Chính phủ cần điều phối việc lấy mẫu xét nghiệm ở TPHCM
Tấn Đức
(KTSG Online) - TPHCM đã thành lập 2.000 đội với mục tiêu có thể lấy được 1,3 triệu mẫu để xét nghiệm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày. Đây là việc phải làm để truy tìm những ca bệnh còn đang lưu trú trong cộng đồng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây, ngoài tốc độ lấy mẫu còn là tốc độ xét nghiệm và hệ thống hậu cần phục vụ cho công tác lấy mẫu, chuyển mẫu và xét nghiệm.
Hiện nay, năng lực xét nghiệm của TPHCM là 400.000 mẫu gộp một ngày. Đây là năng lực trên lý thuyết trong điều kiện tối ưu về nhân lực cũng như nguồn phương tiện, vật tư cần thiết được cung ứng đầy đủ.
Với tốc độ lấy mẫu và xét nghiệm 1,3 triệu mẫu mỗi ngày thì trong vòng 10 ngày TPHCM có thể xét nghiệm cho toàn bộ người lưu trú ở thành phố. Nhưng trong điều kiện dịch đang lây lan quá nhanh, việc tăng tốc xét nghiệm nhanh hơn nữa là rất cần thiết và việc này chỉ có thể làm được với sự chi viện của Chính phủ.
Với 10.000 nhân viên y tế mà Bộ Y tế đang huy động để chi viện cho TPHCM, lực lượng bổ sung này có thể giúp tăng tốc việc lấy mẫu lên 2-2,5 triệu mẫu mỗi ngày. Vấn đề còn lại phải giải quyết là năng lực xét nghiệm và hệ thống logistics. Để giải quyết khó khăn này, Chính phủ cần đứng ra điều phối để huy động năng lực xét nghiệm từ các tỉnh, thành khác.
Còn về logistics, nếu được Bộ Quốc phòng hỗ trợ trực thăng để vận chuyển mẫu từ TPHCM đi xét nghiệm ở các tỉnh lân cận thì mọi việc sẽ thuận lợi.
Công tác tổ chức lấy mẫu cũng cần tính toán lại để tránh lây nhiễm chéo. Xuất phát từ thực tế là, theo thông tin từ các nhà khoa học, biến thể Delta của con virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm mạnh hơn do nó lơ lửng ở không khí lâu hơn, thậm chí “chỉ cần đi ngang qua gần người bệnh cũng có thể bị lây nhiễm”, nên cách tập trung lấy mẫu như lâu nay có thể là không ổn.
Hiện nay, người dân được tập trung về một địa điểm, xếp hàng tuần tự đi đến chỗ nhân viên y tế để lấy mẫu. Nếu trong số đó có một người bị nhiễm bệnh, thì có nguy cơ rất cao sẽ lây nhiễm cho nhiều người khác khi họ di chuyển đến chính xác điểm người bị bệnh vừa đứng trước đó để được lấy mẫu.
Để giải tỏa mối nguy này, nên chăng tổ chức các đội đến trực tiếp lấy mẫu cho người dân theo từng nhà, mỗi nhà có thể lấy 1-2 mẫu đại diện. Đồng thời, sau khi lấy mẫu xong, cần yêu cầu người dân ở yên trong nhà cho đến khi có kết quả xét nghiệm. Làm như vậy sẽ tránh được nguy cơ lây lan trong lúc chờ kết quả xét nghiệm.
Việc lấy mẫu nên được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu theo từng khu vực để không xảy ra tình trạng “da beo” trong vùng lấy mẫu xét nghiệm.
Với công tác trả kết quả xét nghiệm, có thể không cần thiết trả kết quả ngay đến từng người được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát nếu không có đủ nguồn nhân lực. Thay vào đó, chỉ cần công bố trên các phương tiện truyền thông các khu vực có trường hợp dương tính và khu vực không được nêu tên thì mặc nhiên hiểu là có kết quả âm tính hết.
Vệ sinh phòng dịch của nhân viên y tế cũng phải được tính đến. Nếu không thể thay găng tay sau mỗi lần lấy mẫu, thì ít nhất nhân viên y tế cũng cần khử khuẩn tay cùng với găng tay trước khi lấy mẫu cho người khác.
Nếu TPHCM có thể tận dụng thời gian 15 ngày giãn cách xã hội này để lấy mẫu xét nghiệm nhằm tìm kiếm người nhiễm bệnh còn đang ở cộng đồng một cách thần tốc, thì thành phố sẽ sớm chặn được đà lây lan.
Kết quả tầm soát dịch TPHCM rất quan trọng, nếu không nói là có ý nghĩa quyết định trong việc chặn đà lây lan không chỉ cho thành phố, mà còn cho nhiều tỉnh lân cận. Vì vậy, Chính phủ cần tập trung mọi nguồn lực cho TPHCM chống dịch.
Xem thêm: lmth.mchpt-o-meihgn-tex-uam-yal-ceiv-iohp-ueid-nac-uhp-hnihc/421813/nv.semitnogiaseht.www