Tăng giá vô tội vạ ở chợ truyền thống
Lý giải cho việc phải chen chúc mua hàng, thực phẩm thiết yếu, chị Đặng Trà Khanh (trú Q.Gò Vấp) cho biết, vì chiều hôm qua ra chợ nhưng không thể mua được thịt, cá vì hết sạch nên hôm nay chị đã có mặt từ sáng sớm, nhưng vẫn phải chịu cảnh chen chút để mua hàng với giá cao hơn từ 2 - 3 lần so với thường ngày. "Tôi tranh thủ mua được 3kg thịt heo với giá hơn 550 nghìn đồng để dự trữ, sợ khi giãn cách sẽ không thể mua được nữa", chị Khanh cho biết.
Một số khác cũng vì lo lắng không còn thực phẩm mà phải "cắn răng" mua hàng với giá cao. Chị Huỳnh Thanh Trúc (trú Q.Phú Nhuận) than thở khi phải mua một trái bí xanh với giá 60 nghìn đồng và nhiều loại thực phẩm khác cũng tăng giá từ 20 nghìn đến 40 nghìn đồng. "Tuy giá cả bị đẩy lên cao nhưng tôi vẫn phải mua để trong nhà trong những ngày giãn cách sắp tới", chị Trúc chia sẻ.
Theo ghi nhận tại các khu chợ truyền thống, giá rau cải xanh, cải ngọt hiện ở mức khoảng 40 nghìn đồng/kg, tăng gần 20 nghìn đồng/kg so với thời điểm một tuần trước. Dưa leo khoảng 40 nghìn đồng/kg, tăng 5 nghìn đồng/kg. Xà lách 60 nghìn đồng/kg, bắp cải tăng vọt lên 40 nghìn đồng/kg. "Hiện giờ tôi phải mua cà rốt với giá 25 nghìn đồng/kg trong khi vài ngày trước chỉ 10 nghìn đồng/kg", chị Nguyễn Ngọc Châu mua hàng tại chợ Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) nói.
Chị Châu cũng cho biết thêm, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến thu nhập của chị và cả gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nay lại phải mua hàng với mức giá "chóng mặt" khiến chị rất bức xúc: "Một tiểu thương thân thiết chia sẻ với tôi hầu hết các mặt hàng trong chợ này đều bị đẩy giá vô tội vạ. Ai cũng lấy lý do không có hàng để tăng giá, nhưng nguồn hàng từ chợ đầu mối vẫn được vận chuyển trực tiếp đến đây. Một số người vì lợi ích của bản thân đã cố tình đẩy giá rồi bán cho người dân".
Theo khảo sát, giá thịt heo, cá tại chợ đang tăng rất cao. Sườn non được bán tại các chợ dân sinh có giá 180 nghìn - 200 nghìn đồng/kg, nạc vai 130 nghìn - 140 nghìn đồng/kg; cá diêu hồng có giá 120 nghìn đồng/kg; tôm 230 nghìn đồng/kg... Một điều cần lưu ý, do tâm lý tích trữ, mua hàng dồn dập của người dân cũng là nguyên nhân khiến giá cả của một số mặt hàng tăng cao. Do đó, người dân không nên mua hàng ồ ạt, tránh mua hàng khi mức giá đang bị đẩy lên cao như thế này. Một lựa chọn có thể cân nhắc khi mua thực phẩm là tại các siêu thị. Theo ghi nhận, tuy lượng người mua vẫn ồ ạt đổ vào mua hàng tại các siêu thị, nhưng giá cả hàng hóa thực phẩm ở đây vẫn ổn định như ngày thường.
Đặc biệt, người dân không nên lo lắng về việc sẽ thiếu thực phẩm. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TPHCM cho biết, nguồn thực phẩm dự trữ của thành phố lên tới 120.000 tấn, tăng gấp ba thông thường nên đủ đáp ứng nhu cầu cho người dân. Thay vì ồ ạt mua hàng dự trữ, người dân nên chú ý bảo vệ sức khỏe, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch bệnh của TP.
Bình ổn hàng hóa tại TPHCM
Về nguồn hàng hóa thiết yếu, người dân có thể yên tâm, không nên mua dồn dập, tránh mua hàng với mức giá cao bất thường, bởi TPHCM luôn có nguồn hàng hóa thiết yếu dồi dào để cung cấp cho người dân trong suốt thời gian giãn cách. Theo đó, Bộ Công thương vừa văn bản hỏa tốc do Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải ký, gửi UBND TPHCM và các tỉnh phía Nam về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu để ứng phó với dịch Covid-19.
Ngoài ra, tập trung đẩy mạnh việc bảo đảm hàng hóa thiết yếu cung ứng cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp và phải thực hiện các biện pháp giãn cách, cách ly xã hội, đặc biệt là nguồn cung hàng hóa cho Chương trình Bình ổn thị trường đã được ký kết; Thông tin chi tiết cho Bộ Công thương (Vụ Thị trường trong nước) nhu cầu cụ thể về các mặt hàng thiết yếu cần hỗ trợ cung cấp và đơn vị tiếp nhận để Bộ Công thương điều phối nếu cần thiết.
Tiếp tục khẩn trương bố trí, triển khai các điểm bán hàng thiết yếu bổ sung, lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa do dịch bệnh Covid-19. Rà soát và khẩn trương triển khai các biện pháp phun khử khuẩn, các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 để sớm mở cửa trở lại các chợ, các cơ sở bán lẻ, đồng thời hướng dẫn các chợ, các cơ sở bán lẻ tổ chức hoạt động theo khuyến cáo của ngành y tế để vừa kiểm soát, an toàn dịch bệnh, vừa bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Bên cạnh đó, tạo luồng "ưu tiên đặc biệt" cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ Chương trình Bình ổn thị trường cung ứng cho TPHCM và các tỉnh phía Nam có dịch bệnh đang phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội. Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với lực lượng quản lý thị trường tại địa phương, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hiện tượng găm hàng, tăng giá, bán hàng kém chất lượng.
Xử phạt người ra đường không có lý do chính đáng
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TPHCM, ngày 8-7, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ký công văn khẩn về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị 16 trong 15 ngày từ 0 giờ ngày 9-7. Nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng, Chủ tịch UBNDTP yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết.
Ngay sau khi áp dụng chỉ thị, người dân chỉ được ra khỏi nhà khi mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu hoặc trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn, tang lễ. Người dân cũng được ra khỏi nhà để đến làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở do nhà nước quy định. Khi ra khỏi nhà, mọi người phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m. Theo đó, UBNDTP yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ bản thân, gia đình và tham gia có trách nhiệm các hoạt động phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng và cộng đồng.
Về mức xử phạt, theo Nghị định 117 năm 2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách 2m nơi công cộng sẽ bị phạt 1 - 3 triệu đồng. Việc người dân ra đường không có lý do chính đáng cũng sẽ bị phạt 1 - 3 triệu đồng. Người dân tập trung (quá 2 người) ở nơi công cộng sẽ bị xử phạt 10 - 20 triệu đồng cho từng người. Các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh không tạm ngừng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu sẽ bị phạt 10 - 20 triệu đồng.
Xem thêm: lmth.058511_ca-iot-al-yan-cul-gnort-oac-nel-mahp-cuht-aig-yad/gnourt-iht/nv.moc.nagnoc