Một ngày cuối tháng 7, căn nhà của ông Nguyễn Văn Bình (thôn Phước Hội, xã Quế Lâm, Nông Sơn) chộn rộn đoàn khách tới thăm. Ông Bình cùng vợ nói rằng phải giữ lại cho được đàn voi để thế hệ con cháu mai sau còn được nhìn thấy.
Nhường nhà cho voi
Thông tin về đàn, vị trí tìm thức ăn là mối quan tâm lớn của ông Bình cùng cán bộ Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi. Ông Bình nói đã chừng 2-3 tuần ông vào rừng dắt bò nhưng không thấy voi về. Dù mất dấu, nhưng theo ông Bình thì đây lại là điều đáng mừng vì lũ voi không đói, và vẫn đang an toàn trong mái nhà mà voi rừng thuộc về.
"Trước đây voi hay ra bìa rẫy của dân quấy phá, nhà tôi nằm ngay sát rừng nên gặp miết. Hồi xưa bà con truy đuổi, thậm chí voi bị bắn giết, cưa ngà nhưng thời đó qua lâu rồi. Nay thì chẳng những không dám động tới mà người ta ý thức rất tốt, bà con còn đi bảo vệ voi nữa" - ông Bình nói.
Câu chuyện kể của lão nông có nhà nằm ngay sát mái nhà của voi cũng là tin tích cực, được nuôi dưỡng từng ngày mà những người làm bảo tồn ở Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi Nông Sơn gầy dựng.
Ông Mai Văn Dưỡng - giám đốc ban quản lý của khu bảo tồn loài chuyên biệt về voi đầu tiên của Việt Nam - nói rằng bất cứ một dự án bảo tồn sinh cảnh và loài nào muốn thành công thì điều quan trọng nhất là ý thức của cộng đồng.
Và rất đáng mừng là người dân tại vùng đất này giờ đây đã thực sự hiểu được tầm quan trọng của công tác bảo tồn voi. Điều đó một phần xuất phát từ sự thấu hiểu của người dân, và nhờ vào chính sách, hoạt động tuyên truyền của chính quyền trung ương và địa phương.
"Cộng đồng, bà con là đối tượng tiếp xúc, xung đột trực tiếp với voi nên chính họ sẽ quyết định đến số phận voi hoang dã. Chúng tôi tìm mọi cách, mọi giải pháp để truyền thông, nâng cao nhận thức cho bà con hiểu và tham gia bảo vệ loài voi nói riêng và đa dạng sinh học nói chung.
Tới giờ có thể nói voi ở Nông Sơn đã có một mái nhà dù chưa đủ rộng, đúng với đặc tính hoang dã của chúng nhưng tương đối an toàn. Voi không còn bị truy đuổi, bức hại, săn bắn nữa" - ông Dưỡng nói.
Ông Dưỡng chỉ vào tấm bản đồ khoanh vùng phân khu dành cho bảo tồn đàn voi gồm 8 cá thể trong lâm phận. Một con đường lớn cắt ngang qua khu bảo tồn, men theo rừng già như sợi chỉ nhưng từ lâu lũ voi đã không còn bị đe dọa.
Một phần từ việc các quy định của pháp luật hiện nay đã được thực hiện nghiêm, phần vì tỉnh Quảng Nam đã thành lập ban quản lý khu bảo tồn và quan trọng nhất là bà con đã được giải thích rõ ràng và hiểu về giá trị của đàn voi.
Theo ông Dưỡng, câu chuyện bảo tồn voi ở Nông Sơn giờ đây đã khác xưa rất nhiều. Hiện nay voi đã được "trả" gần 19.000ha tổng diện tích lâm phận khu bảo tồn để sinh sống an toàn.
Đây là cả một quá trình nỗ lực của cả tỉnh Quảng Nam lẫn cộng đồng người dân. Trước đây, ngay giữa trung tâm của rừng già - cũng là không gian sống của loài voi, đã từng có một ngôi làng (Nà Lau).
Điều này đã gây xâm lấn không gian sống của voi, gây mất môi trường hoang dã, từ đó dẫn đến xung đột giữa loài voi và con người diễn ra thường xuyên.
Sau này, nhận thấy tính nghiêm trọng của vấn đề, Nhà nước và chính quyền đã có chủ trương dịch chuyển các ngôi làng, khu dân cư ra bên ngoài để trả lại đất cho loài voi.
Những "vệ tinh" đặc biệt canh đàn voi
Ghi nhận mới nhất của ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi cho thấy có tổng cộng 8 cá thể voi đang sống trong lâm phần của khu bảo tồn.
Mặc dù chỉ có 8 cá thể voi, tuy nhiên điểm đáng mừng là đàn có đủ cả đực và cái, cũng như ghi nhận có sự sinh sản bên trong đàn với việc ghi nhận được cá thể voi con (khoảng 2 tuổi) gần đây.
Ngoài ra, voi ở đây cũng sống trọn trong khu bảo tồn, trong lâm phần Việt Nam chứ không trải rộng qua nhiều quốc gia như ở Đắk Lắk, Nghệ An.
Ông Dưỡng đưa cho chúng tôi loạt danh sách các hộ dân tham gia bảo vệ voi rừng. Đó là những hạt nhân tích cực xuất phát từ các khu dân cư sát vách mái nhà của voi. Họ không chỉ chạm mặt, đối diện với voi nhiều lần mà còn thông thuộc đường rừng, đặc tính hoang dã của từng cá thể.
"Chúng tôi đã thiết lập được một mạng lưới cộng đồng tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ sinh cảnh cho voi trải rộng quanh khu bảo tồn. Tới nay có hai nhóm cộng đồng làm nhiệm vụ tuần tra, ghi nhận trực tiếp gồm nhóm 19 người và nhóm còn lại 35 người.
So với trước đây, bà con giờ đã coi việc tuần tra, bảo vệ rừng là công việc yêu thích, các thông tin được gửi về đều rất có giá trị. Chính người dân hằng ngày cũng giúp Nhà nước quản lý tốt rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng, đe dọa tới đàn voi" - ông Dưỡng nói.
Không chỉ người lớn tuổi tham gia bảo vệ voi, ban quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi còn vào trường học, các khu dân cư để truyền thông nâng cao nhận thức.
Những bảng thông tin về voi, các thông điệp bảo tồn, thông tin dự án được cắm ở các trục đường để người dân nắm bắt.
Học sinh được tặng cặp sách in thông tin nỗ lực bảo tồn, được dạy kỹ năng nhận biết voi, kỹ năng sống hài hòa với tự nhiên…
"Trước đây voi rừng bị xâm hại thường xuyên nhưng nay thì đã gần như được triệt tiêu. Bà con đã có ý thức rất tốt. Mỗi năm chúng tôi chỉ ghi nhận vài vụ việc đặt bẫy nhỏ.
Cán bộ quản lý bảo vệ rừng và các nhóm cộng đồng đi tuần tra, gỡ bẫy thường xuyên nên voi được an toàn hơn" - ông Dưỡng nói.
Hưởng ứng Ngày voi thế giới 12-8 với giải chạy "Khám phá Nông Sơn" 2023
Giải chạy việt dã "Khám phá Nông Sơn" năm nay sẽ chính thức khởi tranh vào ngày 13-8-2023 nhằm hưởng ứng Ngày voi thế giới (13-8-2023) và Ngày hội quảng bá văn hóa - du lịch Đại Bình, Quảng Nam.
Giải chạy năm nay sẽ có một cung đường xuyên qua vùng lõi của Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi nhằm giúp nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, để ổn định sinh cảnh giúp tăng số lượng quần thể voi tại khu vực này.
Nơi đây là một trong những khu vực dự án của Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học thuộc dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Tài trợ truyền thông giải chạy Nông Sơn, Hợp phần bảo tồn đa dạng sinh học mong muốn đồng hành cùng địa phương lan tỏa thông điệp bảo tồn voi hoang dã cũng như góp phần thu hút khách du lịch đến với làng du lịch trái cây Đại Bình.
Giải chạy đã chính thức mở đơn đăng ký tại: https://timve365.vn/events/kham-pha-nong-son-huong-ung-ngay-voi-the-gioi-nam-2023
Hệ động vật đã thống kê được gồm 215 loài động vật có xương sống trên cạn thuộc 84 họ, 27 bộ.
Đặc biệt trong khu bảo tồn ghi nhận đàn voi hoang dã gồm 8 cá thể sống thành bầy, gồm cả voi đực, voi cái lẫn voi con.
Clip giới thiệu giải chạy "Khám phá Nông Sơn 2023"
TT(Quảng Nam) - Tin từ huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, những ngày qua có đàn voi trên 10 con xuất hiện mật độ dày tại khu vực rừng Nà Lau. Thỉnh thoảng đàn voi di chuyển đến gần khu vực dân cư thôn Cẩm La, xã Quế Lâm, nhưng không phá hoại hoa màu, ruộng lúa và nhà cửa.