Vướng quy định của Bộ Nông nghiệp, sò điệp chần đông lạnh hết cửa vào EU
Trung Chánh
(KTSG Online) - Theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm sò điệp (cồi điệp) phải xử lý nhiệt tối thiểu 90 độ C ít nhất 90 giây trong hệ thống phòng kín mới được cấp chứng nhận vệ sinh (H/C) xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU). Thế nhưng, việc xử lý sò điệp ở nhiệt độ này, chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng rất lớn, không đáp ứng được yêu cầu khách hàng, dẫn đến sản phẩm không có khách mua.
Sò điệp ở Bình Thuận. Ảnh: N Lân/Báo Bình Thuận |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) hôm 30-6 đã có kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý các khó khăn, vướng mắc của ngành thuỷ sản đang gặp phải, trong đó có sản phẩm sò điệp. Đây là khó khăn, vướng mắc đã tồn tại nhiều năm qua, sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành một quyết định có liên quan.
Trước năm 2014, doanh nghiệp thuỷ sản vẫn xuất khẩu sản phẩm sò điệp chần đông lạnh vào thị trường EU, tuy nhiên, từ tháng 12-2014 - thời điểm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định 5236/QĐ-BNN-QLCL ngày 1-12-2014 - thì sản phẩm này không thể xuất khẩu sang EU.
Lý do, quyết định trên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ (bao gồm cả nghêu và sò điệp) phải xử lý nhiệt tối thiểu 90oC ít nhất 90 giây trong hệ thống kín mới được cấp H/C để xuất khẩu.
Ý kiến của VASEP vừa gửi đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng sản phẩm sò điệp khi xử lý ở chế độ nhiệt như nêu trên thì chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng lớn, không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, dẫn đến sản phẩm không có người mua.
Theo VASEP, việc yêu cầu sản phẩm sò điệp phải xử lý ở chế độ nhiệt và thời gian như nêu trên là chưa phù hợp, bởi sản phẩm sò điệp và sản phẩm nghêu có khác nhau.
Cụ thể, nghêu còn nội tạng nên lượng vi sinh vật bên trong sản phẩm cao, cần được xử lý nhiệt tối thiểu 90oC ít nhất 90 giây trong hệ thống kín mới đủ để đưa chỉ tiêu vi sinh đạt ngưỡng quy định của EU.
Còn với sản phẩm sò điệp, nội tạng đã được loại bỏ nên lượng vi sinh vật trong sản phẩm ít hơn và dư lượng Cadimi (Cd) và Lipophilic hầu như không có (Cd và Lipophilic chỉ tồn tại trên nội tạng nhuyễn thể hai mảnh vỏ) nên yêu cầu xử lý nhiệt đối với sò điệp giống như sản phẩm nghêu là không cần thiết.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản (Nafiqad) cũng đã từng hỗ trợ Công ty thuỷ sản Hải Nam tiến hành ba đợt thực nghiệm đối với sản phẩm sò điệp ở vùng biển Bình Thuận ở chế độ xử lý nhiệt thấp hơn (so với quy định 90oC). Kết quả cho thấy, cả ba đợt lượng vi sinh vật và dư lượng kim loại nặng của thành phẩm ở chế độ xử lý nhiệt thấp hơn đều đáp ứng được quy định của EU.
Chính vấn đề nêu trên, VASEP đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nafiqad xem xét hỗ trợ sớm ban hành quy định xử lý nhiệt riêng phù hợp đối với sản phẩm sò điệp của Việt Nam.
Trong khi chờ đợi các văn bản quy định ban hành, VASEP đề nghị cho phép các lô sản phẩm sò điệp chần đông lạnh nếu có kết quả kiểm nghiệm đáp ứng các ngưỡng quy định của EU thì vẫn được xuất khẩu vào thị trường này nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong dịp Noel năm nay.
Sau khi xảy ra vướng mắc như đã nêu, vào năm 2018, các doanh nghiệp thuỷ sản đã có văn bản gửi Nafiqad đề nghị xem xét để xuất khẩu sản phẩm sò điệp chần đông lạnh với chế độ xử lý nhiệt giảm nhẹ hơn (so với quy định 90oC). Tuy nhiên, Nafiqad đã đề nghị phải có kết quả thực nghiệm chứng minh làm cơ sở để xúc tiến đề nghị xuất khẩu. Sau đó, Nafiqad và Công ty thuỷ sản Hải Nam đã tiến hành các đợt thực nghiệm đối với sản phẩm sò điệp ở vùng Bình Thuận và có kết quả khả quan như đã nêu ở trên. Thế nhưng, Nafiqad yêu cầu có thực nghiệm tiếp cho các kích cỡ khác vào thời gian cuối tháng 6 và tháng 7 năm nay do đây là mùa sinh sản của sò điệp. Tuy nhiên, để kịp thời xuất khẩu sò điệp dịp Noel vào thị trường EU, VASEP đã có đề xuất tháo gỡ khó khăn như đã nêu. |