Giảm phát thải: cuộc mặc cả lợi ích
Ngọc Phan
(KTSG) - Bất chấp nhiều nỗ lực và các cuộc thảo luận quốc tế diễn ra trong nhiều năm cho đến nay, tương lai của vấn đề giảm phát thải nhà kính vẫn khá mờ mịt.
Trong khi đó, khối lượng phát thải đã không chờ đợi kết quả của các cuộc thương lượng quốc tế mà tiếp tục gia tăng. Cụ thể, sau khi đi ngang trong giai đoạn 2014-2016 vì tăng trưởng yếu của kinh tế thế giới, lượng phát thải đã tăng trở lại trong năm 2018 (tăng 2,7%) và 2019 (0,6%).
May mắn là “nhờ” đại dịch Covid-19 xảy ra năm 2020 làm giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng nên phát thải thế giới từ khu vực năng lượng đã giảm tới 5,8%, mức giảm mạnh nhất từ Thế chiến thứ hai. Mức giảm này tương đương với toàn bộ lượng phát thải của khu vực EU(1). Nhưng với sự phục hồi được kỳ vọng là mạnh mẽ của kinh tế thế giới kể từ năm nay, giảm phát thải tiếp tục là một thách thức toàn cầu trong những năm tới.
Sự vị kỷ đằng sau
Nếu phải tóm tắt trong mấy chữ về lý do cho tình trạng trì trệ này thì đó chính là thái độ vị kỷ, vị lợi. Cho đến nay, vẫn còn không ít cá nhân và tổ chức hoài nghi các dự báo về phát thải của các nhà khoa học. Trong số này có cả những người như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và, do đó, cả chính quyền của ông. Cuộc khảo sát của Đại học Yale năm 2019 cho thấy vẫn có đến 48% cử tri đăng ký của Mỹ không ủng hộ lời kêu gọi Tổng thống ra tuyên bố sự ấm lên của thế giới là một vấn đề khẩn cấp quốc gia nếu Quốc hội Mỹ không làm gì.
Nếu thế giới có thực thi những sáng kiến kiểu như thuế phát thải carbon toàn cầu, giải pháp được cho là hợp lý nhất, thì, theo một ước tính, giá điện bình quân hộ tiêu dùng phải trả sẽ tăng lên vài chục phần trăm trong vòng một thập kỷ tới. Gần tương tự như vậy là giá khí đốt. |
Bên cạnh đó, phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu là không biên giới. Trong bối cảnh này, sẽ hoàn toàn là một tâm lý tự nhiên khi người ta đợi người khác làm (trước), chứ không phải là mình.
Sự vị kỷ còn được thôi thúc bởi những cân nhắc về kinh tế. Các sáng kiến giảm phát thải thế giới thường bị phản đối bởi các quốc gia đang phát triển và ngay trong nội bộ của cả quốc gia phát triển, đơn giản bởi một lẽ rằng người nghèo, nước nghèo sẽ bị tác động mạnh nhất bởi các biện pháp giảm thải toàn cầu.
Nếu thế giới có thực thi những sáng kiến kiểu như thuế phát thải carbon toàn cầu, giải pháp được cho là hợp lý nhất, thì, theo một ước tính, giá điện bình quân hộ tiêu dùng phải trả sẽ tăng lên vài chục phần trăm trong vòng một thập kỷ tới(2). Gần tương tự như vậy là giá khí đốt. Đây sẽ là một đòn đánh nặng lên ngân sách hộ gia đình nghèo trong bất cứ nước nào, cũng như tất cả các nước nghèo, đang phát triển và những nền kinh tế mới nổi. Cần nhớ rằng trên thế giới hiện nay vẫn còn đến hàng tỉ người chưa được tiếp xúc với điện.
Mặc cả lợi ích
Sự vị kỷ còn được thôi thúc bởi những cân nhắc về kinh tế. Các sáng kiến giảm phát thải thế giới thường bị phản đối bởi các quốc gia đang phát triển và ngay trong nội bộ của cả quốc gia phát triển. |
Với những yếu tố nêu trên, có thể hiểu tại sao những nước như Ấn Độ (nước có lượng phát thải lớn thứ tư trên thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ, và EU) cũng như châu Phi lại sẵn sàng đứng ngoài các sáng kiến giảm phát khí thải toàn cầu. Một phần, họ không thể đánh đổi tăng trưởng kinh tế để lấy giảm phát khí thải khi mà nhu cầu tăng trưởng là cấp thiết để đưa hàng trăm triệu công dân của mình thoát khỏi đói nghèo cùng cực.
Phần khác vì suy nghĩ cho rằng trách nhiệm giảm phát chủ yếu là của các nước phát triển, đi trước, đã được hưởng nhiều lợi ích từ sự phát triển kinh tế dựa trên tiêu thụ năng lượng hóa thạch trước đây.
Do đó, cách hữu hiệu nhất để giảm phát thải phải là tài trợ cho các nước nghèo, đang phát triển trong quá trình áp dụng thuế phát thải toàn cầu. Tuy nhiên, việc duy trì tài trợ quốc tế trên quy mô lớn như vậy sẽ là điều phi thực tế. Cộng thêm bối cảnh hiện nay với các nước đang nỗ lực củng cố ngân sách, giảm thâm hụt, tương lai của việc cắt giảm phát thải sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các cuộc mặc cả lợi ích trên quy mô toàn cầu, trong đó các nước đang phát triển thì yêu cầu sự tài trợ của các nước phát triển, còn các nước phát triển thì kêu gọi sự tự nguyện cắt giảm phát thải của các nước kia.
Việt Nam cũng đang... mặc cả
Những năm trước đây, Việt Nam đã “cam kết thực hiện giảm 8% phát thải vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường và nếu có thêm nguồn lực quốc tế thì có thể đạt 25%” trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu(3). Cũng cần biết là Việt Nam không nằm trong số hơn 100 nước cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 trong 10 năm tới.
Con số cắt giảm 8%, nhất là so với “kịch bản phát triển thông thường” rõ ràng là một con số mang tính minh họa thì đúng hơn, cốt để cho thấy Việt Nam cũng chia sẻ thách thức chung của thế giới. Điều đáng chú ý là điều kiện “có thêm nguồn lực quốc tế” để đạt mức cắt giảm 25%. Như vậy, có thể hiểu Việt Nam sẽ chỉ tự nguyện cắt giảm đáng kể phát thải với điều kiện nhận được hỗ trợ tài chính của thế giới.
Mới đây, các con số cam kết trên được Việt Nam “chủ động” nâng lên thêm một mức nhỏ nữa, lần lượt thành 9% và 27%(4). Bối cảnh của sự tăng lên này dường như từ tốc độ phát triển nhanh của năng lượng tái tạo tại Việt Nam trong thời gian qua, trở thành nước được cho là có công suất lắp đặt điện mặt trời lớn thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc năm 2020.
Tuy nhiên, có thể nói rằng con số 9% vẫn là mang tính hình thức, nếu xét đến nhu cầu tự thân phải thay đổi của Việt Nam khi mà các dự án nhiệt điện chạy bằng năng lượng hóa thạch trong những năm tới sẽ khó còn được tài trợ bởi các nguồn vốn quốc tế nữa.
Mặt khác, nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam lại gặp trở ngại lớn từ mạng lưới truyền tải và dự trữ điện chưa phát triển, dẫn đến dư thừa lớn công suất điện từ pin mặt trời. Như vậy, Việt Nam có cắt giảm được 27% phát thải hay không phụ thuộc đáng kể vào nguồn tài chính (cho không) từ bên ngoài để gia tăng năng lực truyền tải và dự trữ điện (chỉ riêng mở rộng mạng lưới điện quốc gia đến năm 2030 đã cần đến gần 33 tỉ đô la Mỹ, theo Quy hoạch điện 8).
Trong lúc đợi các đối tác nước ngoài nào đó chưa rõ bỏ vốn tài trợ, mua lại 18% (27%-9%) phát thải tự cam kết của mình, Việt Nam có lẽ vẫn phải tiếp tục phụ thuộc vào các dự án nhiệt điện để đảm bảo khả năng tiếp cận điện với giá hợp lý của người dân và doanh nghiệp. Và nguồn tài trợ cho các dự án này sẽ chủ yếu đến từ trong nước, vốn sẽ ngày càng eo hẹp khi các ngân hàng thương mại cũng theo xu hướng chung của thế giới “nói không” với tài trợ năng lượng hóa thạch.
Trong kịch bản xấu nhất - không mặc cả bán được 18% phát thải, mà cũng không huy động đủ vốn phát triển nhiệt điện - thì cả công suất phát điện và lượng phát thải theo Quy hoạch điện 8 đều là không tưởng.
(1) https://www.iea.org/articles/global-energy-review-co2-emissions-in-2020
(2) https://www.marketwatch.com/story/why-is-humanity-so-reluctant-to-save-itself-from-climate-change-2020-02-21
(3) https://www.moit.gov.vn/CmsView-EcoIT-portlet/html/print_cms.jsp?articleId=17504
(4) https://dangcongsan.vn/thoi-su/viet-nam-cam-ket-hanh-dong-quyet-liet-de-ung-pho-toan-dien-voi-bien-doi-khi-hau-579100.html
Xem thêm: lmth.hci-iol-ac-cam-couc-iaht-tahp-maig/888713/nv.semitnogiaseht.www