Thản nhiên lên sóng
Mạng xã hội những ngày qua dậy sóng bởi những vụ livestream gây sốc dư luận. Bất cứ vấn đề gì cũng có thể lên sóng, từ bán hàng, chửi bới, bóc phốt, xúc phạm đời tư... Cơn sóng livestream tràn qua cả giới nghệ sĩ và những câu chuyện dậy sóng cộng đồng mạng thời gian qua đã khiến dư luận hoang mang.
Nào là chuyện nghệ sĩ chậm giải ngân tiền từ thiện, đến nghệ sĩ quảng cáo hàng kém chất lượng, chưa được kiểm định. Đời sống riêng dĩ nhiên cũng nằm trong tầm ngắm của những màn livestream bóc phốt. Một nam ca sĩ bị một nam ca sĩ khác tố "lừa tình, lừa tiền, phá hoại hạnh phúc người khác", một người mẫu nội y nổi tiếng cũng bị bóc phốt "sống ảo", "nổ"... Nhiều người còn cố tình nói tục chửi bậy khi bán hàng để thu hút lượng người theo dõi đông.
Màn livestream của bà Phương Hằng nhận nhiều ý kiến trái chiều. |
Đỉnh cao của việc livestream với lượng người theo dõi kỷ lục thời gian vừa qua là sự việc của người phụ nữ có tên Phương Hằng với những câu chuyện bóc phốt về đời tư nghệ sĩ và góc khuất đằng sau ánh hào quang. Chưa bao giờ mạng xã hội lại được phen rầm rĩ đến thế, không phải để lan tỏa điều gì tốt đẹp mà vì sự tò mò, hiếu kỳ của đám đông. Hơn 200 ngàn người theo dõi và chia sẻ là một con số kỷ lục của hiện tượng này.
Trước đó, chuỗi livestream của ca sĩ Nathan Lee, cặp đôi Đạt G và Du Uyên, ca sĩ Hải Tú cũng thu hút lượng người theo dõi đông đảo. Không phải vô lý khi diễn đàn “nạn nhân của ném đá trên mạng” mới chỉ thành lập khoảng vài tuần đã có tới gần 11 ngàn thành viên. Con số này có vẻ mới chỉ là bề nổi của tảng băng. Đó là thực trạng đáng buồn.
Chỉ cần seach Google tìm “thánh chửi”, “livestream bóc phốt” là ra ngay hàng triệu kết quả khác nhau. Điều đáng nói là những livestream này được đông đảo cộng đồng mạng hưởng ứng. Xu hướng càng chửi bậy, càng đào xới chuyện đời tư lại càng được lượng người theo dõi đông. Câu chuyện “Nhà tôi có 3 đời thần y”... đã trở thành một hiện tượng nổi tiếng trong cộng đồng mạng thời gian qua. Ngoài ra, việc đi vào đời tư cũng không kém phần “hot”. Còn nhớ, đám tang nghệ sĩ Chí Tài và nghệ sĩ Anh Vũ đã bị đám “kền kền livestream” đua nhau ở mọi góc độ, giật tít giật gân câu khách để thu hút người xem. Điều đó thể hiện sự thiếu văn hóa của một số cá nhân.
Ứng xử thế nào với rác trên mạng xã hội
Có lẽ đây là một vấn đề cần bàn nhiều trong xã hội ta hiện nay. Thử hỏi, nếu đám người livestream chửi bới, “bóc phốt”, xúc phạm đời tư không nhận được sự hưởng ứng thái quá của cộng đồng mạng thì họ có mặn mà và tiếp tục hay không? Điều đáng tiếc là, cái gì càng giật gân, câu khách, càng là bí mật đời tư lại càng được đám đông tò mò, hiếu kỳ.
Vì thế, ngay trong khi dân mạng đang hóng màn “tiết lộ bí mật động trời” tiếp theo trong chuỗi livestream của bà Hằng thì ngày 28-5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội, cụ thể là hiện tượng một số người lợi dụng các tính năng của mạng xã hội như phát trực tuyến (livestream), chia sẻ hình ảnh, video clip, trao đổi theo nhóm... để đăng tải nội dung vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân khác, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục, tung tin giả, sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận.
Tiếp đó, ngày 17-6, Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Việc ra đời của bộ quy tắc này cùng một số nghị định trước đó (và cả đang xây dựng) về quản lý không gian mạng được dư luận khá quan tâm, bởi sự kỳ vọng những quy định cụ thể này có thể góp phần xây dựng một bầu không khí sạch hơn trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, quy tắc quan trọng nhất có lẽ nằm trong chính văn hóa sử dụng mạng xã hội của mỗi cá nhân. Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ cũng bày tỏ những lo ngại về sự quá đà của mạng xã hội và rác thông tin đang tràn ngập đầu độc các thế hệ trẻ.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ. |
Ông nói: “Mạng xã hội là một cái chợ, người nói ẩn hình. Không đối diện một cách trực tiếp nên người ta cảm giác được tự do nói càng cao. Người ta có thể đưa ra những thông tin, ý nghĩ, nhiều khi là sự chửi rủa, phê phán, kể cả mang tính tục tĩu... Điều này lâu dài sẽ tạo ra sự tiêu cực về văn hóa lan rộng. Sự tác động tiêu cực không những đối với trẻ em mà cả người lớn, những người nhạy cảm. Người ta sẽ bị khủng hoảng tinh thần một cách nặng nề. Ai có chính kiến, chịu đựng được còn có thể vững vàng, còn hầu hết tất thảy sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực trên mạng. Phải nói rằng, lớp trẻ nhỏ bị ảnh hưởng ngày càng mạnh của mạng xã hội.
Cội rễ của mọi hành xử là văn hóa và giáo dục. Chúng ta cần giáo dục cho các thế hệ những hành vi ứng xử văn minh như tôn trọng đời sống cá nhân. Mỗi người nên tự rèn luyện và trang bị cho mình những kiến thức xã hội sâu rộng. Điều này có thể thông qua việc đọc một số lượng đầu sách lớn có tính tích cực và đa dạng để chống lại các thông tin tiêu cực, xác lập nhân cách của mình”.
Biên đạo múa Tuyết Minh. |
Thực tế, mạng xã hội mang lại nhiều lợi thế, nhất là với những người nổi tiếng. Biên đạo múa Tuyết Minh cho rằng, chị chỉ sử dụng mạng xã hội để kết nối, chia sẻ với bạn bè công việc, không bàn luận, không sẻ chia những câu chuyện đời tư lên mạng vì đó là con dao hai lưỡi. Chị cho rằng, người của công chúng cần có trách nhiệm hơn trong những phát ngôn của mình, đặc biệt không ai có quyền xúc phạm hay quan tâm quá đà đến đời tư của người khác. “Hiện nay nhiều người dùng mạng xã hội để chia sẻ những bức xúc, hằn học của cá nhân. Điều đó dễ gây ồn ào phù phiếm. Theo tôi, mạng xã hội chỉ nên là nơi sẻ chia những điều tích cực về công việc, nghệ thuật”, chị nói.
Ca sĩ Thái Thùy Linh. |
Đồng quan điểm với nghệ sĩ Tuyết Minh, ca sĩ Thái Thùy Linh, người sử dụng mạng xã hội như là một công cụ hữu hiệu cho các hoạt động xã hội và từ thiện chia sẻ, những nội dung độc hại trên YouTube, livestream đang đầu độc tâm hồn trẻ em Việt Nam. Theo chị, cần sớm loại bỏ ngay những vụ “bóc phốt”, đấu tố nhau, những clip chửi thề, đánh nhau, bởi đó là những hành vi “gây rối trật tự trên mạng xã hội”.
Không mượn cớ để xúc phạm đời tư
Các hiện tượng quá đà trong thời gian qua không chỉ là câu chuyện “bóc phốt” mà còn xúc phạm đời tư. Theo luật sư Trần Tuấn Anh, Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định rất rõ "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm". Ngoài ra, Điều 21 Hiến pháp 2013 cũng quy định "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn".
Một người mẫu Việt livestream chửi tục bị lên án trên VTV |
Cũng liên quan đến câu chuyện này, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đưa ra cảnh báo, nếu ai đó thực hiện quyền tự do ngôn luận một cách quá đà, quá giới hạn, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc quyền lợi của Nhà nước thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: Tội vu khống; làm nhục người khác; chuyển hoặc đưa trái phép thông tin lên mạng máy tính, mạng viễn thông; tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân... Ông cho rằng, những tình trạng quá đà trên mạng xã hội đã góp phần gây ra những hệ lụy tiêu cực trong đời sống. Đặc biệt là hiện tượng thách đố nhau tìm ra thông tin, tìm cách xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, để đánh cắp dữ liệu, xúc phạm danh dự dần trở nên phổ biến. Những điều này làm ảnh
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, mạng xã hội là một xu thế tất yếu, nếu biết sử dụng tích cực sẽ rất hiệu quả. Ông cũng nhấn mạnh về tinh thần độc lập, sự suy nghĩ đa chiều của người sử dụng mạng xã hội rất quan trọng, bởi điều đó sẽ giúp họ không bị lôi kéo vào những cuộc quá đà như các hiện tượng livestream trong thời gian qua. Tuy nhiên, để có được tinh thần độc lập và tư duy đa chiều đó, chúng ta cần sự nỗ lực học hỏi và tiệm cận các giá trị văn hóa từ chính mỗi cá nhân sử dụng mạng xã hội.
Bảo BìnhXem thêm: /237746-car-maertsevil-oahn-taB/oahT-ehT-aoh-naV-et-hniK/nv.moc.dnac.gtna