Tháng 8/2020, Trung tâm triển lãm hàng Việt Nam được khai trương tại Tổ hợp thương mại VT-Namnueng Udon Thani. Phát biểu khai mạc lễ khai trương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái-Việt toàn Thái Lan Hồ Văn Lâm nêu rõ việc thành lập Trung tâm triển lãm các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao nhằm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt ở Thái Lan, góp phần giúp cho doanh nhân biết đến Việt Nam nhiều hơn và người tiêu dùng biết đến và sử dụng hàng Việt nhiều hơn.
Ông Lâm vốn là người xây dựng nên trung tâm thương mại VT-Namnueng, sở hữu cơ sở sản xuất nem nướng và nhà hàng Việt lớn nhất tại Thái Lan nổi tiếng với các món Huế. Giới doanh nhân Thái gọi ông là Thong Kulthanwat.
Ông Lâm là con thứ 3 trong gia đình gồm 8 anh chị em. Bố mẹ ông là ông Hồ Văn Tuân và bà Vỵ từ thời niên thiếu đã sang Thái Lan để lánh nạn chiến tranh. Gia đình ông Tuân quê tại làn nem nướng, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, thậm chí ông nội còn từng làm trong bếp hoàng cung nhà Nguyễn. Bà Vỵ được học những bí quyết ẩm thực từ gia đình chồng để mở gánh hàng ăn kiếm sống.
Trên cách nấu nướng xứ Huế cùng với việc điều chỉnh phù hợp với khẩu vị người dân địa phương, món ném lụi bình dân dần trở nên nổi tiếng trên đất Thái. Chính món ăn này đã nuôi sống cả gia đình ông Lâm. Hơn 10 năm sau, gánh hàng rong trở thành một quán ăn nho nhỏ, mang tên người con gái đầu lòng, Daeng Namnueng. Do người Thái không nói được từ "nem lụi", bà Vỵ mới đổi tên thành "nem nướng" và khi phát âm người Thái đọc là "namnueng".
Thời niên thiếu, ông Hồ Văn Lâm cũng như phần lớn người Việt trên đất Thái nói chung vẫn còn bị người Thái nghi kị và chưa cho nhập quốc tịch, bị hạn chế di chuyển, học hành và cả cơ hội nghề nghiệp. Chàng trai trẻ lúc này tìm đến các trung tâm thiếu nhi dành cho trẻ mồ côi, học tiếng Việt với thầy cô người Việt, học tiếng Thái với thầy là quân nhân, lặng lẽ tiếp tục các chương trình cao hơn mà không được cấp bằng.
Không bằng cấp, không người nâng đỡ, Hồ Văn Lâm quyết định làm thợ nhưng cũng bị cấm cản vì "nghề chỉ dành riêng cho người Thái". Năm 20 tuổi, ông Lâm kết hôn và được truyền nghề may từ gia đình vợ. Ông mở cửa hàng may trong 17 năm cho đến năm 1992. Thời điểm này khủng hoảng kinh tế Thái Lan nổ ra, tiền mất giá, hàng may sẵn giá rẻ đa dạng mẫu mã ồ ạt tràn ra thị trường, thợ may lành nghề khó tìm và yêu cầu trả công rất cao, tiệm may của ông gần như phá sản.
Ông Lâm quyết định quay lại nghề ẩm thực của gia đình. Trong khi các anh chị em ông phụ giúp mẹ phát triển cửa hàng Daeng Namnueng của gia đình, thì ông mở VT Namnueng tại tỉnh Udonthani. VT là chữ viết tắt ghép từ tên cha và tên mẹ. Ông Lâm đặc biệt chú trọng tới hình thức giao hàng tận nơi để mở rộng kinh doanh và nhượng quyền kinh doanh. Đến nay chuỗi nhà hàng này đã có 30 địa điểm, 4 cơ sở sản xuất với công suất 50 tấn/ngày. Không dừng lại đó, ông Lâm còn xây dựng nên trung tâm thương mại trị giá hơn 650 triệu Baht. VT Namnueng đã trở thành biểu tượng quan trọng của tỉnh Udonthani nói riêng và Miền Đông Bắc Thái Lan nói chung.
Ngoài quản lý chuỗi cửa hàng VT Namnueng, ông Lâm còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Ông đến các trường đại học nổi tiếng của Thái Lan theo lời mời để chia sẻ với thế hệ trẻ khát vọng lập nghiệp. Cha ông Lâm sau khi qua đời được gia đình đưa về Huế an nghỉ. Ông cũng thường xuyên về quê kết nối, thăm hỏi làng xóm đồng thời tìm hiểm thêm về ẩm thực xứ Huế.
Thảo Nguyên (Tổng hợp)
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị