Hiện, cả 3 chợ đầu mối tại TPHCM phải tạm ngưng hoạt động để phòng dịch COVID-19. Lãnh đạo Sở Công thương TPHCM khẳng định hiện nay, các kênh bán lẻ hiện đại có thể bù đắp được nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân.
3 chợ đầu mối, 110 chợ và 60 siêu thị, cửa hàng tiện lợi đóng cửa
Từ 8h sáng ngày 7.7, Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức dừng các hoạt động tập kết hàng trực tiếp cho đến khi đủ điều kiện an toàn phòng dịch. Trước đó một ngày (ngày 6.7) chợ đầu mối Bình Điền (quận 8) cũng ngưng hoạt động sau khi xuất hiện nhiều ca dương tính, lan đến một số quận huyện và tỉnh lân cận.
Chợ đầu mối Hóc Môn cũng tạm ngưng hoạt động từ 28.6 để phòng dịch sau khi xuất hiện nhiều ca nhiễm COVID-19.
Như vậy cả 3 chợ đầu mối lớn của TPHCM đã dừng hoạt động. Theo Sở Công thương TPHCM, tỉ trọng hàng hóa lưu thông qua 3 chợ đầu mối (hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng thành phố tại các chợ đầu mối như mặt hàng rau-củ-quả, thủy hải sản, thịt gia súc) chiếm 60% - 70% thị phần thị trường TPHCM.
Ngoài ra, đến nay đã có gần 110 chợ và khoảng 60 siêu siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố phải tạm đóng cửa vì liên quan các ca lây nhiễm COVID-19.
Nguồn cung hàng hóa vẫn đáp ứng nhu cầu người dân
Trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, sau khi 3 chợ đầu mối đóng cửa, thành phố sẽ dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, Thành phố Thủ Đức, quận Bình Chánh để tập kết hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh chuyển về.
Tại đây, cơ quan chức năng sẽ thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện sau đó có các phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa về các chợ truyền thống.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, từ trước đến nay, tiểu thương ở các chợ lẻ sẽ tự lên 3 chợ đầu mối lấy hàng sớm, một số người buôn bán lâu năm thì được giao sỉ tận chợ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các thương nhân sẽ chuyển sang các hình thức giao dịch khác như tổ chức bán hàng qua điện thoại, trực tuyến, bán hàng theo đơn đặt hàng… và các hình thức phù hợp khác nhằm giảm tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo các biện pháp an toàn trong hoạt động mua bán hàng hóa.
Bên cạnh việc tổ chức duy trì nguồn cung ứng hàng hóa từ các tỉnh, lãnh đạo Sở Công thương TPHCM cho biết sẽ vận hành ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa gồm các kênh phân phối hiện đại và truyền thống. Theo đó, các hệ thống siêu thị sẽ tăng cường lượng hàng hóa từ 50% đến 100%.
Sở Công thương dự kiến vận hành bản đồ cung cấp thông tin những chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…an toàn tại từng quận, huyện, xã, phường để người dân đi chợ, mua sắm nhu yếu phẩm.
"Hiện nay, các kênh bán lẻ hiện đại trên địa bàn thành phố hoàn toàn bù đắp được nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân. Các siêu thị, bên cạnh phương thức bán hàng trực tiếp, đã tổ chức và tăng cường bán hàng online" - lãnh đạo Sở Công thương TPHCM khẳng định.
Xem thêm: odl.838729-mahp-cuht-gnuc-nougn-ud-oc-mchpt-auc-gnod-iom-uad-ohc-3-ac/et-hnik/nv.gnodoal