Trong khi nhà sáng lập Facebook là Mark Zuckerberg cho ra mắt Threads để cạnh tranh với Twitter của Elon Musk thì một nhà đồng sáng lập khác của mạng xã hội này, ông Dustin Moskovitz thì lại nói thẳng tỷ phú Tesla là “kẻ lừa đảo” (Scammer).
Tờ Business Insider (BI) cho hay Moskovitz nói rằng rất nhiều người đã than phiền về những cam kết thái quá, những viễn cảnh to lớn mà Elon Musk vạch ra cho Tesla lẫn SpaceX nhưng thực tế thì chưa chắc đã như kỳ vọng.
Thậm chí ông Moskovitz, hiện đang là CEO của Asana, còn nhận định nhà sáng lập Tesla cứ như một kẻ lừa đảo khi hứa “suông” để lấy tiền đầu tư còn dự án có trễ hẹn hay thành công hay không thì chưa rõ.
Lừa đảo khách hàng?
“Vấn đề là tôi không nhận thấy những công ty của Elon Musk có sức ảnh hưởng rộng như cam kết, hoặc ít nhất thì tôi cũng không thực sự tin quá nhiều vào ông ta như những người khác. Nếu những công ty của Elon Musk được xây dựng dựa trên các lời nói dối chứ không chỉ là do quá lạc quan vào thị trường thì chúng ta cần nhìn nhận đây là một vụ lừa đảo”, ông Moskovitz đăng trên Threads.
Theo nhà đồng sáng lập Facebook này, Elon Musk chỉ thực sự tăng tốc phát triển ngành xe điện trong 2 năm trở lại đây, còn trước đó là những lời hứa suông về một viễn cảnh thị trường tươi sáng để thu hút nguồn vốn, trong khi thị trường lúc đó chưa thực sự bùng nổ.
Ngoài ra, những cam kết về một chiếc xe điện có bán kính hoạt động rộng lớn, hệ thống lái tự động và những nhà máy lắp ráp tự động đều được Elon Musk vẽ ra để thu hút khách hàng, công nhân và những nhà đầu tư đến với dự án.
Dựa trên báo cáo của hãng tin Reuters về việc những chiếc xe điện Tesla đã khai khống phạm vi có khả năng hoạt động trên bảng điều khiển, Moskovitz chỉ ra rằng Elon Musk không trung thực như mọi người vẫn nghĩ. Động thái “lừa đảo” khách hàng này là có chủ đích và được thực hiện từ yêu cầu trực tiếp của Elon Musk.
Cụ thể, thông qua các thuật toán được cài đặt có chủ đích, đồng hồ sẽ chỉ hiển thị những số liệu tốt nhất theo lý thuyết về quãng đường một chiếc Tesla có thể đi. Đến khi pin giảm còn dưới 50% mức sạc tối đa thì hệ thống mới hiển thị dự đoán thực tế hơn về phạm vi quãng đường xe có thể chạy.
Phạm vi lái xe là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua xe điện của người tiêu dùng. Nỗi sợ hết điện trước khi đến được trạm sạc là trở ngại chính khiến các nhà sản xuất phải đau đầu khi thúc đẩy doanh số bán xe.
Theo Moskovitz, việc làm giả số liệu trên bảng điều khiển này khiến sản phẩm nhà Tesla trông có vẻ tốt hơn so với đối thủ nhưng thực tế lại chẳng phải như vậy.
Hiện cả Elon Musk và Tesla đều chưa phản hồi về báo cáo điều tra của Reuters.
Mặc dù hãng tin Reuters không nêu rõ những chiếc xe của nhà Tesla đã “khai khống” phạm vi chạy so với thực tế lên bao nhiêu phần trăm nhưng các kết quả thử nghiệm từ bên thứ 3 cho thấy sự khác biệc rất nhiều so với kết quả được hãng công bố.
Trong khi đó, tờ BI thì nhận định một phần nguyên nhân rất lớn khiến Tesla thống trị được ngành xe điện Mỹ là do những ông lớn ô tô truyền thống như Ford hay GM mới chỉ bắt đầu tiếp xúc mảng này, tạo cơ hội cho đế chế nhà Elon Musk đi trước dẫn đầu thị trường.
Tuy nhiên, sự gia nhập của hàng loạt tập đoàn xe hơi truyền thống khiến Tesla giờ đây không còn là hãng có ô tô điện với phạm vi hoạt động xa nhất nữa. Trong khi sản phẩm đi xa được nhất của Tesla là Model S chỉ có tầm hoạt động 405 dặm (651,7 km) cho mỗi lần sạc đầy thì Lucis Air, một startup trong ngành lại đi được đến 516 dặm.
Chiêu trò cạnh tranh
Nhà sáng lập Moskovitz cũng cho rằng những lời hứa “đao to búa lớn” (Big Promise) của Elon Musk về tương lai xe điện tự lái chẳng có tác dụng gì ngoài việc giúp công ty của ông thu hút được các nguồn lực tiềm năng từ thị trường, qua đó giới hạn khả năng cạnh tranh của đối thủ.
Bằng chứng là ông chủ Tesla đã cam kết về xe điện lái tự động hàng năm trời nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thiện. Tesla mới chỉ ra mắt được những chiếc xe điện với hệ thống tự lái còn nhiều lỗi, đồng thời yêu cầu những tài xế có bằng lái được sử dụng chúng, một điều khác xa so với lời cam kết khi gọi vốn của Elon Musk.
“Tôi làm trong ngành phần mềm và hiểu rằng sự trễ hạn của dự án là điều thường xuyên xảy ra. Thế nhưng những lời cam kết của Elon Musk lại là yếu tố đưa Tesla vượt lên trước đối thủ rất nhiều, khiến mọi người tin rằng vị tỷ phú này có thể thúc đẩy công nghệ tương lai nhờ sự gan góc và khéo léo của mình. Chính niềm tin này đã được Tesla chuyển thành nguồn lực và nguồn vốn để có thể tăng tốc phát triển, qua đó biến thương hiệu nhà Elon Musk thành người dẫn đầu thị trường. Nếu họ cam kết chính xác với tình hình thực tế thì chưa chắc đã tạo nên cuộc cách mạng nào cả”, ông Moskovitz nhận định.
Nhà đồng sáng lập Facebook nhấn mạnh rằng những lời cam kết “thái quá” nhưng tình hình thực tế kém xa của Tesla đã giúp hãng này hút nguồn lực trên thị trường khỏi các đối thủ như BYD, Toyota, Nikola hay Rivian.
Sau khi thành lập từ năm 2003, mãi đến năm 2008 thì Tesla mới bắt đầu bán được chiếc xe điện đầu tiên. Đến năm 2010 thì BYD khởi động dự án xe điện, Nikola là vào năm 2014 còn Rivian thì được thành lập từ năm 2009. Việc đi sau khiến những đối thủ này khó lấy được nguồn lực cũng như tạo được danh tiếng so với những lời cam kết của Elon Musk.
Bên cạnh đó, Moskovitz cũng cho rằng Elon Musk đang làm điều tương tự với SpaceX trong mảng vũ trụ. Công ty của Elon Musk đã được định giá đến 150 tỷ USD nhờ gần như thống trị trong mảng phóng tên lửa đưa vệ tinh lên quỹ đạo.
Tuy nhiên nhà đồng sáng lập Facebook cho rằng Elon Musk cũng đang dùng chiêu trò tương tự như với Tesla để giúp SpaceX thu hút được nguồn lực trên thị trường và hạn chế khả năng cạnh tranh của đối thủ.
*Nguồn: BI, Reuters