Báo cáo ASEAN Perspectives mới nhất với tựa đề “Fed một đường, ASEAN một nẻo?” vừa được Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu HSBC công bố cho biết, khi lạm phát giảm dần, vấn đề giảm lãi suất chính sách sẽ sớm được các ngân hàng trung ương ASEAN đưa ra thảo luận. Tuy nhiên, mấu chốt của cuộc tranh luận chính là liệu các ngân hàng trung ương ASEAN có thể tiến hành giảm trước Fed.
Liệu mỗi ngân hàng trung ương có đủ tự do trong chính sách tiền tệ để đưa ra động thái khác với Fed với rủi ro rút vốn và biến động tiền tệ khi nhà đầu tư hướng đến lợi suất cao hơn và chỉ tập trung vào các điều kiện trong nước? Theo quan điểm của HSBC, tình hình sẽ khá đa dạng.
Lãi suất chính sách thực tế và Fed
Dựa trên lãi suất chính sách thực tế, HSBC tin rằng, Indonesia có nhiều dư địa nhất để cắt giảm lãi suất chính sách còn Việt Nam và Philippines thì ngược lại.
Theo HSBC, lãi suất chính sách thực tế - là lãi suất được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát - đóng vai trò lớn quyết định dòng vốn sẽ đi về đâu. Lãi suất này giảm mỗi lần ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất chính sách hoặc nếu lạm phát tăng lên. Vì vậy, nếu lãi suất chính sách thực tế của một thị trường bám quá sát với lãi suất chính sách thực tế của Fed (hoặc thậm chí thấp hơn), biên chính sách thực tế thu hẹp khiến dòng vốn chảy ra ngoài do nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở nơi khác.
Với biên độ giữa lãi suất chính sách thực tế của Ngân hàng Trung ương Indonesia (Bank of Indonesia - BI) và lãi suất thực tế của Fed hiện tại rộng hơn mức trước đại dịch, BI có dư địa để cắt giảm lãi suất sớm hơn. HSBC kỳ vọng BI bắt đầu chu kỳ nới lỏng ngay khi cảm nhận được lãi suất của Fed đã tới đỉnh, bắt đầu bằng một đợt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong quý IV/2023.
Ngược lại, các nền kinh tế ASEAN khác có lãi suất chính sách thực tế thấp hơn lãi suất của Fed. Điều đó khiến các nước này dễ bị chảy vốn khi ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm lãi suất chính sách và tách khỏi lộ trình của Fed.
Theo HSBC, điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của Philippines và Việt Nam (trong đó Việt Nam đã 4 lần cắt giảm lãi suất chính sách và dự báo có thêm một đợt giảm nữa trong quý III/2023).
HSBC cho biết, các quốc gia có thặng dư dồi dào có thể trụ vững trước các động thái của Fed vì không quá cần vốn nước ngoài - xuất khẩu của họ có thể đủ để chi trả cho nhu cầu nhập khẩu. Tính đến nay, Singapore có tài khoản vãng lai dồi dào nhất, tương đương với 15% GDP, giúp nước này ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng chảy vốn. HSBC kỳ vọng tài khoản vãng lai của Malaysia sẽ bình thường hóa trở lại mức trước đại dịch trong năm 2024.
Trong khi đó, cán cân của Việt Nam được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể, nhưng nguyên nhân lại không phải tối ưu, bởi chủ yếu do nhu cầu trong nước yếu khiến nhập khẩu giảm.
"Xét ở một mức độ nhất định, điều đó cũng giúp ổn định tỷ giá đồng VND và mang lại chút dư địa cho các cơ quan quản lý tiền tệ để tự tách mình độc lập khỏi Fed khi phải tập trung hơn vào các vấn đề trong nước”, các chuyên gia HSBC đánh giá.
Theo HSBC, mặc dù một số ngân hàng trung ương ở ASEAN có thể thận trọng trước các động thái của Fed, nhưng cũng không nhất thiết phải theo sát từng động thái của Fed. Các ngân hàng trung ương có chiến lược tiền tệ để giảm thiểu tác động của tình trạng chảy vốn, tạo một chút dư địa (không phải toàn bộ) để tự tách mình khỏi Fed.
Cắt giảm hay không cắt giảm?
Đó là câu hỏi đặt ra cho ASEAN, ngoại trừ Việt Nam, bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đi trước khi giảm lãi suất chính sách 150 điểm cơ bản (xuống 4,50%) chỉ trong vòng ba tháng. Thực tế, lãi suất chính sách của NHNN đã thấp hơn mức trước đại dịch và HSBC kỳ vọng thêm một đợt giảm 50 điểm cơ bản nữa.
Ngược lại, Ngân hàng Trung ương (BNM) đã bình thường hóa lãi suất chính sách trở lại mức trước đại dịch, còn BI, Ngân hàng Trung ương Philippines (BSP) và Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) đều đã tăng lãi suất lên mức cao hơn trước, trong đó BSP thắt chặt nhất.
Về hành động của các ngân hàng trung ương ASEAN như thế nào trong bối cảnh Fed tạm ngưng tăng lãi suất, nhưng vẫn giữ tâm thế "hawkish", HSBC cho rằng sẽ có sự khác nhau.
Các ngân hàng trung ương của khu vực sẽ xem xét các điều kiện trong nước có đảm bảo một đợt cắt giảm hay không; liệu nền kinh tế có bị ảnh hưởng bởi tình hình hàng hóa toàn cầu chậm lại hay không? Ngoài ra, sự tự do về chính sách tiền tệ trước Fed và sự ảnh hưởng của tình hình suy giảm toàn cầu đối với mỗi nước ASEAN cũng một khác.
“Những nền kinh tế phụ thuộc vào hàng hóa hơn, chẳng hạn như Việt Nam, nhiều khả năng sẽ cảm nhận được sự sụt giảm trong nhu cầu toàn cầu nhiều hơn so với Philippines, một nền kinh tế định hướng dịch vụ”, HSBC nhận định.
HSBC dự đoán, lạm phát sẽ tăng ở Thái Lan và Việt Nam trong năm 2024, nhưng không đủ cao để kích thích tăng lãi suất. Chẳng hạn, chỉ số CPI ở Thái Lan hiện đang ở dưới mức mục tiêu 1-3% của BoT. HSBC cho rằng, áp lực về giá do nhu cầu sẽ bắt đầu có ảnh hưởng khi du lịch phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, áp lực này sẽ không thể đẩy lạm phát đủ cao để vượt trần mục tiêu của BoT. Đối với Việt Nam, HSBC kỳ vọng lạm phát sẽ tăng lên mức khoảng 3% trong nửa cuối năm 2024, thấp hơn nhiều so với ngưỡng 4,5% của NHNN.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Singapore đều đang phải đối mặt với những thách thức do thương mại gây ra. Cụ thể, Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn về nhiều mặt, thể hiện rõ qua tốc độ tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 8% của năm 2022. Tương tự, Singapore cũng là một quốc gia phụ thuộc vào thương mại toàn cầu. Như vậy, cả hai nền kinh tế đều có lý do để cắt giảm lãi suất sớm hơn Fed.
“Tăng trưởng đã giảm tốc đủ nhiều để Việt Nam tính tới chuyện đảo ngược nỗ lực thắt chặt, trong khi Singapore có thể sẽ bước đi thận trọng hơn. Chúng tôi kỳ vọng Singapore sẽ chỉ cắt giảm lãi suất trong quý II/2024, gần với thời điểm Fed có động thái”, Báo cáo nhận định.