- 710.773 người đã được tiêm vaccine COVID-19
- Tiêm vaccine cho gần 11.000 người tại Công viên phần mềm Quang Trung
- TP Hồ Chí Minh tăng cường 290 đội tham gia tiêm vaccine chống COVID-19
Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ về việc mua 150 triệu liều vaccine để triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử cho khoảng 70 triệu người dân, để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Điều người dân quan tâm nhất lúc này chính là tiến độ và an toàn tiêm chủng ra sao, vaccine có hiệu quả phòng bệnh như thế nào?
Có thể tiêm 2 loại vaccine khác nhau
Tính đến ngày 25/6, Việt Nam đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho gần 3 triệu người, trong đó có hơn 143 nghìn người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Chị Phạm Quỳnh Hoa, ở Hà Nội băn khoăn: Tôi tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca vào cuối tháng 5 vừa qua và được hẹn đến cuối tháng 8 mới tiêm mũi 2. Trong trường hợp đến thời gian tiêm mũi 2, vaccine chúng ta nhập về không có AstraZeneca, mà chỉ có loại khác, tôi tiêm vaccine khác có được không? Đây không chỉ là băn khoăn của chị Hoa mà cũng là tâm trạng của nhiều người khi có chung câu hỏi.
Khám sàng lọc, khai thác kỹ tiền sử trước khi tiêm phòng vaccine COVID-19 tại Bệnh viện Y học cổ truyền Bộ Công an. |
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết: Về nguyên tắc, tiêm mũi 1 vaccine nào thì khi tiêm mũi 2 là vaccine đó. Trong trường hợp tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca, vẫn tiêm được mũi 2 vaccine khác nhưng tiêm lại từ đầu (tiêm đủ liều 2 mũi) thì tốt hơn là tiêm 1 mũi.
Về lo lắng của người dân liệu có xảy ra phản vệ khi tiêm 2 loại vaccine khác nhau hay không, theo chuyên gia, điều này không quá lo lắng, các trường hợp phản ứng thông thường sau tiêm cũng vẫn giống như tiêm cùng một loại vaccine.
Trên thế giới, có nhiều người tiêm 2 mũi 2 loại vaccine khác nhau. Mới đây nhất, theo các phương tiện thông tin đại chúng, là trường hợp Thủ tướng Đức Angela Merkel tiêm vaccine Moderma sau khi đã tiêm mũi 1 vaccine AstraZeneca. Theo một nghiên cứu nhỏ của Anh về kết hợp vaccine cho thấy, những người được tiêm Pfizer sau mũi tiêm AstraZenenca, hoặc ngược lại, có nhiều khả năng xuất hiện triệu chứng sau tiêm nhẹ hơn hoặc trung bình hơn so với khi được tiêm 2 mũi cùng loại. Đức cùng một số quốc gia đã chọn sử dụng vaccine Pfizer hoặc Moderma cho liều thứ hai sau khi tiêm AstraZeneca.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia thì cho biết, hiện nay, nhà sản xuất vaccine AstraZeneca vẫn đang khuyến cáo sử dụng liều 2 cùng loại với vaccine đã tiêm ở liều 1. Tuy nhiên, hãng này cũng cho biết việc tiêm vaccine chứa thành phần mNRA cũng có cơ chế sinh miễn dịch tương tự nên việc tiêm 2 loại vaccine cho một người là có thể. Vấn đề này cũng đang được các tổ chức nghiên cứu. Trong thời gian tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cập nhật khi có thông tin mới theo hướng dẫn của nhà sản xuất và Tổ chức Y tế thế giới.
Hiện nay, Việt Nam đã tiêm hơn 2,9 triệu liều vaccine AstraZeneca do Hàn Quốc và Ý sản xuất. PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho rằng, trong nước cũng như trên thế giới đều khuyến cáo tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca. Mũi đầu tiêm vaccine của AstraZeneca thì mũi 2 có thể tiêm vaccine của hãng khác như Pfier. Đã có nghiên cứu tiêm nhắc lại bằng loại vaccine khác, việc đó cũng cho thấy tăng hiệu lực bảo vệ của vaccine.
Người tiền sử ung thư, bệnh nền có tiêm được vaccine?
Hiện nay, có hàng chục nghìn người bị ung thư đã điều trị được nhiều năm, có người ổn định, có người chỉ còn tái khám định kỳ, họ rất muốn biết mình có nằm trong nhóm người đủ điều kiện được tiêm vaccine phòng COVID-19 hay không? Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc trì hoãn tiêm phòng vaccine COVID-19 là những người ung thư giai đoạn cuối. Với người có tiền sử ung thư, đã điều trị ổn định, theo các chuyên gia, có thể được tiêm vaccine vì không thuộc trong nhóm chống chỉ định. Việc tiêm an toàn hay không cũng giống như những người bình thường và cần phải theo dõi sau tiêm tại địa điểm tiêm chủng tối thiểu 30 phút. Tuy nhiên, các trường hợp này, theo hướng dẫn mới cũng như khuyến cáo của chuyên gia, cần phải thăm khám sàng lọc kỹ và tiêm ở bệnh viện, cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Trong đợt dịch thứ 4, có nhiều bệnh nhân bị ung thư đã mắc COVID-19, do hệ miễn dịch suy giảm, trong quá trình điều trị bệnh diễn biến tăng nặng nhanh. Nhiều bệnh nhân phải thở máy, lọc máu liên tục, song đã tử vong. Trước biến chủng Delta có tốc độ lây nhiễm mạnh, nhiều người bệnh ung thư khá lo lắng. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, người bệnh ung thư giai đoạn cuối, người điều trị hóa chất, xạ trị trong vòng 14 ngày thuộc nhóm trì hoãn tiêm vaccine.
Chuyên gia cũng cho biết, người có bệnh cao huyết áp nếu điều trị ổn định; người điều trị viêm gan B đều được tiêm vaccine phòng COVID-19 vì không thuộc nhóm nguy cơ dị ứng, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch liều cao... Người mắc bệnh lý nền hoàn toàn tiêm được vaccine phòng COVID-19 với điều kiện phải điều trị ổn định và được bác sĩ thăm khám sàng lọc kỹ để quyết định có tiêm hay không.
Người có tiền sử dị ứng phải thận trọng
Trong hơn 2,9 triệu người đã tiêm vaccine ở Việt Nam, đến nay chỉ ghi nhận 1 ca tử vong do sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng. Tuy nhiên, có rất nhiều người bị dị ứng hải sản, dị ứng thuốc, nổi mề đay, viêm mũi dị ứng... lo lắng họ có bị phản vệ khi tiêm vaccine phòng COVID-19 hay không?
Đảm bảo quy định phòng dịch cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: Phong Sơn. |
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế, người có cơ địa dị ứng phải khám sàng lọc kỹ và phải được tiêm vaccine ở bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu. Với người có tiền sử dị ứng với thuốc kháng sinh, theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, người dị ứng với nhiều loại thuốc có nguy cơ phản vệ cao nên việc tiêm tại các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu tốt như các bệnh viện là phù hợp nhất. Tại Thông tư 51 của Bộ Y tế về cấp cứu phản vệ không quy định thử phản ứng cho tất cả các loại thuốc trước khi sử dụng, đặc biệt vaccine COVID-19 lần đầu đưa vào sử dụng càng không có chỉ định thử phản ứng.
Còn với người có cơ địa bị dị ứng với thuốc paracetamol, theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, nên cân nhắc trì hoãn tiêm vaccine. Đối với người bị dị ứng với hải sản, có thể tiêm được vaccine phòng COVID-19 vì dị ứng với hải sản không đồng nghĩa dị ứng với vaccine COVID-19. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ, trường hợp này cần tiêm ở những cơ sở y tế có khả năng cấp cứu, nếu không may xảy ra trường hợp phản vệ thì cấp cứu kịp thời. BS Cơ cũng cho hay, theo nghiên cứu của Mỹ, tần suất phản vệ là 5/1 triệu mũi tiêm vaccine và 80% những người bị phản vệ có tiền sử bị dị ứng.
PGS.TS Dương Thị Hồng cho biết, những người dị ứng với nhiều loại thuốc như Amoxilin, Biseptol, Cibro... theo hướng dẫn của Bộ Y tế thuộc diện tạm hoãn tiêm chủng vaccine COVID-19. Nếu tiêm cần được khám sàng lọc và tiêm chủng tại các cơ sở y tế chuyên khoa có đủ điều kiện xử trí phản ứng sau tiêm nếu có. “Bất cứ loại vaccine nào cũng có thể có những phản ứng bất lợi sau tiêm, những phản ứng này tùy thuộc vào yếu tố cơ địa của mỗi cá thể”, bà Hồng nói.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong những trường hợp phản vệ độ 2 trở lên vì bất kỳ tác nhân nào cũng không được tiêm vaccine COVID-19 hiện có.
Những lưu ý khi tiêm vaccine
Có một số lo lắng cho rằng tiêm 1 mũi cách xa mũi 2 có mất tác dụng không? Theo chuyên gia, hầu hết các vaccine phòng COVID-19 đều có chỉ định tiêm 2 mũi, thời gian giữa 2 liều sẽ khác nhau theo vaccine của nhà sản xuất khác nhau. Với vaccine AstraZeneca đang tiêm tại Việt Nam, mũi 2 tiêm cách mũi 1 từ 4 đến 12 tuần. Không tiêm vaccine mũi 2 sớm hơn thời gian khuyến nghị. Vaccine sẽ có hiệu lực tốt nhất khi được tiêm đủ liều, đúng lịch.
Lấy mẫu xét nghiệm lưu động. Ảnh: Phong Sơn. |
Vaccine có hiệu lực sau tiêm mũi 2 là 14 ngày. Trong trường hợp tiêm chủng không đủ liều, không đúng lịch, người được tiêm vẫn có nguy cơ mắc COVID-19 nếu tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Khi tiêm chủng, cán bộ y tế sẽ đặt lịch hẹn tiêm mũi 2 đúng với hướng dẫn của nhà sản xuất. Hiện nay hầu hết các vaccine phòng COVID-19 đều chỉ định tiêm 2 mũi, hiện có vaccine của hãng Jonhson&Jonhson có chỉ định tiêm 1 mũi.
Vì sao có người lại có phản ứng nặng, có người lại nhẹ hoặc không có phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19? Theo Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sau tiêm vaccine COVID-19, tùy loại vaccine sẽ có một tỷ lệ nhất định những người tiêm có biểu hiện phản ứng sau tiêm. Có nghĩa, có một tỷ lệ nhất định các trường hợp không có biểu hiện phản ứng sau tiêm, tuy nhiên không có triệu chứng phản ứng không đồng nghĩa với không có đáp ứng miễn dịch. Vì vậy, người dân không nên lo lắng.
Cũng như các vaccine khác, vaccine COVID-19 không có hiệu lực bảo vệ 100%, tùy vào loại vaccine, tỷ lệ bảo vệ từ 50-90%. Để đánh giá vaccine đã có đáp ứng miễn dịch sau tiêm hay không phải xét nghiệm. Nhưng đến nay, xét nghiệm này chỉ phục vụ công tác nghiên cứu, không yêu cầu người dân sau khi đi tiêm chủng cần thực hiện xét nghiệm.
Nhiều người lo lắng gặp phải phản ứng nặng sau tiêm đã chọn ăn, uống một số thực phẩm trước tiêm. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, chỉ cần ăn uống đầy đủ, không đi tiêm khi đang đói. Sau tiêm cũng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bù nước nếu bị sốt.
Người dân cần chủ động theo dõi chặt chẽ sức khỏe 2 ngày sau tiêm và 10 ngày tiếp theo. Những tác dụng phụ thông thường hay gặp sau tiêm vaccine là sưng tại chỗ, nóng, đỏ, đau tại vết tiêm; có biểu hiện toàn thân như nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức toàn thân. Trong trường hợp sốt thì uống thuốc giảm đau, hạ sốt, paracetamol. Thông thường những phản ứng nhẹ này sẽ tự khỏi.
PGS.TS Dương Thị Hồng khuyến cáo, người dân cần theo dõi sức khỏe của mình, khi thấy những biểu hiện nặng, bất thường như: Mề đay, ngứa, khó thở, buồn nôn, nôn, tím tái, co giật, sốt trên 39 độ dai dẳng hoặc đau đầu dữ dội uống thuốc không hạ, mệt lả, đau quặn bụng, huyết áp tăng hoặc hạ... thì phải tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn và xử trí, không tự ý uống bất kỳ loại thuốc nào. Hiện nay nhiều cơ sở đã có ghi số điện thoại liên hệ khẩn cấp ở phiếu xác nhận tiêm chủng, người tiêm chủng cần lưu ý để liên hệ khi cần thiết.
Vaccine phòng COVID-19 hiện nay đều là vaccine mới, hiệu quả phòng bệnh của vaccine theo các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng của nhà sản xuất, hiệu quả và thời gian bảo vệ của vaccine vẫn đang được tiếp tục theo dõi và đánh giá. Vì vậy, người tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có thể mắc COVID-19 nhưng với vaccine AstraZeneca, khi mắc bệnh sẽ giảm nhẹ, hiệu quả phòng biến chứng và tử vong là rất cao.
Minh Thư