Ngày 9-7, tại Đồng Nai, theo ghi nhận trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, lượng người di chuyển trên các tuyến giao thông giảm nhiều so với những ngày trước. Trong khi đó, các quán ăn uống đã ngưng bán tại chỗ, chỉ phục vụ mang đi.
Theo ghi nhận, những tuyến đường bán cà phê, ăn sáng như Phan Trung, Phạm Văn Thuận, Đồng Khởi... hầu hết các hàng quán đều đóng cửa, một số quán cà phê cóc nhỏ vẫn mở nhưng chỉ bán mang về, không phục vụ tại chỗ.
Hầu hết các quán cà phê trên địa bàn TP Biên Hòa đóng cửa. Ảnh: VH
Một chủ quán cà phê đường Phan Trung cho biết từ khi có dịch, quán tuy rộng nhưng chỉ kê vài bàn nhỏ khoảng cách 3 m và không nhận quá 10 người. Tuy nhiên do thực hiện giãn cách xã hội nên từ sáng nay quán treo biển tạm ngừng bán và đóng cửa hẳn.
“Ở đây thuê mặt bằng giá cao, cũng biết rằng đóng cửa sẽ mất khách và sẽ khó khăn hơn nhưng mình cần thực hiện các quy định của nhà nước để cùng chung tay chống dịch. Tôi cũng mong muốn dịch bệnh nhanh qua, cuộc sống trở lại bình thường để làm ăn” - anh Nguyễn Thanh Hải, chủ quán nói.
Ngoài những quán ăn, nhà hàng tạm đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội thì người dân cũng hạn chế ra đường, nhiều tuyến đường ở trung tâm như Nguyễn Ái Quốc, Cách mạng Tháng Tám, 30/4, Phạm Văn Thuận, đường Võ Thị Sáu... lượng phương tiện lưu thông giảm rất nhiều, đường khá vắng.
Tuyến đường Phan Trung mọi ngày đông đúc, nay vắng người qua lại, đường thông thoáng. Ảnh: VH
Cũng trong ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, khá đông người dân từ TP.HCM di chuyển trên một số tuyến đường qua tỉnh Đồng Nai khiến một số chốt kiểm soát bị ùn ứ.
Sáng 9-7, tại chốt kiểm soát trên cầu Đồng Nai (Quốc lộ 1, địa phận phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa) dù được tăng cường hơn 20 cán bộ nhưng do lượng người quá đông nên đã xảy ra quá tải trong kiểm soát.
Lực lượng chốt kiểm soát cầu Đồng Nai tăng cường để kiểm tra những người đi từ hướng TP.HCM qua Đồng Nai. Ảnh: VH
Trực tiếp có mặt chỉ đạo tại chốt, Thượng tá Trần Trọng Thủy, Phó Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Lượng người qua trạm kiểm soát rất đông nhưng lực lượng chức năng quyết tâm kiểm soát tất cả người từ TP.HCM, Bình Dương đi qua địa bàn Đồng Nai. Những trường hợp không có giấy xét nghiệm âm tính chúng tôi kiên quyết yêu cầu trở lại, không được vào địa bàn”.
Trong khi đó, tại chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1K, giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương với Đồng Nai, lượng xe lưu thông không lớn. Nguyên nhân là trong khoảng 5 km có ba trạm kiểm soát TP Thủ Đức - giáp TP Dĩ An, trạm kiểm soát qua tỉnh Bình Dương (gần ngã tư quốc lộ 1A - đường Mỹ Phước Tân Vạn) và trạm kiểm soát tỉnh qua Đồng Nai ở trạm thu phí cũ 1K.
Nhiều người từ Bình Dương qua Đồng Nai không có giấy xét nghiệm buộc phải quay đầu xe trở lại. Một số trường hợp từ tỉnh Đồng Nai qua TP Dĩ An (Bình Dương) không có giấy xét nghiệm cũng buộc phải quay về.
Ngoài ra tại các chốt kiểm soát dịch trên các tuyến đường cửa ngõ vào Đồng Nai như Bến phà Cát Lái (huyện Nhơn Trạch), đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (huyện Long Thành), đường Bùi Hữu Nghĩa (TP Biên Hòa) cũng được lực lượng chức năng kiểm soát chặt.
CSGT kiểm tra giấy xét nghiệm chốt kiểm soát quốc lộ 51 từ đường Cao tốc Dầu Giây- Long Thành- TP.HCM. Ảnh: VH
Trước đó, tại cuộc họp thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo tỉnh quyết định bắt đầu từ 0 giờ ngày 9-7, toàn tỉnh sẽ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Bên cạnh việc thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng, chống dịch như hiện nay, lãnh đạo tỉnh lưu ý các ngành chức năng cần quan tâm đến hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.
Bởi hiện các chốt kiểm soát dịch bệnh thực hiện chưa nghiêm, chưa triệt để, không đủ điều kiện, nhân lực để làm nhiệm vụ, còn để sót lọt nhiều người từ TP.HCM, Bình Dương vào Đồng Nai. Đây là nguy cơ lây nhiễm lớn trong cộng đồng khó kiểm soát.