Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, từ hôm nay 1-7 có 6 thay đổi về chính sách bảo hiểm y tế quan trong, bao gồm:
Thay đổi khái niệm hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế (BHYT)
Theo quy định mới, những người thuộc diện tham gia BHYT hộ gia đình phải là những người cùng đăng ký thường trú hoặc cùng đăng ký tạm trú tại một chỗ ở hợp pháp, thay vì cùng Sổ hộ khẩu hoặc Sổ tạm trú như trước đây.
Có sự điều chỉnh như trên do Luật cư trú năm 2020 quy định từ 1-1-2023 chính thức bãi bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú, thay bằng việc quản lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời từ ngày 1-7-2021, cơ quan đăng ký cư trú cũng sẽ không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú mà thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Bổ sung đối tượng được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT
So với quy định hiện nay, bổ sung thêm người thuộc diện hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật, đang nuôi con dưới 16 tuổi, hoặc con từ 16-22 tuổi nhưng người con đó đang đi học (người con này đang được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội), được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT.
Theo quy định trước đây, nhóm đối tượng này chỉ được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT tối thiểu 70%.
Thay đổi danh sách người có công và thân nhân được hưởng chính sách BHYT
Kể từ 1-7-2021, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng chính thức có hiệu lực. Theo pháp lệnh mới, vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác mà nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành, hoặc chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống, hoặc vì hoạt động cách mạng mà không có điều kiện chăm sóc cha đẻ, mẹ đẻ liệt sĩ khi còn sống sẽ được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT, trước đây không có quy định này.
Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo định suất
Tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở xuống sẽ áp dụng phương thức thanh toán theo định suất đối với toàn bộ chi phí khám chữa bệnh ngoại trú trong phạm vi hưởng của người tham gia BHYT.
Tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến trung ương sẽ áp dụng tại các cơ sở có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT ban đầu, chỉ áp dụng thanh toán theo định suất đối với phần chi phí khám chữa bệnh ngoại trú của người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, phát sinh tại chính cơ sở khám chữa bệnh ban đầu đó. Ngoại trừ chi phí của đối tượng, bệnh, nhóm bệnh sau đây:
Chi phí của các đối tượng có mã thẻ quân nhân (QN), cơ yếu (CY), công an (CA), chi phí vận chuyển người bệnh có thẻ BHYT, chi phí của lần khám chữa bệnh BHYT có sử dụng dịch vụ kỹ thuật thận nhân tạo chu kỳ hoặc dịch vụ kỹ thuật lọc màng bụng hoặc dịch lọc màng bụng, có sử dụng thuốc chống ung thư hoặc dịch vụ can thiệp điều trị bệnh ung thư đối với người bệnh được chẩn đoán bệnh ung thư.
Toàn bộ chi phí của lần khám chữa bệnh BHYT có sử dụng thuốc điều trị Hemophilia hoặc máu hoặc chế phẩm của máu, đối với người bệnh được chẩn đoán bệnh Hemophilia, chi phí lần khám chữa bệnh BHYT có sử dụng thuốc chống thải ghép đối với người bệnh ghép tạng, chi phí lần khám có sử dụng thuốc điều trị viêm gan C của người bệnh viêm gan C, sử dụng thuốc kháng HIV hoặc dịch vụ xét nghiệm tải lượng HIV của người bệnh HIV.
Công khai giá thu dịch vụ khám chữa bệnh BHYT đối với người bệnh, người đại diện hợp pháp của người bệnh
Đây là nội dung được nêu tại quy định về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh công lập, trong đó cơ sở khám chữa bệnh phải thông tin kịp thời và công khai với người bệnh, người đại diện của người bệnh giá khám chữa bệnh đối với người bệnh có thẻ BHYT, giá dịch vụ không theo yêu cầu đối với người bệnh không có thẻ BHYT; giá dịch vụ theo yêu cầu của người bệnh; giá các loại dịch vụ khác tại đơn vị.
Ngoài ra, cơ sở y tế phải công khai các chế độ miễn, giảm giá dịch vụ và thực hiện chính sách BHYT, thanh toán giá và chi phí khám chữa bệnh BHYT theo quy định của pháp luật, thông qua niêm yết công khai, chạy thông tin trên băng thông tin điện tử, có văn bản, bản vẽ, sơ đồ chỉ dẫn giá các loại dịch vụ tại địa điểm thuận lợi có nhiều người bệnh qua lại, hoặc thông báo trực tiếp với người bệnh, người đại diện.
Phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV được hưởng chế độ BHYT
Đây là nội dung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), có hiệu lực từ ngày 1-7.
Theo luật này, phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV theo chỉ định chuyên môn được quỹ BHYT, ngân sách nhà nước chi trả chi phí xét nghiệm.
Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết từ trước 1-7 quỹ BHYT đã thanh toán chi phí xét nghiệm HIV đối với phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sinh con theo yêu cầu chuyên môn, theo quy định ngày 26-10-2018 của Bộ Y tế. Quy định này đã được luật hóa tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người.
TTO - Ông Nguyễn Thế Mạnh, tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vừa cho biết như vậy xung quanh việc đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà ngành bảo hiểm và ngành công an đang triển khai.