tế xã hội và ngân sách từng thời kỳ, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Tỉ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam cao nhất khu vực nhưng bình quân lương nhận thấp
Báo cáo cũng nêu rõ việc các ý kiến cho rằng vấn đề mức đóng bảo hiểm xã hội cần tính toán, đánh giá tác động một cách khoa học để đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động, doanh nghiệp và xã hội.
Giải trình vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng tỉ lệ đóng và mức tiền lương làm căn cứ đóng phải được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện.
Cụ thể, trong mối quan hệ tương quan, phù hợp với mức hưởng, tương quan với giá trị thực tế của mức đóng, mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (giá trị tuyệt đối), tương quan giữa thời gian đóng và thời gian hưởng, mức độ bao phủ của các chế độ bảo hiểm xã hội.
Báo cáo chỉ rõ, trong khu vực Đông Nam Á, tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam về số tương đối là cao so với trong khu vực, chỉ sau Singapore (37%) nhưng tỉ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới.
Tỉ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75%, trong khi các nước chỉ khoảng 40% (Trung Quốc, Hàn Quốc).
Mặc dù tỉ lệ đóng, tỉ lệ hưởng lương hưu cao nhưng với tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không cao (bình quân năm 2022 là 5,73 triệu đồng/tháng) nên mức lương hưu bình quân của người hưởng lương hưu hiện nay cũng chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng.
Như vậy, việc đặt vấn đề giảm tỉ lệ đóng bảo hiểm xã hội, đồng nghĩa với việc phải giảm tỉ lệ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (tỉ lệ hưởng lương hưu) dẫn đến giá trị thực mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động còn thấp hơn so với hiện hành, điều này không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của thường trực Chính phủ về dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).