Việc áp dụng thời gian giấy xét nghiệm COVID-19 có hiệu lực ở mỗi tỉnh khác nhau, không đồng bộ khiến doanh nghiệp vận tải “kêu trời” vì gánh thêm chi phí và ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa.
Mỗi nơi một kiểu
Hiện nay, người dân từ vùng dịch khi đến các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng... làm việc, vận chuyển hàng hóa, phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 3, 5, 7 ngày (tùy nơi), từ ngày có kết quả xét nghiệm.
Theo ông Lâm Đại Vinh - Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh, quy định thời hạn giấy xét nghiệm COVID-19 của mỗi tỉnh, thành khác nhau, chưa thống nhất gây khó khăn cho các doanh nghiệp và khiến tăng chi phí đầu vào của các xe hàng.
“Hiện phí xét nghiệm khoảng 300.000 - 400.000 đồng/người/lần. Ngoài ra, thời gian chờ đợi lấy mẫu, chờ đợi kết quả phải mất 1 ngày, tức phải trả thêm 1 ngày công cho tài xế. Cộng thêm tiền đậu, đỗ xe dừng hoạt động, nếu tính đúng, tính đủ, chi phí cố định cho 1 xe phải mất thêm từ 1 - 1,5 triệu đồng cho 1 lượt lái xe đi xét nghiệm” – ông Vinh dẫn chứng.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cũng cho biết hiện nay hàng hóa đang phải đội thêm phần chi phí. Cụ thể là chi phí xét nghiệm cho các tài xế, công nhân tại kho hàng. Nếu xét nghiệm đầy đủ PCR, chi phí hơn 800.000 đồng/lần, còn xét nghiệm nhanh thì chi phí bình quân hơn 200.000 đồng/lần.
“Cái khó là nhiều tỉnh, thành đưa ra quy định giấy xét nghiệm chỉ có hiệu lực trong 3 ngày dẫn đến người lao động phải xét nghiệm liên tục. Hiện đội ngũ nhân viên trong kho của Saigon Co.op khoảng 1.000 người, chia thành 2 ca, mỗi ca 500 người, cứ 3 ngày xét nghiệm 1 lần, mỗi người 800.000 đồng, tính ra chi phí lớn” – ông Nguyễn Anh Đức nói.
Đề xuất thống nhất thời hạn giấy xét nghiệm COVID-19 là 7 ngày
Theo ông Bùi Văn Quản – Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM, việc các địa phương ra một số quy định nhằm tăng cường phòng chống dịch COVID-19 đã gây nhiều khó khăn cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa đi qua các địa phương này.
Trong đó, các chốt kiểm dịch ùn ứ làm kéo dài thời gian vận chuyển và thời hạn của giấy xét nghiệm COVID-19 quá ngắn khiến tài xế phải xét nghiệm liên tục.
Ông Quản cho biết Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM đã có văn bản gửi Tổng cục đường bộ Việt Nam, Sở GTVT TPHCM kiến nghị một số biện pháp nhằm tăng cường quản lý phòng dịch COVID-19 một cách hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa.
Theo đó, Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM kiến nghị chỉ tổ chức thực hiện xét nghiệm (đối với người chưa có giấy xét nghiệm) tại các chốt kiểm soát người vào địa phương. Đồng thời, chỉ tổ chức xét nghiệm người đến địa phương, không xét nghiệm người ra khỏi địa phương và đi qua.
Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM cũng kiến nghị thống nhất thời gian có hiệu lực của giấy chứng nhận xét nghiệm COVID-19 là 7 ngày.
Về phía doanh nghiệp sẽ tăng cường trách nhiệm phòng dịch của người điều khiển và chủ phương tiện vận tải như: triệt để thực hiện 5K; khử khuẩn sau mỗi chuyến đi, đến hoặc qua vùng dịch.
Ngoài ra, người điều khiển phương tiện không được dừng nghỉ tại những điểm đông người, khu dân cư và chỉ được dừng đỗ ở những điểm dừng chân hoặc địa điểm vắng người; chỉ được phép nghỉ trên phương tiện khi dừng nghỉ tạm thời.