Một trong những nội dung chính tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về các nội dung liên quan đến việc giãn cách xã hội toàn Thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh tổ chức chiều tối 9/7 được quan tâm đó là vấn đề cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân thành phố trong thời gian tới.
Trao đổi về phương thức cung ứng hàng hóa cho người dân trong điều kiện nhiều chợ truyền thống đóng cửa, việc bán hàng mang đi bị tạm ngưng, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện 151 chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã tạm ngưng hoạt động, chiếm hơn 50% số chợ của thành phố. Điều này ảnh hưởng đến cung ứng hàng hóa, đặc biệt với những người dân có thu nhập thấp, không có khả năng dự trữ mà phải mua thực phẩm sử dụng hàng ngày.
"Sở Công Thương đã hướng dẫn các quận huyện rà soát lại các chợ đóng cửa nhằm xem xét khắc phục các điều kiện để có thể sớm mở cửa lại chợ. Nếu chợ nào có nguy cơ thì phải báo sớm với sở để xem xét, nếu còn khả năng khắc phục thì khắc phục để không phải đóng. Nhờ chỉ đạo này, số lượng chợ phải đóng cửa giảm hẳn, thay vì trước đây có hàng chục chợ đóng cửa mỗi ngày", Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nói.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đã yêu cầu các quận huyện phải tổ chức lực lượng như: Hội phụ nữ, đoàn thanh niên… tiếp nhận nguồn hàng các doanh nghiệp cung ứng để phân phối tới tận từng khu phố, từng hộ dân theo đúng yêu cầu. Mặt khác, Sở quy định trong trường hợp quận, huyện muốn đóng một chợ truyền thống thì phải tìm một mặt bằng phù hợp quanh đó để Sở Công Thương chỉ đạo các hệ thống phân phối tổ chức điểm bán hàng lưu động, hàng đồng giá phục vụ người dân.
Một số mặt hàng rau củ, quả đang có giá bán khuyến mại tại siêu thị ở TP Hồ Chí Minh.
Thông tin tại cuộc họp, đại diện Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, qua số liệu của hệ thống giám sát, ngày 9/7, lượng phương tiện tại các tuyến đường chính trên địa bàn đã giảm khoảng 15%. Xe chở hàng hóa ra vào các cảng cũng giảm 10% so với những ngày trước. Một số thời điểm, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây ùn tắc khoảng 2 km, nhiều xe phải quay đầu khiến giao thông ùn ứ. Nguyên nhân có thể do người dân chưa chuẩn bị đầy đủ giấy tờ theo quy định mới.
Theo đại diện Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, Sở đã làm việc với các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ cùng các bộ, ngành về việc tạo điều kiện cho các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu của thành phố.
Thời gian qua, một số phương tiện chở hàng hóa từ các tỉnh, thành miền Tây về TP Hồ Chí Minh bị giữ lại tại các tỉnh do yêu cầu mới về giấy xét nghiệm. Để tháo gỡ khó khăn này, Sở đã báo cáo với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế về các phương án như: Thay đổi thời hạn quy định đối với giấy xét nghiệm, tạo luồng vận chuyển thông thoáng hàng hóa về TP Hồ Chí Minh.
"Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp hỗ trợ tạo "luồng xanh" cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu. Hy vọng thời gian tới, phương án mới sẽ khiến hàng hóa chuyển về thành phố thuận lợi, đáp ứng nhu cầu người dân trong thời gian giãn cách xã hội", đại diện Sở Giao thông vận tải thành phố nói.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.37513600101701202-hnim-ihc-oh-pt-ev-mahp-uey-uhn-aoh-gnah-aud-hnax-gnoul-oat/et-hnik/nv.vtv