Theo báo cáo tổng hợp thông tin từ cộng đồng doanh nghiệp trong tháng 6/2021 của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa được Trưởng ban IV Trương Gia Bình ký gửi Thủ tướng Chính phủ, đang có sự sụt giảm kỳ vọng từ phía doanh nghiệp đối với các chính sách hỗ trợ thời gian qua.
Báo cáo tháng 6 được xây dựng căn cứ trên kết quả khảo sát nhanh ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội trong phạm vi cả nước về đề xuất với 3 nhóm chính sách:
Chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19;
Chính sách tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại, khó khăn trong dịch;
Chính sách thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, nhằm đề xuất các biện pháp, giải pháp để cụ thể hóa Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, cũng như cụ thể hóa các chỉ đạo khác của Chính phủ liên quan tới mục tiêu kép trong bối cảnh đại dịch.
Doanh nghiệp kỳ vọng vào nhóm chính sách liên quan tới vaccine
Nhận định đầu tiên được Ban IV đưa ra qua kết quả khảo sát nhanh ý kiến doanh nghiệp, đó là đang có sự sụt giảm kỳ vọng từ phía doanh nghiệp đối với các chính sách hỗ trợ thời gian qua.
Kỳ vọng của doanh nghiệp hiện tập trung nhiều vào nhóm chính sách liên quan tới chiến dịch vaccine phòng COVID-19. Lý do của việc này có thể lý giải là do cách thiết kế các quy định, thủ tục để truyền tải chính sách hoặc quá trình thực thi chính sách đang còn chưa sát với thực tiễn, chưa nhất quán với chủ trương lớn của Đảng - Chính phủ về hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh dịch.
“Do đó, đối với các chính sách hỗ trợ tới đây, rất mong Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương chú trọng vào tính hiệu quả, thiết thực, để mỗi chính sách được ban hành đều có thể nhanh chóng phát huy giá trị.
Song song với đó, cần tổ chức công tác giám sát, rút kinh nghiệm thường xuyên và chú trọng việc truyền thông chính sách để khâu thực thi luôn đảm bảo tính minh bạch, thuận tiện cho doanh nghiệp, người lao động”, Ban IV đề xuất.
Phỏng vấn nhanh bên lề cuộc khảo sát về khâu truyền thông/thông tin chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong bối cảnh dịch cho thấy, các doanh nghiệp chủ yếu ghi nhận sự chủ động của các cơ quan thuế trong việc truyền tải các quyết sách của Chính phủ.
Đối với các cơ quan đầu mối của các nhóm chính sách khác, sự chủ động thông tin cho doanh nghiệp không được ghi nhận rõ ràng.
Bên cạnh kiến nghị về các chính sách hỗ trợ trước mắt, có tính chất ngắn hạn để tạm thời vượt qua khó khăn, doanh nghiệp/hiệp hội tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chú trọng tổ chức các cuộc trao đổi, tham vấn với doanh nghiệp để cùng tìm ra các giải pháp có tính “dài hơi” hơn.
Việc này nhằm phối hợp chặt chẽ tâm - trí - lực của hai khối công - tư để nhận diện các xu hướng phát triển trong bối cảnh đại dịch ở từng ngành, lĩnh vực, đánh giá các biện pháp cần thiết cả ở góc độ chính sách cũng như hành động chủ động của doanh nghiệp nhằm tận dụng tốt cơ hội do bối cảnh này mang lại đồng thời hạn chế các khó khăn đã, đang và sẽ phát sinh.
Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ chi phí xét nghiệm và chi phí lương cơ bản
Về các chính sách hỗ trợ cụ thể liên quan đến người lao động, hầu hết các doanh nghiệp, hiệp hội tham gia khảo sát đều đồng thuận đề xuất, người lao động tại các doanh nghiệp mà bị mất việc hoặc không đủ ngày công đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... được giữ lại quyền khám, chữa bệnh theo giá trị của thẻ bảo hiểm y tế ít nhất tới hết năm 2021.
Mong muốn Chính phủ phê duyệt sớm đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về các chương trình hỗ trợ người lao động, đồng thời xem xét trình Quốc hội sớm tại kỳ họp tháng 7 này hai nhóm giải pháp hỗ trợ người lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội.
Đồng thời, các doanh nghiệp, hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan nghiên cứu cải thiện ngay các điều kiện giải ngân gói vay trả lương cho người lao động thuộc các ngành bị tổn thương do dịch bệnh.
Ưu tiên cho doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực đang kêu gọi xã hội hóa, lĩnh vực bị “đóng băng” hoạt động trong đại dịch COVID-19 như du lịch, dịch vụ du lịch... để được vay mà không cần điều kiện nào, bởi do yêu cầu phòng, chống dịch, hầu hết doanh nghiệp các ngành này đã phải đóng cửa hoạt động, hoàn toàn không có nguồn chi trả cho người lao động.
Ngoài ra, liên quan đến công tác hỗ trợ cho người lao động, vấn đề doanh nghiệp, hiệp hội còn mong đợi được giải quyết là Chính phủ ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ chi phí xét nghiệm và chi phí lương cơ bản cho người lao động bị cách ly trong những ngày không lao động được do yêu cầu cách ly.
Nhằm thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, các doanh nghiệp, hiệp hội tập trung đề xuất Chính phủ cho rà soát việc triển khai chiến dịch mua và tiêm vaccine cho người dân và người lao động tại các doanh nghiệp; minh bạch các tiêu chí xét đối tượng ưu tiên trong doanh nghiệp.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và một số cơ quan, địa phương xây dựng những quy trình mẫu cho mô hình “hợp tác công - tư” trong việc tìm kiếm, đàm phán, mua và tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp và công bố công khai các quy trình mẫu này.