Nâng tầm đặc sản qua thương hiệu cộng đồng
Thuận Hải
(KTSG) - Thương hiệu cộng đồng được cho là giúp gia tăng giá trị cho các đặc sản địa phương, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng nhưng thực tế cho thấy việc xây dựng, quản lý thương hiệu cộng đồng ở từng địa phương chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Giá bán Sầu riêng Đạ Huoai cao hơn 15-20% so với các loại sầu riêng khác. Ảnh: Thùy Linh |
Trong một báo cáo mới đây, TS. Trịnh Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam), cho biết xây dựng thương hiệu cộng đồng (bao gồm cả nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý) là hình thức đang được nhiều địa phương quan tâm nhằm gia tăng giá trị cho các đặc sản địa phương, tạo lực đẩy phát triển cũng như mang lại lợi ích cho cả cộng đồng. Trên bình diện giao thương quốc tế, vấn đề xây dựng thương hiệu cũng thường xuyên được nhắc tới, không chỉ đối với thương hiệu tư nhân mà cả với thương hiệu cộng đồng.
“Lên đời” nhờ thương hiệu cộng đồng
Là tỉnh có phần lớn diện tích nằm trên các cao nguyên, phù hợp phát triển nông nghiệp, Lâm Đồng có nhiều nông sản được người tiêu dùng ưa chuộng.
Năm 2016, “Sầu riêng Đạ Huoai” được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận đăng ki lô gam nhãn hiệu. Sau đó, vùng sản xuất sầu riêng Đạ Huoai đã được địa phương quản lý chặt chẽ hơn, từ việc mở rộng diện tích trồng, sản lượng, cho đến chất lượng. Các tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh “Sầu riêng Đạ Huoai” phải đăng ki lô gam và được UBND huyện Đạ Huoai cấp quyền.
Đến nay, đã có 397 hộ nông dân của các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu này. Hầu hết những hộ này trồng sầu riêng theo chuẩn VietGAP, với diện tích 507,7 héc ta. Huyện Đạ Huoai cũng đã hoàn thiện Đề án truy xuất nguồn gốc “Sầu riêng Đạ Huoai”. Đã có 822.000 tem điện tử truy xuất nguồn gốc được cấp cho các doanh nghiệp, HTX kinh doanh sầu riêng Đạ Huoai. UBND huyện Đạ Huoai cũng đã cấp 48.200 tem dán trái cho 74 hộ thuộc bảy tổ hợp tác trồng sầu riêng tại địa phương này.
Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” đã từng bước tiếp cận thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Người tiêu dùng có thể yên tâm về nguồn gốc sản phẩm khi dễ dàng truy xuất thông tin của sản phẩm bằng phần mềm quét mã QR qua ứng dụng Zalo hay phần mềm Agricheck... Năm ngoái, địa phương này đã đăng ki lô gam nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” để được bảo hộ độc quyền tại thị trường Trung Quốc và đang được xem xét. Riêng ở thị trường trong nước, sản phẩm dán tem chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai” tại các cửa hàng nông sản sạch có giá bán cao hơn 15-20% so với sản phẩm sầu riêng cùng loại.
Khác với sầu riêng Đạ Huoai, gạo nếp quýt Đạ Tẻh gặp nhiều khó khăn hơn trong quá trình xây dựng thương hiệu. Nguyên nhân là ít ai biết vùng núi cao nguyên như Lâm Đồng có thể trồng lúa, lại là giống lúa của bà con dân tộc thiểu số Tày, Nùng di thực từ Tây Bắc mang theo.
Theo người dân địa phương, trước đây, giống lúa nếp này chỉ được một số hộ dân ở xã An Nhơn trồng để phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Nhờ hợp thổ nhưỡng, khí hậu mà hạt lúa tròn đầy, dậy mùi thơm ngay khi còn trên cánh đồng. Đặc biệt, chỉ vùng đất xã An Nhơn và một phần thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh) mới canh tác được cây lúa này và cho chất lượng, năng suất cao nhất.
Đến năm 2016, “Gạo nếp quýt Đạ Tẻh” được cấp chứng nhận nhãn hiệu. Sau đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu “Gạo nếp quýt Đạ Tẻh”.
Hồi Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, nếp quýt Đạ Tẻh được mua với giá khoảng 11.500 đồng/ki lô gam lúa chuẩn hữu cơ đối với lúa tươi, gạo thành phẩm được bán với giá trên 40.000 đồng/ki lô gam. Còn lúa đạt chuẩn VietGAP cũng có giá từ 9.000-10.000 đồng/ki lô gam. “Đây là mức giá tốt, nông dân rất phấn khởi. Hiện huyện Đả Tẻh đang chú trọng khôi phục giống lúa nếp quýt về đúng gốc nguyên bản, sẽ giúp nếp quýt Đạ Tẻh nâng thêm chất lượng”, bà Hoàng Thị Oanh, đại diện HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Quyết Tâm, đơn vị được cấp phép sử dụng nhãn hiệu “nếp quýt Đạ Tẻh”, cho biết.
Chọn cách làm phù hợp
Theo bà Phạm Thị Nhâm, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng, vấn đề nhãn hiệu cộng đồng gắn với các đặc sản đã được nhiều địa phương quan tâm hơn trong thời gian gần đây và có định hướng lâu dài cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển. Thời gian qua tỉnh Lâm Đồng đã chọn cách tập trung phát triển nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể, như một bước đệm để bắt đầu quá trình xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh này.
Có thể kể đến nhãn hiệu chứng nhận “Đà Lạt - kết tinh từ đất lành” đã được tỉnh Lâm Đồng xây dựng và phát triển từ năm 2017 cho các sản phẩm rau, hoa, cà phê Arabica và dịch vụ du lịch canh nông. Có ý kiến cho rằng khi nhãn hiệu này có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nó sẽ trở thành công cụ giúp chống lại tình trạng hàng Trung Quốc “mạo danh” nông sản Đà Lạt đang tràn lan trên thị trường hiện nay.
Dẫu vậy, theo bà Nhâm, cho đến thời điểm hiện tại, trong số 26 nhãn hiệu đã được xác lập của toàn tỉnh, chỉ có khoảng 50% phát triển tốt, số còn lại chưa được quan tâm đúng mức. Có nhãn hiệu chưa có đơn vị nào đăng ki lô gam tham gia, thậm chí nhiều doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu nhưng không dùng đến.
Còn theo nhận định của TS. Trịnh Văn Tuấn, việc lựa chọn cách thức nào để xây dựng thương hiệu nông sản của từng địa phương sẽ dựa trên tiềm lực kinh tế, quy mô sản xuất và đặc biệt là tính đặc thù của sản phẩm gắn với các điều kiện địa lý của vùng sản xuất ở địa phương đó.
Trên thực tế, nhiều sản phẩm thất bại trong quá trình xây dựng thương hiệu là do từ ban đầu, địa phương đã lựa chọn sản phẩm không có tiềm năng phát triển thị trường hay không có khả năng sản xuất để làm thương hiệu.
Như với “Nón lá Huế” (Thừa Thiên Huế), chỉ 10% được bán cho khách du lịch nước ngoài, 90% còn lại là bán cho nông dân ĐBSCL để... đội khi ra đồng. Việc xây dựng thương hiệu cộng đồng hay chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này không giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Hay như sản phẩm “Rượu mơ Yên Tử” (Quảng Ninh), loại rượu phục vụ chính cho văn hóa tín ngưỡng của người dân địa phương. Sau khi được UBND tỉnh Quảng Ninh đầu tư xây dựng thương hiệu, diện tích trồng mơ vẫn không phát triển, thậm chí còn mai một dần. Sản phẩm rượu mơ sau đó được nhiều cơ sở sản xuất bằng cồn công nghiệp và hương mơ đã làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, việc quản lý thương hiệu cộng đồng sau quá trình xây dựng cũng rất quan trọng. Hiện nay, nhiều vùng sản xuất chỉ quan tâm khai thác mà bỏ quên việc quản lý thương hiệu dẫn đến mai một thương hiệu hoặc phát triển sai lệch mục tiêu ban đầu. “Cam Cao Phong ở Hòa Bình là một ví dụ cho việc quản lý tốt thương hiệu cộng đồng. Tại đây, chỉ những cửa hàng kinh doanh cam có nguồn gốc xuất xứ tại Cao Phong mới được treo biển bán “Cam Cao Phong”. Hết vụ cam, các biển hiệu này bị dỡ bỏ để tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng...”, ông Tuấn cho biết.
Xem thêm: lmth.gnod-gnoc-ueih-gnouht-auq-nas-cad-mat-gnan/309713/nv.semitnogiaseht.www