Mới đây, Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) đã có báo cáo về việc thay đổi sở hữu của cổ lớn. Theo đó, ông Trần Bá Dương đã bán toàn bộ 11,26 triệu cổ phiếu HVG, tương đương 4,96% vốn công ty Hùng Vương vào ngày 2/7 để cơ cấu tài chính cá nhân.
Đồng thời, công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trân Oanh do ông Dương làm chủ tịch cũng cùng lúc bán ra 8,6 triệu cổ phiếu, tương đương 3,79% vốn sở hữu tại HVG.
Được biết, cả hai giao dịch này đều được thực hiện theo phương thức thoả thuận, đúng bằng khối lượng 2 nhà đầu tư trên bán ra. Tổng giá trị thương vụ thỏa thuận này lên đến gần 46 tỷ đồng, tương ứng tại mức giá 2.300 đồng/cổ phiếu.
Cùng chiều thoái vốn, hồi tháng 4 ông Nguyễn Phúc Thịnh cũng chuyển nhượng 36,6 triệu cổ phiếu HVG (tương đương 17,01% vốn) xuống còn 2 triệu cổ phiếu (tương đương 0,88% vốn). Được biết, ông Thịnh được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT Hùng Vương từ 28/2/2020 sau khi được ĐHCĐ thường niên năm 2020 thông qua.
Trước đó, Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cũng đã bán toàn bộ hơn 28 triệu cổ phiếu (12,45% vốn) HVG vào đợt giao dịch cuối năm 2020. Như vậy chỉ trong chưa đầy 3 tháng, một lượng lớn cổ phiếu tương đương 26% cổ phần tại HVG đã được sang tay tuy nhiên danh tính bên mua vẫn chưa lộ diện.
Được biết, Công ty HVG có kinh nghiệm 15 năm hoạt động trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu cá da trơn lớn nhất Việt Nam, với chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất thức ăn chăn nuôi đến nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu.
Đồng thời HVG còn sở hữu độc quyền giống heo được chuyển giao từ Đan Mạch, đầu tư xây dựng các trại heo giống công nghệ cao tại An Giang, Bình Định. HVG cũng sản xuất thức ăn gia súc, cung cấp heo giống theo quy trình công nghệ châu Âu an toàn và chất lượng cao cho người dân tham gia chăn nuôi.
Về kết quả kinh doanh, Hùng Vương đã không công bố báo cáo tài chính 5 quý liên tiếp và chưa công bố báo cáo tài chính năm 2020. Nhưng thông qua báo cáo tài chính mới nhất vào 31/12/2019 có thể thấy “vua cá tra” Hùng Vương vẫn ngập trong khó khăn khi khoản lỗ ròng lên đến hơn 1.120 tỷ đồng và lỗ luỹ kế hơn 1.740 tỷ đồng. Theo đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này còn chưa đến 660 tỷ đồng. Trong khi đó khoản nợ phải trả gấp hơn 10 lần vốn chủ sở hữu, lên đến 7.100 tỷ đồng,
Được biết, thương vụ đầu tư của Thaco vào HVG thông qua công ty con Thadi là để “giải cứu” HVG thoát khỏi vòng xoáy thua lỗ triền miên. Theo thỏa thuận, Thadi và những cổ đông liên quan sở hữu 35% cổ phần và tham gia quản trị, cử đại diện giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Tài chính và các chuyên gia phụ trách kỹ thuật, bán hàng. Hai bên lập liên doanh phát triển mảng sản xuất heo giống với quy mô 45.000 con, trong đó Thadi nắm 65% tương ứng giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dưới sự điều hành của nhân sự và vốn tài chính từ phía Thaco, tình hình kinh doanh của HVG vẫn không khởi sắc hơn. Thậm chí kết quả kinh doanh bết bát khiến HVG bị buộc huỷ niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM vào tháng 8/2020. Cổ phiếu HVG sau đó được đưa sang giao dịch trên sàn UPCoM. Đến nay, thị giá HVG vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc khi tiếp tục sụt giảm về 2.600 đồng/cổ phiếu (chốt phiên 9/7).
Như vậy, chỉ sau chưa đầy 2 năm tham gia vào tái cơ cấu hoạt động Hùng Vương, Thaco đã gần như thoái toàn bộ vốn tại HVG, "dứt tình" với doanh nghiệp duyên nợ này. Điều này cũng cho thấy tham vọng “giải cứu” HVG thoát khỏi thua lỗ của Thaco đã thất bại.
PHƯƠNG LY