Theo hãng tin CNBC, báo cáo của Oxfam mới đây công bố cho thấy số người chết vì đói ăn đã tăng gấp 6 lần trong năm vừa qua, nhiều hơn cả số người chết vì dịch Covid-19. Đánh giá của các chuyên gia cho thấy cứ mỗi phút là lại có 11 người chết đói hoặc tử vong vì suy dinh dưỡng, qua đó cho thấy an ninh lương thực bị đe doạ nghiêm trọng kể từ khi đại dịch diễn ra.
Con số trên cũng cao hơn so với tỷ lệ 7 người chết mỗi phút vì đại dịch Covid-19.
Thống kê của Oxfam cho thấy khoảng 155 triệu người trên thế giới đang phải sống trong cảnh đói ăn, nhiều hơn 20 triệu người so với năm trước và một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực tồi tệ hơn nữa có thể xảy ra nếu các quốc gia không có chính sách đề phòng.
Báo cáo của Oxfam chỉ ra chiến tranh và xung đột vẫn là những nguyên nhân trực tiếp khiến nhiều người đói ăn nhưng đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu mới là yếu tố gián tiếp chủ chốt đẩy hàng chục triệu người vào cảnh suy dinh dưỡng hiện nay.
Giá lương thực toàn cầu đã tăng bình quân 40%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua và khiến vô số hộ gia đình mất thu nhập chẳng đủ tiền nuôi sống bản thân.
Tại những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch như Ấn Độ, Nam Phi hay Brazil, các tổ chức từ thiện quốc tế mô tả tình hình thiếu lương thực là vô cùng trầm trọng. Thậm chí ngay cả những quốc gia có hệ thống an ninh lương thực ổn định như Mỹ cũng đã bị rúng động khi đại dịch và biến đổi khí hậu diễn ra, khiến cho nhiều người lâm vào cảnh thiếu thực phẩm ngắn hạn.
Theo CNBC, có một điều trớ trêu là trong khi cả thế giới phải gồng mình chống dịch và khủng hoảng lương thực thì các quốc gia lại chi thêm 51 tỷ USD cho quốc phòng. Con số này theo Liên Hiệp Quốc (UN) cao gấp 6,5 lần số tiền họ cần để mua lương thực cứu đói toàn cầu.
Tương tự, tổng tài sản của 10 người giàu nhất thế giới đã tăng 413 tỷ USD trong năm qua, nhiều gấp 11 lần tổng chi phí hỗ trợ nhân đạo toàn cầu dự tính của UN.
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
Xem thêm: nhc.59015219090701202-uac-naot-nert-tuhp-iom-tehc-iougn-11-neihk-na-iod-cbnc/nv.zibefac