Tranh chấp hợp đồng giữa EC và AstraZeneca AB: Có phải vấn đề bất khả tư nghị?
ThS. Ngô Nguyễn Thảo Vy (*) - ThS. Nguyễn Hoàng Thái Hy (**)
(KTSG) - Nhu cầu về vaccin ngừa Covid-19 trên toàn cầu vượt xa năng lực sản xuất. Thỏa thuận mua trước (APA) giữa nhà sản xuất với bên mua - thông thường là chính phủ, là một giải pháp pháp lý tốt để mua được vaccin với những điều khoản ràng buộc mà cả hai bên giao kết cùng nhất trí. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là việc dân sự hóa một giao dịch có sự tham gia của chủ thể công có thực sự cân bằng quyền và lợi ích của các bên hay chưa?
Nguồn luật nào sẽ được áp dụng nếu giữa các bên xảy ra tranh chấp về việc thực hiện hợp đồng này? Vụ kiện giữa Ủy ban châu Âu (EC) và AstraZeneca AB vào tháng 6 vừa qua là một bài học kinh nghiệm đáng lưu tâm.
Ngày 27-8-2020, EC và AstraZeneca AB ký thỏa thuận mua trước 300 triệu liều vaccin ngừa Covid-19 với tùy chọn thêm 100 triệu liều. Tuy nhiên, vào tháng 1-2021, AstraZeneca đã thông báo cho Liên minh châu Âu (EU) rằng họ sẽ chỉ nhận được khoảng một phần tư trong số 100 triệu liều vaccin dự kiến giao vào tháng 3.
Trong phán quyết vào ngày 18-6 vừa qua, Tòa sơ thẩm Bỉ tại Brussels đã áp dụng Bộ luật Dân sự của Bỉ căn cứ vào thỏa thuận của các bên, theo đó yêu cầu nhà sản xuất dược phẩm cung cấp 50 triệu liều vaccin đến cuối tháng 9, hoặc phải trả khoản phạt 10 euro cho mỗi liều bị trì hoãn(1).
Nguồn cung các loại vaccin cho Việt Nam đa phần đều đến từ các quốc gia thành viên CISG. Vì vậy, khi xác lập hợp đồng mua vaccin với các công ty sản xuất, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và doanh nghiệp nhập khẩu cần hết sức lưu ý về khả năng áp dụng các nguồn luật khác nhau cho cùng một thỏa thuận, đặc biệt khi Việt Nam là thành viên của CISG. |
Điều có thể gây ngạc nhiên là một hợp đồng mua bán hàng hóa được giao kết nhằm thực hiện mục tiêu công của chính phủ lại có thể được áp dụng bởi các quy định của luật tư.
Tuy nhiên, bất ngờ chưa dừng lại ở đây khi vấn đề luật áp dụng cho APA thực tế phức tạp hơn, khi cả pháp luật quốc gia và quốc tế cùng có khả năng điều chỉnh thỏa thuận này ngay cả khi các bên giao kết đã giới hạn nguồn luật áp dụng thông qua thỏa thuận chọn luật.
Hợp đồng mua vaccin cho mục tiêu sức khỏe công cộng của EC thuộc phạm vi điều chỉnh của luật tư?
Hiện nay, chỉ có 0,8% lượng vaccin ngừa Covid-19 sẵn có được chuyển tới các quốc gia đang và kém phát triển. Do đó, các quốc gia có động lực để ký các hợp đồng không đấu thầu vốn phải trải qua nhiều vòng thủ tục và đàm phán để nhanh chóng sở hữu vaccin.
Vì vậy, thỏa thuận APA này về bản chất là một hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lý khi một bên, thông thường là chính phủ, mua từ nhà sản xuất vaccin một số lượng cụ thể hoặc tỷ lệ phần trăm liều vaccin nếu được sản xuất theo mức giá mà cả hai bên thương lượng được(2). Tuy nhiên, quá trình thực hiện hợp đồng này không chỉ đơn giản là mua bán hàng hóa.
Trong trường hợp APA giữa EC và AstraZeneca AB, thỏa thuận này vẫn có bóng dáng của một hợp đồng gia công khi điều 6.1 của hợp đồng yêu cầu bên mua “nỗ lực hết sức một cách hợp lý để giúp AstraZeneca đảm bảo nguồn cung” các thành phần thuốc và nguyên vật liệu. Thậm chí, cũng có nghi ngờ rằng đây là một hợp đồng hợp tác công - tư khi EC có nghĩa vụ hỗ trợ tài chính cho AstraZeneca trong quá trình tìm kiếm nguyên vật liệu và sản xuất.
Ngoài ra, xét về mặt chủ thể, EC là một cơ quan công cộng thuộc nhánh hành pháp của EU. Do đó, việc xác định bản chất công hay tư của thỏa thuận này là bước tiên quyết để làm rõ mối quan hệ của các bên, sau đó phân loại hợp đồng để lựa chọn luật áp dụng.
Phán quyết của Tòa sơ thẩm Bỉ cho thấy, ngay phần mở đầu của thỏa thuận đã ghi rõ EC là một bên của hợp đồng có “địa chỉ thương mại” tại “rue de la Loi 200, 1049 Brussels, Belgium”. Điều này cũng nói lên rằng EC tham gia hợp đồng mua bán hàng hóa này với tư cách một chủ thể tư và chịu ràng buộc thực thi nghĩa vụ như một bên mua thuần túy theo thỏa thuận hợp đồng và pháp luật áp dụng.
Vai trò của các bên được ghi nhận tại điều 2 của hợp đồng APA cũng cho thấy vị thế ngang bằng giữa bên bán và bên mua, cũng như nội dung được cấu trúc như một hợp đồng mua bán hàng hoá thuần túy. Do vậy, Tòa án Bỉ hoàn toàn hợp lý khi xem xét APA là một giao dịch dân sự. Điều này phù hợp với nguyên tắc của tư pháp quốc tế khi nhà nước thực hiện hành vi như một chủ thể tư (iure gestionis) chứ không phải thực thi quyền lực công (iure imperii)(3).
Về phân loại hợp đồng, điều 6.1 đã quy định chi tiết nghĩa vụ của AstraZeneca là “phải đảm bảo nguồn cung cho tất cả các thành phần thuốc […] và khả năng sản xuất thuốc […] cũng như các thành phần quan trọng để phát triển, chế biến và cung cấp các liều đầu tiên cho châu Âu”.
Từ đó, nghĩa vụ hỗ trợ tìm kiếm nguyên vật liệu và tài chính của bên mua chỉ tạo điều kiện cho bên bán thực hiện nghĩa vụ cơ bản của mình. Hơn nữa, điều 6.1 và 10.2 cũng cho thấy nội dung cốt yếu của hợp đồng này là mua bán - giao nhận vaccin chứ không phải thực hiện dịch vụ gia công hàng hóa. Tên của thỏa thuận này cũng nhấn mạnh đây là hợp đồng mua trước hàng hóa và việc tìm kiếm sự tương trợ nhằm thực hiện nghĩa vụ sản xuất và cung cấp hàng hóa là điều đương nhiên. Do vậy, Tòa án Bỉ đã áp dụng các quy định điều chỉnh vấn đề thực hiện hợp đồng căn cứ vào điều 1156-1161 của Bộ luật Dân sự Bỉ để ban hành phán quyết(4), không cân nhắc cụ thể tới mục đích công của bên mua.
Có cần thiết phải lưu ý tính chất công của thỏa thuận mua trước vaccin?
Rất khó để viện dẫn đến vấn đề lợi ích công cộng khi giải quyết tranh chấp giữa các bên qua lăng kính của luật tư. Rõ ràng là các điều khoản thỏa thuận đã được thiết kế để buộc cơ quan công quyền hoặc chính phủ từ bỏ các quyền miễn trừ của một chủ thể công.
Tưởng chừng đây là cách giúp cân bằng cán cân trong quá trình đàm phán và thực hiện hợp đồng, thực tế lại cho thấy chính phủ lại phải chịu “lép vế” trước các công ty sản xuất vaccin. Đơn cử, điều 14 trong APA này cho thấy bên mua phải có nghĩa vụ bồi hoàn khá rộng và bảo vệ cho nhà sản xuất trước các vụ kiện liên quan tới vaccin tới mức không hợp lý và bị nhiều chỉ trích là điều khoản “phi đạo đức”, trong khi hoàn toàn không nhắc tới vấn đề bảo vệ lợi ích công cộng như mục đích thực hiện hợp đồng của bên mua để đối trọng.
Đây có thể là sự đánh đổi mà chính phủ phải chịu trước sức ép thực hiện chính sách y tế công với cộng đồng trong đại dịch Covid-19, trong khi vaccin là nguồn lực khan hiếm. Nếu đối xử giao dịch này với tư cách một hợp đồng thuần túy dựa trên những điều khoản đã được cam kết thì lại vô tình xem nhẹ bối cảnh của giao dịch và vai trò đặc thù của bên mua, vốn hoàn toàn là những tình tiết cần được cân nhắc khi giải thích hợp đồng.
Ngoài ra, việc xem đây là giao dịch tư sẽ dẫn đến một vấn đề phức tạp hơn là xác định nguồn luật áp dụng. Thật vậy, lỗ hổng lớn nhất trong phán quyết của toà án cho tranh chấp này là Tòa án Bỉ mặc nhiên công nhận thỏa thuận chọn pháp luật quốc gia của các bên, trong khi quên mất rằng điều 18.4 ghi nhận việc viện dẫn tới cả một hệ thống pháp luật quốc gia Bỉ (laws of Belgium) bao gồm cả những điều ước quốc tế mà nước này là thành viên và các văn bản quy phạm pháp luật quốc gia như Bộ luật Dân sự. Do đó, Tòa án đã bỏ sót một trường hợp hoàn toàn có khả năng áp dụng để giải quyết tranh chấp này, chính là CISG với tư cách điều ước về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Điều ước quốc tế và pháp luật quốc gia hoàn toàn có thể được áp dụng cho hợp đồng mua bán vaccin
Về nguyên tắc, điều ước quốc tế có hiệu lực áp dụng ưu tiên hơn so với pháp luật quốc gia, trừ hiến pháp, nếu cùng quy định về một vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh. Với việc được áp dụng rộng rãi từ các quốc gia thành viên lẫn các quốc gia chưa phải là thành viên, CISG là điều ước điều chỉnh hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thành công nhất tính đến thời điểm hiện nay. Hầu hết các cường quốc về kinh tế trên thế giới đều đã tham gia CISG. Hơn nữa, tính đến ngày 26-9-2014, UNCITRAL báo cáo có trên 2.850 vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được giải quyết bằng việc áp dụng công ước.
Xét phạm vi áp dụng của CISG, theo điều 1.1, Công ước Điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa mang tính chất quốc tế. Thứ nhất, về đối tượng hợp đồng, vaccin là một loại hàng hóa hữu hình và không thuộc các trường hợp bị loại trừ tại điều 2 của Công ước, như hàng hóa dùng cho cá nhân hay gia đình, nhằm đấu thầu, hoặc là chứng từ tài chính, tàu thủy, máy bay và điện năng; mặc cho các tranh cãi đang diễn ra liệu đây hàng hóa tư theo quan điểm của công ty dược phẩm hay hàng hóa công phục vụ cho mục tiêu chính sách của chính phủ.
Các hoạt động cung cấp nguyên vật liệu cho việc sản xuất dược phẩm cũng không rơi vào trường hợp bị xem là hợp đồng gia công theo điều 3.1 CISG, vì đây chỉ là nghĩa vụ tạo điều kiện cho bên bán.
Nói ngắn gọn, CISG áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa, mặc cho nó là hàng hóa công hay tư, có sự tham gia của chủ thể công hay không, miễn đáp ứng điều kiện cấu thành hợp đồng mua bán hàng hóa tại điều 1 cũng như không thuộc phạm vi bị loại trừ của điều 2 và điều 3 Công ước.
Thứ hai, tính chất quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa thuộc phạm vi áp dụng của CISG căn cứ theo việc các bên giao kết có trụ sở thương mại (place of business) tại các quốc gia khác nhau. Với việc EC và AstraZeneca AB có địa chỉ thương mại tại hai quốc gia khác nhau (Bỉ và Thụy Điển) cũng như đều là thành viên của CISG, Công ước này hoàn toàn có thể được áp dụng trực tiếp theo điều 1.1.a. Câu hỏi quan trọng còn lại là thỏa thuận chọn luật tại điều 18.4 giữa các bên có đủ để loại trừ CISG hay không? CISG cho phép các bên giao kết loại trừ việc áp dụng của nó theo quy định tại điều 6 trên cơ sở nguyên tắc tự do hợp đồng(7).
Dù vậy, các án lệ áp dụng CISG yêu cầu thỏa thuận không áp dụng Công ước phải được thể hiện một cách rõ ràng bằng một điều khoản loại trừ rõ ràng(8). Ví dụ, các bên sẽ phải thỏa thuận: “Luật được lựa chọn để điều chỉnh hợp đồng thương mại quốc tế này là luật quốc gia A, loại trừ CISG”. Trong khi đó, điều 18.4 APA chỉ đơn thuần quy pháp luật của Bỉ được áp dụng mà không quy định rõ ràng loại trừ CISG. Vì vậy, khó mà khẳng định rằng pháp luật Bỉ là nguồn luật duy nhất áp dụng cho hợp đồng này, và Bỉ cũng là thành viên CISG từ năm 1996.
Hơn nữa, xét về hiệu quả giải quyết tranh chấp, Điều 8 của CISG hướng dẫn cách giải thích điều khoản hợp đồng một cách cặn kẽ, tỏ ra hiệu quả hơn Bộ luật Dân sự Bỉ khi nội dung tranh cãi chính của các bên xoay quanh việc AstraZeneca phải có “nỗ lực tối đa có thể một cách hợp lý” như thế nào để thực hiện nghĩa vụ giao hàng theo thỏa thuận trong APA, cũng như hoàn toàn có thể dẫn chiếu tới mục đích công của việc mua vaccin để giải thích điều khoản hợp đồng.
CISG cũng có đầy đủ các quy định pháp lý về quyền và nghĩa vụ của các bên hợp đồng chặt chẽ không kém pháp luật quốc gia, thậm chí lại còn mang tính phổ quát (universal) và hài hòa cao hơn. Vì vậy, nếu đã xem đây là một giao dịch tư thuần túy, các bên phải tính toán đến các trường hợp áp dụng luật điều chỉnh hợp đồng dựa trên bản chất thỏa thuận và xác định ưu, nhược điểm của từng lựa chọn luật áp dụng.
Kinh nghiệm cho Việt Nam trong các hợp đồng mua vaccin ngừa Covid-19
Từ ngày 1-1-2017 CISG đã chính thức có hiệu lực tại Việt Nam và là nguồn luật được áp dụng tự động cho hợp đồng mua bán hàng hóa trong trường hợp hai bên ký kết có trụ sở thương mại tại các quốc gia thành viên CISG.
Theo các phân tích trên, hợp đồng mua vaccin giữa Công ty cổ phần Vaccin Việt Nam (VNVC) với công ty sản xuất vaccin đáp ứng đầy đủ các yếu tố của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Thậm chí khi không thông qua VNVC, nhà nước và chủ thể được ủy quyền/cấp phép thực hiện giao dịch mua vaccin không còn giữ tư cách và đặc quyền của một chủ thể công, mà chịu ràng buộc bởi các cam kết của hợp đồng như một chủ thể tư bình đẳng với nhà cung cấp vaccin.
Nguồn cung các loại vaccin cho Việt Nam đa phần đều đến từ các quốc gia thành viên CISG. Vì vậy, khi xác lập hợp đồng mua vaccin với các công ty sản xuất, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và doanh nghiệp nhập khẩu cần hết sức lưu ý về khả năng áp dụng các nguồn luật khác nhau cho cùng một thỏa thuận, đặc biệt khi Việt Nam là thành viên của CISG.
Với tình hình dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng đến khả năng thực hiện hợp đồng, vấn đề lợi ích công cần được cân nhắc trong quá trình soạn thảo và dàn xếp tranh chấp một giao dịch giữa bên bán và bên mua vaccin. Nếu ưu tiên lựa chọn hệ thống pháp luật quốc gia làm luật điều chỉnh hợp đồng để tiện lợi cho việc viện dẫn các nguyên tắc về đảm bảo trật tự công, cần thiết phải thể hiện sự loại trừ rõ ràng các nguồn luật quốc tế khác có khả năng áp dụng nhằm tránh các rủi ro về mặt pháp lý.
Các bên sẽ tự thiết kế một điều khoản giới hạn hoặc miễn trừ trách nhiệm dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự tự do thỏa thuận (party autonomy) cố hữu trong pháp luật về hợp đồng dân sự. Vấn đề này sẽ được bình luận cụ thể hơn trong bài viết tiếp theo của chúng tôi.
(*) Giảng viên khoa Luật quốc tế trường Đại học Luật TPHCM, Học viên lớp Thạc sĩ Chính sách Công khóa 22, Đại học Fulbright Việt Nam.
(**) Giảng viên khoa Luật quốc tế trường Đại học Luật TPHCM.
(1) European Commission, “Belgian Court orders AstraZeneca to deliver vaccine doses to the EU”, EC Press Release, 18 June 2021, Bruxelles, truy cập tại: https://ec.europa.eu/commission/presscorner/detail/en/ip_21_3090 , truy cập lần cuối ngày 25/6/2021.
(2) Alexandra L Phelan, Mark Eccleston-Turner, Michelle Rourke, Allan Maleche, Chenguang Wang, “Legal agreements: barriers and enablers to global equitable COVID-19 vaccine access” , The Lancet Journal, 07 September 2020, truy cập tại: https://www.thelancet.com/article/S0140-6736(20)31873-0/fulltext, truy cập lần cuối ngày 25/6/2021.
(3) Peter Mankowski in: Mankowski (ed.), Commercial Law (C.H. Beck Hart Nomos, 2019), CISG, Art. 1, para. 31; Ulrich G. Schroeter, “Grenzfragen des Anwendungsbereichs und international einheitliche Auslegung des UN-Kaufrechts (CISG)“, IHR 2019, p. 133, 134.
(4) Christophe Ronse , Kirian Claeyé , “Must AstraZeneca supply the European Union with sufficient COVID-19 vaccines under Belgian law?”, International Law Office, ALTIUS, 10 February 2021 , truy cập tại: https://www.internationallawoffice.com/Newsletters/Healthcare-Life-Sciences/Belgium/ALTIUS/Must-AstraZeneca-supply-the-European-Union-with-sufficient-COVID-19-vaccines-under-Belgian-law truy cập lần cuối ngày 25/6/2021.
(5) Các bên có thể loại bỏ việc áp dụng Công ước này hoặc với điều kiện tuân thủ điều 12, có thể làm trái với bất cứ điều khoản nào của Công ước hay sửa đổi hiệu lực của các điều khoản đó.
(6) Germany 9 June 1995 Oberlandesgericht Hamm 11 U 1991/94, truy cập tại: http://daccess-dds-ny.un.org/doc/UNDOC/GEN/V96/842/23/IMG/V9684223.pdf?OpenElement