Tính đến đầu tháng 7, trên địa bàn TP.HCM đã có hơn 100 chợ truyền thống tạm dừng hoạt động, chưa kể các chợ tự phát. Các chợ còn lại hoạt động cầm chừng, thu hẹp gian hàng, lượng khách giảm sút.
Trong bối cảnh đó, nhiều tiểu thương đã nghĩ ra cách bán hàng online tạm thời và ban quản lý các chợ cũng chủ động hỗ trợ người bán tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm qua các kênh trực tuyến.
Giao tận nhà miễn phí khi khách có nhu cầu
Theo ghi nhận của PV, tại một số chợ truyền thống ở TP.HCM xuất hiện nhiều bảng thông tin ghi số điện thoại của tiểu thương, ai có nhu cầu đặt hàng sẽ được giao tận nhà. Bà Xuyến, tiểu thương ngành hàng thủy hải sản chợ Phùng Hưng, quận 5, kể: “Khi khách hàng gọi qua điện thoại đặt hàng thì tôi sẽ nhờ các chú xe ôm tại chợ đi giao tận cửa”.
Chị Son, bán rau củ tại chợ Bàu Cát, quận Tân Bình, cũng cho hay có ngày không có khách, có ngày nhận được đơn hàng của 4-5 khách. Sau khi có đơn hàng, chị sẽ đi mua tận vườn để giao miễn phí cho khách. “Ở nhà buồn, không có thu nhập nên có khách nào đặt, tôi cũng nhận và giao cho họ để kiếm tiền đi chợ, trang trải việc gia đình” - chị Son nói.
Tương tự, bà Đăng, tiểu thương bán thịt heo ở chợ Bà Hoa, chia sẻ: Bình thường bà bán được khoảng 130 kg/ngày, do chợ tạm đóng cửa nên hiện nay bán tại nhà được 50-60 kg/ngày. Dù khách đặt mua ít hay nhiều vẫn giao miễn phí và không tính vào giá bán. “Trong lúc dịch ai cũng khó khăn, chấp nhận không có lời để chia sẻ cùng nhau” - bà Hoa nói.
Không chỉ bán hàng qua điện thoại, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…, một số tiểu thương còn đăng ký gian hàng trên các ứng dụng đa phương tiện có dịch vụ đi chợ như Grab, Bee... để tăng thêm thu nhập. Chị Ngô Thị Chẳng, chủ sạp Bà Ba Bánh Tét tại chợ Bến Thành, quận 1, cho biết nhờ việc đăng ký gian hàng trên ứng dụng GrabMart mà trong mùa dịch, có thêm một đầu ra cho hàng hóa của mình.
Tiểu thương tại nhiều chợ ở TP.HCM đang tăng cường bán hàng qua điện thoại, mạng xã hội. Ảnh: TÚ UYÊN
Cần đảm bảo an toàn phòng chống dịch
Bà Sử Thị Thoa, Trưởng Ban quản lý chợ Phùng Hưng (quận 5), cho biết: Ngày 5-7, UBND phường kết hợp với ban quản lý chợ tổ chức xét nghiệm tầm soát cho thương nhân. Ban quản lý chợ cũng đã gửi danh sách tiểu thương tiêm vaccine mũi thứ nhất để bà con yên tâm mua bán.
Ban quản lý cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con thông tin để việc bán hàng qua điện thoại thuận lợi. Theo đó, người dân có nhu cầu đặt hàng qua điện thoại, tiểu thương sẽ gửi qua đội ngũ xe ôm để giao đến nhà.
“Thường những người đi chợ Phùng Hưng quen tiểu thương nào họ sẽ gọi đặt hàng được làm sạch sẵn, giao đến tận nhà. Tới đây ban quản lý sẽ gửi thông tin về đội ngũ xe ôm, tiểu thương các ngành hàng bán hàng qua điện thoại lên Facebook. Đồng thời gửi đến ban điều hành tổ dân phố, các khu phố… để người dân biết và mua sắm nếu có nhu cầu” - bà Thoa nói.
Cũng theo bà Thoa, hiện nay lượng khách đến chợ giảm mạnh. Bình thường trong buổi sáng có khoảng 200 lượt khách đến chợ, nay giảm còn 40%-50% và lượng khách chỉ tập trung vào đầu giờ sáng. Hiện nay chỉ còn 165 hộ kinh doanh ngành hàng thiết yếu nên đảm bảo quy định giãn cách.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Ban quản lý chợ Phước Long (quận 7), thông tin: Do xung quanh khu vực có ca nghi nhiễm nên chợ đã tạm ngưng để tổ chức phòng chống dịch. Sau khi trình các phương án cũng như bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch, ban quản lý chợ sẽ có báo cáo và đề xuất cơ quan chức năng cho hoạt động trở lại.
“Toàn bộ chợ đã được lắp camera, cùng phát loa thường xuyên yêu cầu giãn cách và tiểu thương đã có cam kết. Nếu trong quá trình buôn bán, sạp nào không tuân thủ 5K, ban quản lý sẽ tạm ngưng dịch vụ của sạp đó” - ông Hùng thông tin.
Ông Hùng cũng cho rằng tiểu thương bán ở chợ truyền thống không quen với cách thức bán hàng online nên hình thức này chưa phổ biến tại chợ Phước Long. Hiện nay sạp nào có mối quen gọi điện thoại, họ sẽ giao hàng cho khách.
“Hiện có khoảng 50% tiểu thương của chợ đã tiêm vaccine đợt 1 và trước khi chợ mở cửa, chúng tôi đề nghị cho toàn bộ tiểu thương xét nghiệm trở lại. Bên cạnh đó, chợ tiến hành việc phát hành thẻ cho tiểu thương bán theo ngày chẵn, lẻ để tránh tập trung đông người, thực hiện giãn cách cho các sạp buôn bán” - ông Hùng nói.
Phía chợ Bình Thới (quận 11), ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban quản lý chợ, cho hay chợ đang chờ kết quả xét nghiệm tầm soát COVID-19. Nếu kết quả xét nghiệm tốt, ban quản lý sẽ có văn bản báo cáo với UBND quận để tiến hành kiểm tra, đánh giá lại mức độ an toàn và sẽ mở cửa chợ trong thời gian sớm nhất. Song song đó, chợ đang chuẩn bị tiêm ngừa đợt 2 cho thương nhân.
“Chợ sẽ niêm yết số điện thoại của toàn thể thương nhân kinh doanh ngành hàng thiết yếu qua fanpage của ban quản lý, niêm yết tại cổng chợ… để phục vụ cho việc mua sắm qua điện thoại thuận lợi hơn” - ông Tùng nói.
Hỗ trợ tiểu thương kết nối thị trường Mua sắm tại chợ vẫn là thói quen của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hàng trăm chợ truyền thống tạm đóng cửa để phòng chống dịch, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã đề xuất Sở Công Thương TP.HCM xây dựng kênh bán hàng thương mại điện tử cho chợ truyền thống. Theo đó, VECOM sẽ hỗ trợ tiểu thương xây dựng dữ liệu nhà cung cấp, số điện thoại mặt hàng, giá cả, hình ảnh. Bên cạnh đó, hiệp hội sẽ giúp tiểu thương kết nối, sử dụng điện thoại thông minh liên kết với các đơn vị vận chuyển, doanh nghiệp công nghệ ứng dụng cùng tham gia. “Chúng tôi sẽ phối hợp với ban quản lý các chợ được chọn thí điểm tập huấn cho tiểu thương kỹ năng cơ bản để bán hàng trên môi trường số. Tiểu thương có thể liên kết với nhau, kết hợp hàng hóa theo thực đơn gồm rau, cá, gia vị... để người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa. Để triển khai hiệu quả cần sự phối hợp của tất cả đơn vị liên quan. Nếu triển khai thành công, sẽ là một kịch bản để ứng phó khi dịch bệnh xảy ra bất cứ lúc nào” - ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM, cho hay. Chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm Ban quản lý chợ Phạm Văn Hai đã xây dựng fanpage để hỗ trợ tiểu thương bán hàng qua mạng. Theo đại diện chợ Phạm Văn Hai, đây là nơi các tiểu thương trong chợ rao bán từ thực phẩm cho tới quần áo, hàng gia dụng. Ngoài ra các tiểu thương cũng chủ động sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook và sàn thương mại điện tử để bán hàng, chủ động tìm thêm đầu ra cho sản phẩm. THU HÀ |