- Anh tăng tốc chiến lược xoay trục khỏi châu Âu hậu Brexit
- Nước Anh và thách thức lớn thời hậu Brexit
Có vẻ như vẫn đang có một cuộc tranh luận ngay trong nội bộ nước Anh xoay quanh Brexit và trên thực tế đó là một cuộc tranh cãi về chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, giá trị quan và thậm chí là cả tương lai và vận mệnh của nước Anh.
Trong tư thế của người chiến thắng, những người ủng hộ Brexit có vẻ như hài lòng hơn. Họ cho rằng Brexit là sự lựa chọn duy nhất để Anh thoát khỏi “gông cùm” của EU và khôi phục vị thế tự do. Họ cũng cho rằng Brexit tạo điều kiện thuận lợi để Anh có thể độc lập về chính trị và ngoại giao trên trường quốc tế, phát triển kinh tế, thương mại và công nghệ, có điều kiện thoát khỏi các rào cản để khôi phục ánh hào quang từ thời đế quốc.
Các nhân viên thực hiện động tác gỡ bỏ lá cờ anh tại trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, tháng 1-2020. |
Trong khi đó, những người phản đối Brexit thì đang cố gắng chứng minh rằng Brexit đã gây khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, người nhập cư và quản lý xã hội bằng việc liệt kê những thiệt hại nhiều mặt mà nước Anh phải gánh chịu và chỉ ra rằng Brexit thậm chí sẽ dẫn đến nguy cơ những vùng lãnh thổ thuộc Anh có xu hướng thân châu Âu và ủng hộ Anh ở lại EU đấu tranh đòi độc lập.
Tuy nhiên, cả phe ủng hộ và phản đối đều phải thừa nhận rằng, việc đánh giá Brexit là điều khó khăn. Các bên đều đưa ra quan điểm trên cơ sở chính trị, kinh tế và xã hội của riêng mình và không bên nào thuyết phục được bên nào. Kết quả cuối cùng sẽ chỉ dẫn đến một nguy cơ là cuộc đối đầu chính trị ở Anh sẽ càng ngày càng gay gắt và sự chia rẽ trong dư luận xã hội sẽ ngày càng nghiêm trọng. Sự lạc quan một cách mù quáng và tâm lý thất vọng, thậm chí là tuyệt vọng ở một bộ phận người dân Anh là có thật. Và, có một thực tế là không ít người thuộc thế hệ sau của đế quốc Anh vẫn luôn tin rằng họ ở đẳng cấp cao hơn so với các nước châu Âu lục địa và vì vậy không muốn “nhập hội” với những nước này. Kỳ thực, đó là một kiểu “ăn mày dĩ vãng” và rõ ràng tư duy đó sẽ không mang lại lợi ích gì cho nước Anh cả.
Người dân Anh luôn có tâm lý khác nhau. Điểm giống nhau là họ luôn cho rằng mình đúng và do đó luôn tìm kiếm lợi ích tối đa cho nước Anh, tranh giành và bảo vệ những lợi ích đó. Nhìn lại lịch sử, có thể thấy quan hệ giữa Anh và các nước châu Âu lục địa lúc thăng lúc trầm. Khi tiến trình nhất thể hóa châu Âu được khởi động và không ngừng phát triển, Anh đã cân nhắc lợi hại, cảm thấy việc tự cô lập mình sẽ gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia và do đó không muốn tham gia. Đến những năm 1960, Anh lại nhiều lần xin gia nhập Cộng đồng châu Âu, nhưng 2 lần bị Tổng thống Pháp Charles de Gaulle phủ quyết, vào các năm 1963 và 1967. Mãi đến năm 1973, Thủ tướng Anh khi đó là Edward Heath đã loại bỏ các rào cản nội bộ, khởi động lại các cuộc đàm phán để đưa Anh gia nhập Cộng đồng châu Âu. Thế nhưng, chỉ chưa đầy 2 năm sau đó, nước Anh lại phải bước vào cuộc tranh cãi tới mức phải trưng cầu dân ý lại về việc có tiếp tục “ở lại châu Âu” hay không và kết quả khi ấy là 67,2% người dân đã trả lời có.
Với Brexit lần này, tỷ lệ số người trả lời “có” cho phương án rời khỏi EU thấp hơn nhiều, chỉ là 51,89%. Có một điều không thể phủ nhận rằng đối với nước Anh, Brexit đã gây ra hàng loạt xáo trộn chính trị, thậm chí có lúc là khủng hoảng chính trị trong nước, đồng thời tạo ra nhiều mâu thuẫn với EU, đặc biệt là các nước lớn trong khối như Đức và Pháp. Nó cũng giáng một đòn vào công cuộc nhất thể hóa châu Âu đang diễn ra mạnh mẽ cũng như sự phát triển lớn mạnh của EU. Dựa trên kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây ở Anh, hãng thông tấn CNN đưa ra kết quả cho rằng hiện rất ít người tin rằng vấn đề Brexit đã được giải quyết hoặc sẽ sớm được giải quyết. Mặc dù hậu quả của Brexit vẫn chưa được nhận thức đầy đủ trong những năm qua nhưng những bất đồng về Brexit cho đến nay vẫn tồn tại ở Anh.
Katy Hayward, giáo sư xã hội học chính trị tại Đại học Queen‘s Belfast, cho rằng tình trạng bất ổn và cảm giác bất lực về vấn đề Brexit luôn tồn tại trong nền chính trị Anh. Đặc biệt là Brexit đã khiến phong trào độc lập ở Scotland leo thang. Nếu Bắc Ireland có thể là hậu quả trực tiếp và phức tạp nhất của Brexit thì vấn đề Scotland lại chính là cơn ác mộng của Hiến pháp Anh.
Ngày 23-6, nhật báo The Guardian của Anh bình luận rằng trong 5 năm kể từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit, cả nước Anh lẫn EU đều bị suy yếu, trong khi mối quan hệ đó lẽ ra không đáng bị như vậy. Tính đơn thuần của Brexit đang khiến EU chật vật với những mối lo mới và việc nước Anh bị chia rẽ là điều mà người Scotland và người Bắc Ireland hiểu hơn ai hết.
Số liệu chính thức cho thấy Brexit khiến Anh không còn được hưởng các ưu đãi thương mại như các nước thành viên EU. Xuất khẩu thực phẩm và đồ uống của Anh sang EU đã giảm gần 50% trong quý I-2021. Một nghiên cứu ước tính rằng thương mại dịch vụ Anh trong giai đoạn 2016-2019 đã giảm tổng cộng 113 tỷ euro so với thời điểm nước này chưa rời khỏi EU.
Tuy nhiên, với hơn 45 năm gắn bó giữa Anh và EU, nhiều người vẫn đang muốn tin rằng những bất đồng rồi sẽ được giải quyết, bởi trên thực tế, dù có muốn hay không thì nước Anh vẫn nằm ở châu Âu, thậm chí luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của lục địa này, cả trong quá khứ lẫn hiện tại.Ngọc Lan (Tổng hợp)
Xem thêm: /294846-ial-nihn-man-5-tixerB/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna