Theo tài liệu nghiên cứu của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên tại Việt Nam, nguồn cung bùn cát trước năm 1990 tại khu vực ĐBSCL là khoảng 160 triệu tấn/năm nhưng thời gian gần đây chỉ còn 20-80 triệu tấn/năm. Riêng với cát, nguồn cung này là khoảng 20-30 triệu tấn/năm trước năm 1990 và hiện nay chỉ còn 3-5 triệu tấn/năm.
Vấn đề hiện nay là cầu vượt quá nguồn cung, nếu khai thác quá mức sẽ thiệt hại kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL.
Nơi đảm bảo, nơi thiếu hụt
Tổng hợp số liệu từ quy hoạch của các địa phương cho thấy ngoài các mỏ đang khai thác, tổng trữ lượng các mỏ trong quy hoạch khoảng 215,58 triệu m3. Trong đó, tỉnh An Giang khoảng 54,54 triệu m3/13 mỏ (Quyết định quy hoạch năm 2017), Đồng Tháp khoảng 33,57 triệu m3/10 mỏ (Quyết định năm 2015), Vĩnh Long khoảng 42,3 triệu m3/10 mỏ (Quyết định năm 2018), Sóc Trăng khoảng 85 triệu m3.
Theo Đề án phát triển xây dựng vật liệu xây dựng Đồng Tháp (được phê duyệt 29-12-2022), thời gian qua, hoạt động khai thác cát sông quy mô tương đối lớn (khoảng 7-10 triệu m3/năm), chủ yếu là cát san lấp và một phần cát xây dựng phục vụ cho các công trình xây dựng ở trong và ngoài tỉnh.
Trước đây, nhu cầu đất đắp cho công trình ở Đồng Tháp không nhiều (chủ yếu là đắp lề đường). Tuy nhiên, giai đoạn 2022-2025 nhu cầu tăng cao (khoảng 2,98 triệu m3) do triển khai nhiều công trình trọng điểm.
Cụ thể, tổng nhu cầu cát sông san lấp sử dụng cho công trình vốn đầu tư công cho cả giai đoạn là 43,27 triệu m3 (năm 2023 là 14,78 triệu m3; năm 2024 là 10,4 triệu m3; năm 2025 là 4,6 triệu m3). Dự kiến khả năng cung ứng theo trữ lượng còn lại và công suất theo quy hoạch được phê duyệt là 8,95 triệu m3/năm, tuy nhiên thực tế còn nhiều khối tài nguyên chưa được đưa vào khai thác. Và đến thời điểm hiện tại, sau khi trừ sản lượng đã cấp phép khai thác còn lại trữ lượng chưa khai thác theo quy hoạch là 43,16 triệu m3.
Khai thác cát trên sông Tiền đoạn qua tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HẢI DƯƠNG |
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Long, cho biết cát trên địa bàn đang thiếu hụt lớn, chỉ còn cụm mỏ NTSH 7 (thuộc nhánh trái sông Hậu) chưa cấp phép khai thác cho doanh nghiệp nào. Nhu cầu sử dụng cát đối với các công trình trong tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ thực hiện trong năm 2023 là gần 7 triệu m3, năm 2024 là hơn 5,5 triệu m3.
Theo ông Hiếu, hiện trên địa bàn có bảy giấy phép khai thác cát sông đang hoạt động với công suất khai thác là 835.000 m3/năm. Nếu trong năm 2023, UBND tỉnh gia hạn 21 giấy phép, với công suất khai thác là 3,15 triệu m3/năm thì so với nhu cầu sử dụng công trình trong tỉnh thiếu gần 3 triệu m3.
Tại Cần Thơ, theo thống kê sơ bộ của Sở TN&MT, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 34 triệu m³ cát san lấp nhưng tổng trữ lượng cát của cả địa phương này chỉ còn khoảng 6,5 triệu m³. Do đó khả năng đáp ứng nhu cầu cát san lấp không đủ, nếu không có nguồn cung cấp từ các tỉnh lân cận.
Nhiều tiềm năng cát biển
Tổng trữ lượng tài nguyên cát sông trong lòng sông Hậu đoạn qua tỉnh Sóc Trăng (tài nguyên cấp 333) được điều tra, đánh giá là hơn gần 39 triệu m3/17,5 triệu m2. Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Sóc Trăng, trữ lượng này là kết quả được điều tra, đánh giá từ năm 2010-2011. Từ năm 2011 đến nay chưa được điều tra, đánh giá để xác định lại trữ lượng.
Đến nay, Sóc Trăng đã cấp phép khai thác hai khu vực mỏ với tổng trữ lượng gần 5,7 triệu m3. Tuy nhiên, hiện hai giấy phép đã hết hạn, các doanh nghiệp đang lập thủ tục đề nghị gia hạn giấy phép. Ngoài ra còn sáu khu vực mỏ đã được cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng với tổng trữ lượng là 14 triệu m3 (phê duyệt trữ lượng từ năm 2011). Tuy nhiên, trữ lượng này không thấm vào đâu so với nhu cầu cầu sử dụng nguồn cát làm vật liệu xây dựng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm ở địa phương rất lớn, ước tính hơn 250 triệu m3.
Đã cấp 60 giấy phép khai thác cát san lấp
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ TN&MT cho biết UBND các 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã cấp 60 giấy phép khai thác cát san lấp, tổng trữ lượng 63 triệu m3, tổng công suất 14 triệu m3/năm. Trữ lượng còn lại 37 triệu m3.
Bộ TN&MT đánh giá trên cơ sở số liệu về mỏ vật liệu cát đã được các địa phương quy hoạch, cho thấy các tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long có đủ nguồn để cung cấp ngay các mỏ vật liệu cát cho các dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và đoạn Hậu Giang - Cà Mau.
Tại Sóc Trăng, khi nguồn cát sông đang ngày càng ít thì nguồn cát biển khá dồi dào. Trung tâm Địa chất và Khoáng sản biển thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT), cho biết khi thực hiện đề án điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên khoáng sản khu vực biển ven bờ tỉnh Sóc Trăng đã cho số liệu nguồn tài nguyên vật liệu xây dựng vùng biển ven bờ có trữ lượng khá lớn. Trong đó, trữ lượng khoáng sản cát có thể làm vật liệu xây dựng và san lấp để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương khoảng 13,9 tỉ m3.
Tại Trà Vinh, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết cấp trữ lượng tài nguyên biển của tỉnh có thể khai thác được khoảng 40 triệu m3, rất có tiềm năng dùng thay thế cát sông và hiện Bộ TN&MT đang nghiên cứu cát biển trên địa bàn tỉnh để làm vật liệu thay thế.
Thiếu cát đắp nền cao tốc
Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, đã có ba dự án cao tốc trục dọc - ngang được khởi công ở ĐBSCL gồm cao tốc Bắc - Nam phía đông với hai dự án thành phần là Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cao Lãnh - An Hữu. Các dự án được kỳ vọng là góp phần giúp vùng đất Chín Rồng cất cánh nhưng đó cũng thách thức không nhỏ cho các tỉnh trong vùng ĐBSCL, trong đó cát san lấp để phục vụ cho các công trình rất lớn và cấp bách.
Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý (BQL) dự án Mỹ Thuận, cho biết do thiếu cát đắp nền nên tiến độ dự án đang rất chậm so với kế hoạch. Theo ông Thi, từ khi dự án được khởi công đến nay đã sáu tháng nhưng sản lượng thi công chỉ đạt khoảng 5% giá trị hợp đồng, rất chậm so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn vật liệu cát đắp nền đường nên nhà thầu chỉ có thể triển khai thi công hạng mục cầu trên tuyến và đào bóc hữu cơ, đắp bờ bao các đoạn tuyến đã có mặt bằng, thi công đường công vụ, cầu tạm.
“Đến nay, mới chỉ có Đồng Tháp cung ứng được khoảng 2% nhu cầu từ nguồn tăng 50% công suất các mỏ đang khai thác” - ông Thi thông tin.
Vật liệu cát thi công cao tốc đang là vấn đề vướng mắc làm ảnh hưởng tiến độ các dự án cao tốc ở ĐBSCL. Ảnh: CHÂU ANH |
Theo ông Thi, BQL dự án Mỹ Thuận cùng các đơn vị đã tiến hành khảo sát, kiểm tra cát tại Vĩnh Long. Tuy nhiên, các mỏ đang khai thác thì nguồn cát không đảm bảo chất lượng nên ban không đề xuất nâng công suất. Bên cạnh các đơn vị của cũng khảo sát cụm mỏ NTSH7 (nhánh trái sông Hậu) cho thấy chất lượng cát ở đây đảm bảo và trữ lượng khoảng 4 triệu m3 và đề nghị Vĩnh Long ưu tiên cho dự án cao tốc Bắc - Nam.
Vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Long, cho biết hiện chỉ có thể cấp cho Công ty Trung Nam (21 ha) trữ lượng khoảng 0,8 triệu m3 và Công ty VNCC E&C (24 ha) khoảng 1 triệu m3, đối với hai mỏ còn lại (trùng với vị trí của hai đơn vị thăm dò khác) thì tỉnh sẽ xem xét lại.•
Ưu tiên nguồn cát cho các dự án cao tốc
Để phát triển địa phương thời gian qua tỉnh đã bố trí khoảng 5,96 triệu m3 cát cung cấp cho 16 công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh như tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên, tuyến N1 kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp…
Bên cạnh đó, tỉnh đã cân đối và bố trí nguồn cát san lấp cho các dự án như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, đã cung cấp và tiếp nhận 0,8 triệu m3.
Đối với cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, tỉnh phải cân đối trên địa bàn 9,3 triệu m3 và Cần Thơ - Hậu Giang tỉnh đã bố trí hai khu mỏ (Cù Lao Tây và Bình Phước Xuân) với trữ lượng dự kiến khoảng 7,5 triệu m3. Đối với tuyến Cần Thơ - Cà Mau tỉnh được giao hỗ trợ 7 triệu m3, trước hết tỉnh sẽ cấp 1,1 triệu m3, nếu thuận lợi thì sẽ sớm có cát đến công trường. Còn 2,2 triệu m3 còn lại phải đợi Ban cán sự Đảng thống nhất trình Ban Thường vụ phê duyệt.
Đối với 3,7 triệu m3 còn lại thì tỉnh đề xuất sử dụng cát biển thay thế. Nếu cuối năm nay không có cát biển thay thế, An Giang phải cung ứng thêm phần này thì xem như không còn nguồn cát nào cho các công trình của tỉnh nữa. An Giang đề xuất Bộ TN&MT hỗ trợ địa phương thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bởi vì tỉnh không đủ khả năng thực hiện đối với mỏ khai thác hàng triệu m3/năm.
Ông NGUYỄN VIỆT TRÍ, Giám đốc Sở TN&MT An Giang
Tránh giới thiệu nhiều nhà thầu cùng khai thác một mỏ cát
Tỉnh Đồng Tháp được giao cung cấp 7 triệu m3 cát cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Hiện tỉnh đã bố trí 1,891 triệu m3. Đối với số lượng còn lại, tỉnh cũng đã chuẩn bị bốn mỏ với trữ lượng hơn 5,1 triệu m3 (cần khảo sát, đánh giá lại). Đảm bảo trong năm nay Đồng Tháp cung ứng đủ 3,3 triệu m3 từ nguồn nâng công suất.
Đồng Tháp kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo BQL dự án Mỹ Thuận sớm giới thiệu nhà thầu thi công có đủ năng thực hiện khai thác các mỏ cát trên nguyên tắc một mỏ cát chỉ giới thiệu cho một nhà thầu và một nhà thầu có thể giới thiệu cho nhiều mỏ cát. Nếu nhiều nhà thầu cùng khai thác một mỏ cát thì không thể kiểm soát được.
BQL dự án cũng cần thường xuyên theo dõi, chỉ đạo nhà thầu chủ động phối hợp với Sở TN&MT thực hiện thủ tục cấp phép khai thác, nếu tích cực thì tin chắc rằng thời gian sẽ được rút ngắn hơn so với hiện nay (thời gian hiện tại là ba tháng), đảm bảo cung ứng được cát. Và nhà thầu cần xây dựng lộ trình khai thác cụ thể để tỉnh theo dõi.
Ông HUỲNH MINH TUẤN, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp
Đánh giá lại chất lượng cát
Tỉnh Vĩnh Long luôn ưu tiên nguồn cát cho các dự án cao tốc theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, các đơn vị phải tiến hành khảo sát, đánh giá lại chất lượng cát nếu đạt chuẩn thì tỉnh sẵn sàng cấp phép.
Cát ở Vĩnh Long hiện cũng không còn nhiều và chất lượng thì cũng không tốt không đáp ứng được chuẩn cho cao tốc (cát sáu, bùn bốn).
Ông NGUYỄN VĂN LIỆT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long