Niêm yết giá cước tàu biển không mang lại nhiều ý nghĩa trong việc quản lý và giám sát giá
Lan Nhi
(KTSG Online) - Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản kết luận sau 3 tháng kiểm tra giá cước và phụ thu ngoài giá cước của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam. Kết quả cho thấy, phần lớn thị phần vận tải xuyên đại dương do các hãng tàu ngoại khai thác và chi phối nên giá cước và phụ thu do nhóm doanh nghiệp này quyết định.
Trong mối quan hệ cung cầu dịch vụ vận tải biển quốc tế, quyền kiểm soát tình thế ở trong tay các hãng tàu ngoại nên giá cước và phụ thu do nhóm doanh nghiệp này quyết định. Ảnh minh họa là cảng quốc tế Lạch Huyện, Hải Phòng. Nguồn: TTXVN |
“Việc niêm yết giá cước và các loại phụ thu không mang lại nhiều ý nghĩa trong việc quản lý, kiểm tra và giám sát giá”, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam thừa nhận trong văn bản gửi lên Bộ GTVT đầu tháng 7 vừa qua về việc kiểm tra giá cước và phụ thu ngoài giá cước của các hãng tàu được kiểm tra.
Cuối năm 2020, trước tình hình tăng giá cước vận tải biển liên tục mà các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng phản ánh, Chính phủ đã yêu cầu liên bộ Giao thông Vận tải và Công Thương kiểm tra làm rõ và xử lý nếu có vi phạm pháp luật trong việc tăng giá thuê container và thuê tàu. Vì tại thời điểm quí 1 năm nay, giá cước từ Việt Nam đi châu Âu và Bắc Mỹ đã tăng lên gấp 5 đến 7 lần so với thời điểm trước tháng 10-2020.
Tại Việt Nam, việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đi châu Âu, Bắc Mỹ do 40 hãng tàu ngoại hoạt động thường xuyên (chiếm 95% thị phận vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu). Các hãng tàu nội chưa đủ năng lực khai thác nên đứng ngoài cuộc chơi vận tải biển quốc tế.
Một tổ liên ngành được thành lập gồm đại diện các bộ, ngành: Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính kiểm tra giá cước của 9 hãng tàu: Maersk Lines, Yangming ,MSC, OOCL, CMA - CGM, Hapag - Lloyd, ONE, Evergreen, HMM. Các hãng này đang đảm nhận các tuyến đi châu Âu, Bắc Mỹ xuất phát từ cảng Lạch Huyện và cảng Cái Mép - Thị Vải, với tần suất 18 chuyến/tuần đi châu Mỹ và 2 chuyến/tuần đi châu Âu. Đây là các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, làm đại lý hợp đồng cho công ty mẹ nên doanh thu các loại bao gồm giá cước và phụ thu đều do công ty mẹ quyết định và chuyển lợi nhuận về công ty mẹ. Đại lý nộp thuế nhà thầu và các loại thuế khác theo quy định.
Vấn đề là các hãng tàu đều thực hiện việc niêm yết giá cước trên website bao gồm cả thay đổ giá nhưng lại không thể hiện thời gian niêm yết nên không thể biết có thực hiện việc tính giá và niêm yết trước 15 ngày mỗi khi thay đổi giá cước hay không.
Xét về giá cước, Cục Hàng hải Việt Nam nhận định việc thiếu container trên toàn cầu dẫn đến việc tăng giá cước đột biến trong suốt thời gian qua. Bên cạnh đó, lượng container rỗng hút về Trung Quốc vì nhu cầu chuyên chở nước này tăng mạnh khiến cả thế giới thiếu container, khiến giá cước ở các quốc gia, trong đó có Việt Nam bị “đội” lên chóng mặt.
Về phụ thu ngoài giá cước, các hãng có từ 3-5 loại phụ thu: phụ thu tỷ giá xăng dầu, phụ thu nước sở tại, phụ phí xếp dỡ hàng tại cảng, phí vệ sinh container, phụ thu theo giá cước… Trong đó, phụ phí xếp dỡ hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 100 đô đến 170 đô la Mỹ/container và tất cả các hãng đi Châu Âu, Bắc Mỹ đều thu. Toàn bộ các mức giá do các hãng tự đưa ra mà không cần sự thỏa thuận với khách hàng cũng như không báo sớm.
Cái khó của các nhà xuất nhập khẩu Việt Nam là phụ thuộc hoàn toàn vào các hãng vận chuyển nước ngoài, thông qua đại lý, công ty logistics…chứ không thể làm việc trực tiếp với hãng tàu. Cục Hàng hải Việt Nam cho biết: đối với các tuyến đi châu Âu, châu Mỹ, tỷ lệ container trực tiếp đặt chỗ từ Việt Nam với hãng tàu rất thấp (chỉ chiếm 10% đối với tuyến đi Bắc Mỹ, 20% tuyến đi châu Âu). Việc ký hợp đồng vận tải và trả cước vận tải thường do đối tác nước ngoài đảm nhận. Chỉ có một số ít chủ hàng lớn tại Việt Nam ký hợp đồng trực tiếp với các hãng nước ngoài do có sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ổn định. Do đó, doanh nghiệp Việt chắc chắn gặp rủi ro và thiệt thòi khi giá cước vận tải quốc tế biến động mạnh.
Việc không có quy định pháp luật về đăng ký, quản lý tuyến vận tải, nên hãng tàu khi vào Việt Nam hoạt động không phải đăng ký tuyến vận tải. Việc mở tuyến, bỏ tuyến, bổ sung hay rút tàu đều do hãng tàu quyết định, nên các cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát về lịch trình tàu và số chỗ trên tàu khi tàu vào các cảng Việt Nam. Do vậy, nếu các hãng tàu không có sự cam kết chắc chắn về lịch trình và chỗ trên tàu thì doanh nghiệp phải chịu.
Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng việc giá cước và các loại phụ thu do hãng tàu quyết định, không phải đăng ký kê khai với cơ quan quản lý nên việc niêm yết giá cước và phụ thu không mang lại nhiều ý nghĩa trong việc kiểm tra và giám sát giá. Hay nói khác đi, các hãng tàu được toàn quyền quyết định việc này.