Trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu chè ước đạt 58 nghìn tấn, trị giá 95 triệu USD, tăng 0,1% về lượng và tăng 5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trị giá kim ngạch xuất khẩu chè tăng trong 6 tháng đầu năm 2021 một phần do giá chè tăng cao theo giá thị trường thế giới. Giá chè xuất khẩu bình quân ước đạt 1.643,6 USD/tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhu cầu gần đây đã tăng lên rõ rệt do người tiêu dùng nhiều nơi tin tưởng trà có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch, góp phần đề kháng với dịch bệnh COVID-19.
Do đó, thương nhân ở nhiều quốc gia tăng cường tích trữ để phục vụ nhu cầu nội địa, tránh bị ảnh hưởng bởi sự đứt gãy logistics có thể diễn ra do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Trong những tháng đầu năm 2021, Pakistan vẫn là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam, với khối lượng xuất khẩu tăng khoảng 12,5%, kim ngạch tăng 16% so với cùng kỳ năm 2020.
Điều đáng nói là xuất khẩu chè của Việt Nam sang Ấn Độ tăng tới xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ tăng 560,5% về lượng và tăng 457,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 1,4 nghìn tấn, trị giá 1,74 triệu USD).
Trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu chè sang Trung Quốc cũng tăng mạnh. Chỉ tính số liệu riêng của 5 tháng, xuất khẩu sang quốc gia này đạt 4,55 nghìn tấn với 6,76 triệu USD, tăng 104% về khối lượng và tăng 87,7% về giá trị kim ngạch.
Bên cạnh đó, các thị trường Iraq, Malaysia, Đài Loan... cũng gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu mặt hàng chè. Cục Xuất Nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết, xuất khẩu chè trong những tháng cuối năm dự báo rất khả quan bởi nhu cầu của các nước tăng mạnh nhưng một số quốc gia xuất khẩu chè, trong đó có Ấn Độ đang gặp khó khăn trong sản xuất và thu hoạch, chế biến chè bởi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nguồn lao động và logistics.
Xem thêm: odl.202929-1202-man-iouc-aun-gnort-nauq-cal-gnourt-gnat-ehc-uahk-taux-oab-ud/et-hnik/nv.gnodoal