Ngày 30.7, người dân xã Buôn Triết tiếp tục gia cố các đoạn đê thấp trên sông Krông Ana. Một nhóm khác dầm mình trong nước, kéo bạt nhựa để che chắn những điểm đê vừa được gia cố.
Hiến ruộng để cứu lúa
Theo người dân, ngày 29.7, có 2 đoạn đê đất trên sông Krông Ana bị vỡ, nước tràn vào đồng lúa. Suốt cả ngày, người dân và các lực lượng dân quân, công an xã đã cùng nhau hộ đê, cứu lúa. Đến ngày 30.7, do mực nước vẫn dâng cao, bà con phải luân phiên túc trực, theo dõi và gia cố các điểm đê xung yếu.
Anh Trần Đăng Linh (trú xã Buôn Triết) cho biết, gia đình anh có 1,6 ha lúa trên đồng. Do điểm đê vỡ ngay ruộng nhà anh nên anh đã hiến luôn một phần ruộng lúa để lấy đất đắp đê. "Mình vì mọi người, mọi người vì mình. Nếu không hiến ruộng thì nước tràn vào, cả ngàn ha lúa giữa đồng ngập hết", anh Linh chia sẻ.
Tương tự anh Linh, ông Nguyễn Bá Hạnh cũng hiến một khoảnh lúa xanh tốt trên ruộng của mình để có đất hộ đê. "Tôi có 4 ha lúa trên đồng. Đường nội đồng khó vận chuyển, việc chở đất đắp từ nơi khác đến không được. Do cấp bách nên tôi hiến một phần ruộng để cứu lúa của mình. Đây là trách nhiệm chung với bà con", ông Hạnh nói.
Ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho biết, xã Buôn Triết có khoảng 2.100 ha lúa hè thu. Hiện lúa đang ở thời kỳ phân hóa đòng và trổ bông. "Đến nay mưa lũ đã gây ngập khoảng 320 ha lúa. Hiện nước sông vẫn dâng cao, nguy cơ diện tích lúa bị ngập còn tăng lên", ông Hải nói.
Liên quan đến tình hình ngập lụt, ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng phòng NN-PTNT H.Lắk, cho biết từ ngày 26 - 29.7, mưa lũ đã gây ngập 750 ha lúa hè thu tại huyện. Các xã có diện tích lúa bị ngập nhiều gồm: Buôn Triết bị ngập 320 ha, Đắk Liêng 268 ha, Buôn Tría 106 ha.
"Hiện lúa đang thời kỳ làm đòng và trổ bông, nếu ngập sâu, kéo dài sẽ ảnh hưởng khoảng 70% năng suất, thậm chí mất trắng. Mực nước sông Krông Ana vẫn tiếp tục dâng cao; khả năng diện tích lúa, hoa màu ngập úng tăng thêm nữa", ông Quang lo lắng.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, UBND H.Lắk đã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn tăng cường trực 24/24 giờ hằng ngày để theo dõi tình hình, chủ động các phương án đảm bảo an toàn cho người dân vùng lũ.
Mong chờ tuyến đê bao kiên cố
H.Lắk là địa bàn chuyên canh lúa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, với diện tích gần 6.000 ha. Tuy nhiên, nhiều xã trồng lúa của huyện này nằm ở vùng trũng, thường bị ngập lụt, gây thiệt hại mùa vụ. Theo thống kê của UBND H.Lắk, mùa lũ năm 2021, toàn huyện có 250 ha lúa bị ngập nặng; mùa lũ năm 2022, ngập hơn 2.000 ha.
Từ năm 2020, tỉnh Đắk Lắk triển khai dự án đê bao ngăn lũ phía nam sông Krông Ana có tổng mức đầu tư 200 tỉ đồng (chủ yếu từ nguồn vốn của T.Ư), tổng chiều dài 15 km đi qua địa bàn 3 xã Đắk Liêng, Buôn Tría và Buôn Triết của H.Lắk nhằm ngăn lũ, bảo vệ cho khoảng 3.000 ha lúa nước. Tuy nhiên, do dự án thiếu đất đắp đê nên các nhà thầu mới đắp được khoảng 39.000 m3 đất; còn thiếu khoảng 120.000 m3 đất.
Ông Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho biết, dự án đê bao ngăn lũ qua địa bàn xã 8 km, nay mới thi công được khoảng 3 km đê, còn lại 5 km thiếu đất đắp đê. "Hiện đê bao chưa được thi công hoàn chỉnh. Người dân cũng như chính quyền địa phương đều mong mỏi hoàn thành dự án đê bao để ngăn lũ, giúp bà con yên tâm sản xuất", ông Hải nói.