- Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Người mê phim cổ trang
- Đạo diễn sân khấu: Tín hiệu "chuyển giao thế hệ"
- Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai: "Đã mang lấy nghiệp vào thân..."
- Thưa NSƯT Tạ Tuấn Minh, được biết anh là người đến với sân khấu thật tình cờ. Có khi nào trong những lúc khó khăn, anh cảm thấy hối hận hay muốn chọn lại nghề cho mình không?
+ Tôi chưa bao giờ ân hận về quyết định của mình. Tôi cảm thấy sân khấu đã cho tôi quá nhiều thứ, cho tôi được sống là chính mình, được làm công việc mình yêu thích. Tôi tự hào mình sống được bằng nghề, nghề nuôi được tôi và gia đình. Trước đây, thầy của tôi là Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng - giảng viên Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh đã nhiều lần nói với chúng tôi: "Hãy cứ yêu nghề, yêu sân khấu hết sức và trọn vẹn từ trái tim đi, nó chắc chắn sẽ trả lại, sẽ đền đáp!". Tôi vẫn luôn tin anh Lê Hùng nói đúng và với sân khấu tôi vẫn luôn hết mình như vậy!
Đạo diễn - NSƯT Tạ Tuấn Minh. |
- Trong cuộc đời làm diễn viên của mình, vai diễn nào khiến anh trăn trở, tốn nhiều công sức nhất?
+ Với tôi, mỗi vai diễn nhận được tôi đều trân trọng và nó đều cho tôi những trải nghiệm mới về những cuộc đời, thân phận khác nhau và đều khiến tôi trăn trở. Trong đó, vai Hamlet trong vở "Hamlet" mà NSND Anh Tú tin tưởng giao cho tôi đã khiến tôi phải trăn trở đêm hôm, đầu tư suy nghĩ, khổ luyện nhiều nhất để diễn ra được bi kịch nội tâm của nhân vật. Cũng là vì tôi tâm niệm đó là một vai diễn lớn, nên tôi không muốn để xảy ra sai sót. Cũng thật mừng vì vai diễn đó cũng trở thành dấu ấn nghề nghiệp trong đời mình và tôi cảm thấy luôn biết ơn NSND Anh Tú đã trao cho tôi cơ hội đó.
- Bạn bè, đồng nghiệp và nhiều người biết rằng, anh luôn dành cho NSND Anh Tú một tình cảm đặc biệt sâu sắc. Thực tế, cố NSND Anh Tú đã có những ảnh hưởng như thế nào đối với con đường nghệ thuật của anh?
+ Phải nói rằng, những ảnh hưởng của NSND Anh Tú đối với tôi là rất lớn. Từ khi NSND Anh Tú về làm Phó Giám đốc phụ trách nghệ thuật tại Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi đã may mắn tham gia hầu hết các vở do anh làm đạo diễn như "Kiều", "Hamlet", "Trong mưa giông thấy nắng", "Thế sự"... Những bài học thị phạm thực tế, sinh động mà tôi học được từ anh khi tôi làm diễn viên đã khiến tôi có thể làm tốt hơn công việc đạo diễn của mình sau này. Đối với tôi, anh không chỉ là đồng nghiệp, là lãnh đạo, là người thầy mà còn là tình anh em, là bạn của nhau, mặc dù thời gian tôi gắn bó với anh Anh Tú chưa lâu, chỉ khoảng 5 năm. Tôi luôn nghĩ rằng anh Anh Tú là người của những khát vọng nghệ thuật lớn lao, cháy bỏng và mang đậm màu sắc truyền thống của Việt Nam. Những điều này ở anh đã ảnh hưởng rất sâu sắc đến tôi và tôi luôn mang ơn anh về điều đó.
- Anh có ý định sẽ làm gì để tiếp tục với những giấc mơ, khát vọng lớn vẫn còn dang dở của NSND Anh Tú?
+ Tôi rất mong làm được như thế, hoặc một phần như thế. NSND Anh Tú ra đi đúng vào lúc sự nghiệp của anh vào độ chín và thăng hoa nhất nên để lại nhiều tiếc nuối. Đến giờ, tôi vẫn mong muốn làm được điều gì đó để tri ân anh - người thầy, người anh, người bạn lớn của mình. Tôi vừa bảo vệ thành công Luận án Thạc sĩ có tên là "Tính huyền thoại trong những vở diễn của NSND Anh Tú". Và với "tính huyền thoại này" sẽ là điều mà tôi theo đuổi trên con đường làm nghệ thuật của mình. Hồi NSND Anh Tú còn sống, chúng tôi rất hay chia sẻ với nhau về tương lai của sân khấu. Anh Anh Tú là người nghệ sĩ luôn luôn muốn chinh phục, tìm tòi, khám phá và khi làm những việc ấy thì anh không sợ thất bại.
- Vở "Người tốt nhà số 5" là một tác phẩm đầu tay của anh với vai trò đạo diễn đã nhận được nhiều lời khen ngợi và các giải thưởng. Anh có nghĩ mình là một người may mắn trong sự nghiệp?
+ Tôi vẫn luôn nghĩ rằng mình là một người khá may mắn từ khi đến với sân khấu đến nay. Lúc vào trường Sân khấu - Điện ảnh, được làm việc với NSND Xuân Huyền trong vở "Hoàng hôn mong manh"đã là một may mắn. Lúc ra trường lại được về Nhà hát Kịch Việt Nam, được làm việc với những đạo diễn, diễn viên tài năng đã cho tôi những bài học quý. Khi bắt tay vào dàn dựng "Người tốt nhà số 5", tôi cũng không ngờ được có ngày mình lại nhận được niềm vinh dự là vở diễn được trao Giải Vàng, còn tôi được trao giải "Đạo diễn xuất sắc nhất" cùng với Đạo diễn - NSƯT Trần Lực. Đây thực sự là một niềm vui lớn hơn cả mong đợi của tôi cùng ekip và là nguồn động viên, khích lệ chúng tôi rất nhiều.
NSƯT Tạ Tuấn Minh (bên phải) vào vai Hamlet trong vở kịch kinh điển "Hamlet" do cố NSND Anh Tú đạo diễn. |
- Thực tế, dựng một vở diễn của kịch tác gia Lưu Quang Vũ vẫn luôn là một thử thách với nhiều đạo diễn, nhất là đạo diễn mới như anh. Tại sao anh lại quyết định chọn kịch bản này?
+ Thật ra, việc tôi đến với "Người tốt nhà số 5" cũng lạ lắm. Lúc đầu, để lựa chọn vở diễn tốt nghiệp, tôi đã mất đến nửa năm để tự mình chuyển thể tác phẩm "Cánh đồng bất tận" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư để dàn dựng, nhưng chính NSND Anh Tú khi đó còn sống đã không đồng ý.
Tôi rất yêu quý, kính trọng tài năng của cố tác giả Lưu Quang Vũ, luôn cảm thấy có sự gần gũi, đồng cảm với đời sống vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, đồng cảm với nhân vật Hiệp trong "Người tốt nhà số 5". Chúng tôi cũng là một cặp vợ chồng nghệ sĩ vất vả để yêu nghệ thuật, cũng "Mắt em xanh thăm thẳm một chân trời" và chật vật với cơm áo gạo tiền, cũng nhà chật "Nhà chỉ có mấy mét vuông sách vở xếp cạnh nồi/ Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo/ Ô cửa nhỏ tranh treo cùng với áo...".
Những điều Lưu Quang Vũ viết trong các vở kịch rất gần gũi, toàn người lao động ở quanh ta nhưng tư tưởng của Lưu Quang Vũ vẫn luôn là vấn đề của thời đại: Người tốt cô đơn! Từ những năm 80 của thế kỷ trước, Lưu Quang Vũ đã trăn trở về lòng tốt của con người và vấn đề này chưa bao giờ cũ, đặc biệt cho đến bây giờ khi cuộc sống của chúng ta bước vào kỷ nguyên 4.0. Qua vở diễn, tôi muốn đặt ra một câu hỏi: "Lòng tốt liệu có còn tồn tại?" và để cho khán giả tự trả lời câu hỏi này.
Tôi sợ nhất là sự im lặng của những người tốt, bởi vì người tốt mà im lặng là đồng lõa với cái xấu. Vì thế, tôi đã "bắt" nhân vật Hiệp phải đấu tranh đến tận cùng với cái xấu, mặc dù phải trả giá!
- Kế hoạch tiếp theo của anh là gì? Anh sẽ có tiếp tục tìm hiểu các kịch bản khác của Lưu Quang Vũ không?
+ Tôi rất thích kịch của Chekhov vì kịch của ông luôn có "dòng chảy ngầm", rất khó hấp dẫn nhưng rất trí tuệ, đôi khi phá vỡ những nguyên tắc của kịch chính thống. Mà phải nói thật là ở Việt Nam vẫn chưa có nhà hát nào, đạo diễn nào dựng kịch của Chekhov trên sân khấu bởi vì nó khó làm, khó hấp dẫn. Nhưng có một điều là, với sân khấu thử nghiệm quốc tế người ta sẽ phải không đi theo lối cũ, mà đôi khi phải chặt đi, phá đi để mở ra một lối đi mới mà nhiều người đi thì sẽ trở thành con đường thôi.
Thực sự thì trong đầu tôi vẫn luôn ấp ủ thứ này, thứ kia. Tôi vẫn ao ước một ngày nào đó, tôi sẽ đưa được tác phẩm "Cánh đồng bất tận" lên sân khấu với thông điệp về bi kịch gia đình và sự tha thứ. Và tôi cũng đang mong muốn tìm hiểu về tác phẩm cuối đang viết dở của tác giả Lưu Quang Vũ là "Chim sâm cầm đã chết". Bỗng dưng thời gian gần đây, cái tên ấy gợi lên trong tôi rất nhiều suy nghĩ, hoài cảm...
- Nhiều ý kiến cho rằng, lực lượng đạo diễn sân khấu trẻ hiện nay quá mỏng, anh có thấy như thế không?
+ Tôi vừa bảo vệ luận văn Thạc sĩ của mình và trong đó tôi cũng đề cập đến vấn đề này. Chính bản thân tôi cũng cảm thấy lo ngại ở chỗ thế hệ các đạo diễn trước được đào tạo rất chính quy, bài bản ở nước ngoài còn lại có thể truyền lại nghề cho thế hệ sau như NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Phạm Thị Thành thì tuổi đã cao, sức khỏe bắt đầu yếu, NSND Xuân Huyền thì cũng vừa mất. Hiện có lẽ chỉ còn lại NSND Lê Hùng là còn sức khỏe để giảng dạy, trong khi đó, thế hệ đạo diễn kế cận thì lại quá mỏng, cần được tiếp tục bổ sung, củng cố và trao cho họ những cơ hội để được thể hiện mình!
- Xin cảm ơn đạo diễn - NSƯT Tạ Tuấn Minh!
Nguyệt Hà (thực hiện)