Quá trình dần thích nghi của bà con, những cán bộ cảnh sát giao thông trên địa bản tỉnh biết rõ hơn ai hết. Có chứng kiến cảnh các anh làm việc, nghe các anh kể chuyện bà con đi lại, mới thấy trên những cung đường ngoằn ngoèo và dốc trải dài, câu chuyện giao thông cũng khác ở dưới xuôi…
Những người gắn với nắng cháy mưa tuôn
Lần đầu chứng kiến một cơn mưa giông ở Điện Biên mà tôi thấy… hốt hoảng. Trời đang nắng chang chang, không khí đặc lại, ngột ngạt và không có lấy một ngọn gió. Vậy mà chỉ trong phút chốc trời đã tối sầm lại, gió ào ào cuốn mọi thứ dưới mặt đất hất tung lên, rồi mưa sầm sập.
Khi nước mưa ngập các ngả đường, một tổ cảnh sát giao thông đi làm nhiệm vụ mới về tới trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Điện Biên. Quần áo ai cũng ướt sũng, nước mưa chảy ròng ròng từ mũ xuống mặt.
Lấy tay vuốt nước mưa, Đại úy Trần Duy Anh, Phó đội trưởng Đội Tuyên truyền bảo với tôi rằng, sự "tráo trở" của thời tiết vùng biên các anh đã quen lắm, cứ xác định nắng thì khô roong mà mưa thì ướt nhẹp. Bởi đặc thù địa bàn miền núi xa xôi, lực lượng mỏng nên các anh thường phải di chuyển quãng đường xa.
Trên những cung đường bốn bề là cây và núi, gặp mưa cũng không có chỗ tránh trú. Có những khi vừa kết thúc ca tuần tra kiểm soát buổi tối, đội nhận được thông tin có vụ tai nạn giao thông cách đó hàng trăm kilomet, thế là lại lên đường, giải quyết xong thì trời cũng sáng, lại tiếp tục một ngày làm việc mới.
Cảnh sát giao thông tỉnh Điện Biên cùng người dân dọn dẹp cây đổ và bùn đất để mở đường sau đợt mưa lũ. |
Trong cơn mưa chiều, tôi nghe anh em Phòng Cảnh sát giao thông kể chuyện xử lý vi phạm, những câu chuyện thật như bịa nối tiếp nhau không dứt. Vừa mới đây thôi, giữa trưa nắng, tổ tuần tra kiểm soát phát hiện ba người đàn ông chở nhau trên chiếc xe máy Wave.
Yêu cầu họ dừng xe, anh cảnh sát giao thông mềm mỏng: "Cái xe máy này chỉ chở được hai người thôi. Bắt nó chở ba người với một bao ngô thế này thì nó yếu sức sẽ quay lại phản mình, nó ngã đổ ra thì mình cũng bị thương đấy".
Mặt đỏ tía tai, một trong ba người đàn ông nôn nóng trình bày: "Cán bộ không biết là ba chúng tôi phải bán đi mấy con lợn, cùng góp tiền mua xe này. Xe là xe của ba người, nên đi đâu cũng phải đi cả ba, làm sao mà tách ra được". Đồng bào lí sự thế, cán bộ lại phải giải thích một hồi.
Rồi một chị phụ nữ Mông vừa địu con vừa phóng xe máy đi chợ cách nhà cả chục cây số. Chị ta đi chậm lắm, chả nhìn đường mà vừa chạy xe vừa… soi gương. Chị tưởng hai chiếc gương xe máy là để soi mặt người ngồi lái nên cứ vừa đi vừa tự ngắm mình, chả cần quan sát phía trước, phía sau có an toàn hay không. Cán bộ cảnh sát giao thông vừa chỉnh gương xe, vừa giải thích, hướng dẫn chị người Mông quan sát phía sau khi đi đường.
Thường mỗi trường hợp vi phạm, thời gian xử lý kéo dài vô biên, có khi xuê xoa không đặt nặng vấn đề xử phạt hành chính, mà tập trung vào khâu hỏi han, giải thích, nhắc nhở. Gặp được bà con đâu có dễ, nên thông qua công tác tuần tra, kiểm soát là phải tranh thủ tuyên truyền cho bà con thật hiểu thì thôi.
Ngoài nhiệm vụ tuần tra kiểm soát, cảnh sát giao thông còn phải kiêm thêm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ngay trong chiều mưa giông, Đội tuần tra kiểm soát số 1, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Điện Biên đang làm nhiệm vụ trên quốc lộ 12 tại Km143 + 500 thuộc tổ 11 thị trấn Mường Chà, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã phối hợp với tổ công tác của Công an Điện Biên và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên bắt giữ các đối tượng từ Trung Quốc nhập cảnh trái sang Việt Nam.
Thiếu tá Nguyễn Trường Sơn - người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nói với tôi rằng ở tuyến biên giới, việc tuần tra, kiểm soát, đấu tranh phòng chống tội phạm luôn căng thẳng. Đặc biệt là khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì anh và đồng đội không lúc nào được phép lơ là.
Cảnh sát giao thông tỉnh Điện Biên vừa xử lý vi phạm giao thông vừa tuyên truyền luật pháp cho đồng bào dân tộc. |
Tuyên truyền "trúng đích"
Trong suốt quãng thời gian công tác và gắn bó với vùng đất Điện Biên, Thượng tá Trần Văn Vang - Phó trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Điện Biên không thể nhớ hết những chuyến tuyên truyền lưu động về Luật An toàn giao thông tại các thôn, bản.
Anh bảo, Điện Biên là địa bàn miền núi giáp biên, toàn tỉnh có 19 dân tộc anh em, địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và chia cắt mạnh, chỉ riêng việc tuyên truyền cho bà con dân tộc đã là cả một vấn đề. Những chiếc đĩa phát thanh được in công phu bằng cả tiếng phổ thông, tiếng Mông và tiếng Thái phổ biến các lỗi khi tham gia giao thông và mức phạt được đưa xuống công an các huyện, về tận thôn bản để phát qua loa hàng ngày.
Như thế vẫn là chưa đủ, những cuộc gặp mặt trực tiếp, những câu chuyện thiết thực, gần gũi, gắn với tình huống hàng ngày mới là hình thức tuyên truyền pháp luật hiệu quả nhất. Đã nhiều lần, tổ tuyên truyền lưu động phải mất cả ngày di chuyển hàng trăm cây số mới vào đến bản.
Thượng tá Vang bảo, mỗi lần vào bản anh lại nhớ tới đoàn chiếu bóng ngày xưa đi về các địa phương để chiếu phim cho bà con xem. Đường vào bản vất vả trăm bề, ngày nắng thì mắt, mũi, miệng đầy bụi đất, mà ngày mưa thì chỉ còn cách lội bộ. Nếu đạp xe đạp vào bản, thì chỉ ước xe không có gác đờ bu chắn bùn, vì bùn đất sẽ bám đầy và kẹt chặt bánh xe không đạp nổi.
Vào đến tận bản rồi, nhưng có khi chỉ gặp người già, phụ nữ, trẻ em - những người ít hoặc chưa bao giờ biết điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Trong khi đó, người cần gặp là đàn ông con trai lại đi nương đi rẫy cả. Không bỏ cuộc, tổ tuyên truyền cất công lên tận nương rẫy để việc tuyên truyền "trúng đích".
Những tình huống vi phạm giao thông hàng ngày ở vùng cao xảy ra muôn hình vạn trạng. Ở nơi mà nhận thức của bà con còn hạn chế thì công tác tuyên truyền phải luôn nhiệt huyết và sáng tạo. Cách này bà con chưa hiểu, thì phải tìm cách khác để bà con hứng thú, nhớ rõ và nhớ lâu các quy định luật. Mục đích cuối cùng để mỗi cuộc đi của bà con thật an toàn.
Trong một lần vào bản tuyên truyền, Thượng tá Vang đang phổ biến cho bà con khi đi đến đoạn đường cua cong phải giảm tốc độ, đi sát phần đường của mình theo lề bên phải, ban ngày thì bấm còi, ban đêm thì nhấp nháy đèn vàng để xe đối diện biết để có ý thức phòng tránh.
Một cậu thanh niên bản giơ tay thắc mắc: "Cứ đến đoạn cua là cháu dừng lại nhìn thật kĩ, thấy bên kia không có ai là cháu phóng thoải mái, sao phải đi chậm làm gì".
"Không được cháu ơi, dù không có xe ngược chiều cháu cũng phải đi chậm. Bởi khi vào cua nếu cháu đi nhanh thì lực quán tính li tâm sẽ khiến xe không giữ được thăng bằng sẽ văng ra, cháu sẽ bị tai nạn, ngã xuống vực núi đấy", Thượng tá Vang nhấn mạnh. Lúc ấy, cậu thanh niên mới hiểu rõ ngọn ngành.
Vào bản, nhiều khi thấy bà con mua được xe máy, nhưng lại chưa đi đăng ký, chưa lắp biển số mà cứ phóng vèo vèo đi chở lúa, chở ngô. Hỏi ra thì bà con bảo mua xe về chỉ đi trong bản và lên nương rẫy, không đưa xe ra quốc lộ, cần gì phải có giấy tờ xe. Vì thế nên việc nắm bắt, quản lý phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Chỉ còn cách vận động từng trường hợp bà con đi làm đầy đủ các thủ tục đăng kí xe theo quy định của pháp luật, có như thế cái xe mới có giá trị.
Một anh người Mông lần đầu tiên từ bản xa xôi đi xe máy về thành phố Điện Biên Phủ. Cũng là lần đầu anh nhìn thấy cột đèn giao thông, chẳng biết đi thế nào, đành dừng lại quan sát. Đèn xanh bật lên, hàng loạt phương tiện đi qua ngã tư, anh chầm chậm phóng xe theo. Đèn đỏ bật lên, anh vẫn thấy nhiều xe đi, anh lại đi theo.
Đến giữa ngã tư thì anh luống cuống thực sự khi không biết đi hay dừng, cả người cả xe ngã vật ra. Anh phải vào bệnh viện, mang theo câu hỏi hết sức hoang mang rằng rút cục thì đèn nào được đi, đèn nào dừng lại.
Kể xong câu chuyện này, Thượng tá Vang giọng trầm ngâm: "Lỗi đâu phải tại anh người Mông kia, mà ở người thành phố đấy. Những người hiểu luật mà vẫn cố tình vượt đèn đỏ, vậy thì làm sao làm gương cho bà con ở bản được đây?".
Tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số vi phạm luật giao thông không chỉ ở sự nhận thức còn hạn chế mà còn do ảnh hưởng bởi phong tục tập quán của mỗi dân tộc. Trong ngày hội, ngày lễ, mỗi khi cưới hỏi, ma chay, bà con thường uống rượu, mời rượu, dẫn đến vi phạm lỗi sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Với người phụ nữ nhiều dân tộc, chiếc mũ đội đầu là vật bất li thân, hay việc búi tóc cao cũng đã thành một nét văn hoá lâu đời, gắn với phong tục, tập quán, quan niệm xã hội. Khi đã là nét văn hoá thì không thể bắt bà con bỏ được. Nhưng việc đội mũ bảo hiểm để bảo vệ tính mạng cũng phải thực hiện nghiêm.
Cảnh sát giao thông là người phải dung hoà hai yếu tố đó, phải khuyên bà con tạm thời bỏ mũ cài trên xe, hoặc búi tóc thấp xuống để đội mũ bảo hiểm ôm trọn vào đầu, đảm bảo an toàn.
Từng chút một, những kiến thức giao thông dần ngấm vào đầu bà con. Sự nỗ lực của lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh Điện Biên đã tạo được chuyển biến tích cực về trật tự an toàn giao thông ở địa bàn vùng núi.
Huyền ChâmXem thêm: /173546-oac-gnuv-o-id-us-ev-neyuhC/yat-oS/nv.moc.dnac.tcgtna