vĐồng tin tức tài chính 365

Khối ngoại rót tiền trở lại?

2021-07-08 12:39

Khối ngoại rót tiền trở lại?

Triêu Dương

(KTSG) - Tính từ phiên giao dịch ngày 10-6 đến phiên giao dịch cuối tuần qua, khối ngoại đang chuyển sang trạng thái mua ròng trở lại với giá trị khá lớn, hơn 3.040 tỉ đồng trên cả ba sàn.

Dòng vốn đảo chiều

Trong sáu tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng xấp xỉ hơn 30.400 tỉ đồng trên toàn thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, tương đương gấp 1,6 lần tổng giá trị bán ròng trong năm 2020. Sàn HOSE vẫn bị bán ròng lớn nhất, với 29.875 tỉ đồng, theo số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM.

Tuy nhiên, tính từ phiên giao dịch ngày 10-6 đến phiên giao dịch cuối tuần qua, khối ngoại đang chuyển sang trạng thái mua ròng trở lại với giá trị khá lớn, hơn 3.040 tỉ đồng trên cả ba sàn, trong đó riêng sàn HOSE được mua ròng hơn 3.800 tỉ đồng, sàn UpCom tiếp tục được mua ròng gần 106 tỉ đồng trong cùng khoảng thời gian, ngược lại sàn HNX vẫn bị bán ròng.

Đặc biệt sau khi chỉ số VN-Index vượt mốc 1.400 điểm kể từ phiên giao dịch ngày 28-6, thị trường chứng kiến giá trị mua ròng khá lớn từ khối ngoại, như phiên ngày 30-6 mua ròng 1.756 tỉ đồng và  phiên ngày 2-7 mua ròng 1.935 tỉ đồng trên sàn HOSE. Tuy nhiên cũng cần biết rằng hai phiên mua ròng khủng này đều nhờ vào lượng giao dịch thỏa thuận rất lớn ở mã NVL của Novaland, tương ứng là 1.507 tỉ đồng và 1.857 tỉ đồng. Dù vậy, nếu loại trừ các giao dịch thỏa thuận lớn trên, sàn HOSE vẫn chứng kiến khối ngoại mua ròng trong hai phiên này.

Như vậy, sau khi bán ròng miệt mài trong năm tháng đầu năm và những phiên giao dịch đầu tháng 6, giao dịch của khối ngoại trên TTCK Việt Nam đang cho thấy tín hiệu tích cực hơn kể từ giữa tháng 6 đến nay.  Điều này mang đến kỳ vọng nhóm này sẽ quay lại mua ròng trong thời gian còn lại của năm nay, như dự báo mà một số tổ chức đã đưa ra.

Xu hướng này cũng khá tương đồng với dòng vốn quốc tế trên toàn cầu. Theo số liệu của Viện Tài chính quốc tế, dòng vốn quốc tế rót ròng vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu của các nền kinh tế mới nổi trong tháng 6 đã tăng gấp 3 lần so với tháng 5, bất chấp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang nghiêng về khả năng sớm tăng lãi suất trong hai năm tới trong cuộc họp gần đây.

Cụ thể dữ liệu cho thấy dòng vốn rót ròng ước tính đạt 28,6 tỉ đô la Mỹ trong tháng 6, tăng mạnh so với mức rót ròng 10,9 tỉ đô la Mỹ trong tháng 5. Trong đó, thị trường trái phiếu hút ròng 18,9 tỉ đô la còn thị trường cổ phiếu là 9,2 tỉ đô la. Xét theo khu vực, châu Á và Mỹ Latinh lần lượt chứng kiến dòng vốn đầu tư vào 14,4 tỉ đô la và 10,8 tỉ đô la, trong khi châu Âu, châu Phi và Trung Đông mới nổi chiếm 3 tỉ đô la.

Động lực từ đâu?

Một số thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn lớn có thể diễn ra trong những tháng cuối năm nay sẽ có tác động mạnh tới thị trường và thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia, bao gồm các thương vụ cổ phần hóa Agribank, Mobifone và thoái vốn SAB, BMI, VGT, NTP…

Việc thị trường vượt mốc kháng cự 1.400 điểm cùng với xu hướng đi lên vững chắc trong thời gian qua có lẽ đã phần nào lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng.

Với mức tăng trưởng gần 30% trong sáu tháng đầu năm nay, chứng khoán Việt Nam đang nằm trong nhóm các thị trường tăng tốt nhất trên thế giới. Dù vẫn đang phải chống chọi với dịch Covid-19 hoành hành, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn duy trì xu hướng tích cực hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực.

Đáng lưu ý là Việt Nam cũng đang bắt đầu tăng tốc quá trình xét nghiệm, thúc đẩy tìm kiếm nguồn cung ứng vaccin và tiến đến tự sản xuất để tiêm chủng toàn dân, điều này sẽ mở đường cho nền kinh tế và các hoạt động kinh doanh sớm mở cửa toàn diện trở lại trong thời gian tới.

Chẳng những vậy, giá trị tiền đồng không những được giữ ổn định trong những tháng đầu năm nay mà còn có xu hướng tăng so với đô la Mỹ gần đây, giúp triệt tiêu rủi ro tỷ giá đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tính trong sáu tháng đầu năm, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng (USD/VND) chỉ mới tăng 0,2%, ngược lại giá mua bán tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do thấp hơn nhiều so với đầu năm.

Ngoài ra, tình trạng hệ thống giao dịch bị quá tải và thường xuyên nghẽn lệnh vốn là một trong những yếu tố thúc đẩy khối ngoại bán ròng mạnh mẽ trên TTCK Việt Nam từ cuối năm ngoái đến nay, nhưng hệ thống giao dịch mới được thông báo triển khai từ phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 5-7), có lẽ đã giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy khối này quay lại với thị trường.

Dù kết quả phân loại kỳ tháng 6 mới đây của MSCI tiếp tục xếp Việt Nam vào thị trường cận biên, nhưng nếu hệ thống giao dịch chứng khoán mới của HOSE được đưa vào vận hành ổn định trong năm 2021, Việt Nam có thể được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI trong kỳ đánh giá thường niên năm 2022 và được nâng hạng lên thị trường mới nổi vào tháng 6-2023. Đối với FTSE, các tổ chức cũng kỳ vọng TTCK Việt Nam có thể được thông báo nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp của FTSE trong kỳ đánh giá thị trường vào tháng 9-2022. Do đó, không loại trừ khả năng nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua trước đón đầu.

Thực tế cho thấy gần đây đã có thêm một số quỹ đầu tư mới được thành lập và bắt đầu giải ngân vào TTCK Việt Nam. Mới đây nhất là quỹ Asian Growth Cubs ETF, được thành lập vào ngày 17-6-2021, đã chính thức rót hàng triệu đô la Mỹ vào chứng khoán Việt Nam trong những phiên giao dịch cuối tháng 6 vừa qua. Quỹ Asian Growth Cubs ETF đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam với GDP đã tăng trưởng trong 40 năm liên tiếp. Được biết quỹ này sẽ đầu tư trực tiếp ít nhất 85% tài sản ròng của mình vào cổ phiếu của các công ty được niêm yết trên các sàn giao dịch ở Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Philippines và Việt Nam.

Về triển vọng thị trường, dù trước mắt có thể chịu áp lực điều chỉnh trong ngắn hạn, nhưng hầu hết dự báo của các tổ chức đều tin rằng VN-Index có thể đạt mốc 1.500 điểm vào cuối năm nay, dựa trên tâm lý ngán ngại tình trạng nghẽn lệnh bị dỡ bỏ, dư nợ cho vay ký quỹ có thể tiếp tục mở rộng sau khi các công ty chứng khoán tăng nhanh vốn chủ sở hữu trong thời gian còn lại của năm nay.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VN Direct, trong báo cáo chiến lược sáu tháng cuối năm phát hành mới đây, đánh giá mức P/E (giá/thu nhập một cổ phiếu) dự phóng năm 2021 của chỉ số VN- Index đang ở mức 16,5 lần, là mức tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung của khu vực. Theo đó, Việt Nam cùng với Singapore và Indonesia nổi lên là những thị trường có định giá hấp dẫn xét trên triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2023.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán KBSV cũng cho rằng TTCK Việt Nam hiện có sự hấp dẫn vượt trội nhờ việc tăng trưởng mạnh về lợi nhuận của các doanh nghiệp đã giúp P/E thấp hơn đáng kể so với các thị trường khác trong khu vực ASEAN. Đồng thời, xét theo tương quan P/B (giá/giá trị sổ sách) với ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) và tương quan P/E với tăng trưởng CAGR EPS (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của lợi nhuận trên một cổ phiếu) trong ba năm gần nhất, chứng khoán Việt Nam đều đang ở vùng giá hấp dẫn hơn tương đối so với hầu hết các thị trường châu Á khác.

Đáng lưu ý là một số thương vụ cổ phần hóa, thoái vốn lớn có thể diễn ra trong những tháng cuối năm nay sẽ có tác động mạnh tới thị trường và thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia, bao gồm các thương vụ cổ phần hóa Agribank, Mobifone và thoái vốn SAB, BMI, VGT, NTP,…

Xem thêm: lmth.ial-ort-neit-tor-iaogn-iohk/650813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Khối ngoại rót tiền trở lại?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools