Internet và mạng xã hội là những thành tựu công nghệ như vậy. Nó xuất hiện và ngay lập tức xác lập hai thời kỳ lớn của lịch sử báo chí: Thời kỳ tiền internet và thời kỳ internet. Bây giờ đang chính là thời kỳ internet, là lúc mà các nhà báo chính danh và chuyên nghiệp buộc phải lựa chọn: Một là, nhà báo cứ ngồi đấy mà nhớ tiếc thời kỳ tiền internet hoàng kim rực rỡ - khi báo chí chiếm gần như toàn bộ không gian truyền thông, bởi vì nó gần như là nguồn truyền thông độc quyền - để rồi anh bất lực trước mạng xã hội và dần trở thành kẻ tự kỷ trong đời sống báo chí đương đại.
Hai là, nhà báo nhập cuộc, chấp nhận sự tồn tại của truyền thông mạng xã hội, nhưng chấp nhận để rồi bị nó tha hóa, nhấn chìm, làm tan biến, hay chấp nhận để cạnh tranh sòng phẳng với nó, để chiến thắng nó bằng sự tái tạo chính mình, để trở lại là dòng chủ lưu trên biển thông tin truyền thông, thì điều đó lại phụ thuộc vào trình độ, bản lĩnh, tầm văn hóa và khả năng "nhận đường" (chữ của Nguyễn Đình Thi) của mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí.
Cái tình thế đôi ngả rối bời ấy của báo chí Việt Nam đương đại đã được mô tả và phân tích một cách sáng rõ, mạch lạc, thậm chí riết róng, nhưng cũng... đầy chất thơ, trong tập tiểu luận có tên "Thời của tạp chí" của nhà báo Nguyễn Tiến Thanh (NXB Văn học, 2021). Cuốn sách gồm bảy phần và một Vỹ thanh. Trong đó ba phần đầu: "Vong thân trước mạng xã hội", "Thuốc gây mê của những kẻ nghiện view", và "Đứng trên vai những người khổng lồ" có thể được đọc, theo cách hài hước, như một "Bản tố cáo những tội ác của internet và truyền thông mạng xã hội đối với báo chí và cách làm báo truyền thống".
Truyền thống ở đây được hiểu là các loại hình báo chí đã quen và cũ: Báo in (giấy, và cả phiên bản điện tử của nó), báo nói (phát thanh), và báo hình (truyền hình). Cách làm báo truyền thống ở đây được hiểu như là sự đặc quyền trong việc truyền tải thông tin đến người tiếp nhận, rất ít có cạnh tranh và rất chậm trong độ tương tác với người đọc, người nghe, người xem. Cái "truyền thống" ấy, cả về những loại hình lẫn cung cách vận hành báo chí quen thuộc, đã bị rơi vào một cơn địa chấn, đã khủng hoảng thực sự khi internet và truyền thông mạng xã hội xuất hiện. Nói cho đúng, như cách mô tả với không ít giễu cợt lẫn cay đắng chân thành của tác giả, thì mạng xã hội chẳng cần hùng hổ tấn công báo chí. Nó chỉ làm việc mà nó sinh ra để làm, vậy thôi.
Nhưng sự lan tỏa thần tốc của nó, cái thành công diệu kỳ trong việc chiếm lĩnh không gian truyền thông của nó đã khiến cho phần lớn giới báo chí, nhất là báo online, bị sốc, ngợp, choáng, và rồi chạy theo nó như những con thiêu thân bị hút vào quầng sáng đầy ma mỵ của chỉ số GA (Google Analystic). Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh đã bắt bệnh và gọi đó là sự "vong thân và trượt dài đến bờ vực suy đồi" của báo chí; là "bán linh hồn cho mạng xã hội"; là "bám váy hot trend"; là "sự úa tàn của chữ nghĩa"; là sự mất giá của nội dung thông tin giàu chất lượng đồng thời với sự lên ngôi của những thủ thuật tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO: Search Engine Optimization); là những tòa soạn thậm chí toàn nhân viên SEO và Social chứ không có lấy nổi một phóng viên.
Một bức tranh quá ảm đạm, vì nó quá thật, về tình thế của báo chí Việt Nam đương đại. Tuy nhiên ảm đạm không có nghĩa là tuyệt mù sinh lộ. Ở các phần tiếp theo: "Cận cảnh và soi chiếu", "Nghề và nghiệp", "Chìa khóa mang tên khác biệt", và "Bầu trời trước mặt, con đường dưới chân", tác giả đã chỉ ra và luận chứng một cách khá thuyết phục về "con đường sáng/ sống" của báo chí trong cơn bĩ cực này.
Nói gọn, là quay trở lại với giá trị cốt lõi của báo chí, cái mà nhờ nó báo chí mới có lý do để xuất hiện và tồn tại trong đời sống loài người: Nội dung thông tin, chứ không phải nền tảng truyền thông. Nội dung là vua (Content is King). Nhưng đây hoàn toàn không phải là sự quay trở lại một cách cơ học, dập khuôn theo mẫu cũ, vì như thế đồng nghĩa với thói bảo thủ, là đặt chân vào tử địa theo kiểu khác. Mà là quay trở lại bằng cách biết đứng, và đứng vững, trên vai những người khổng lồ (Google, Facebook...), coi đó như những nguồn khai thác thông tin đầy phong nhiêu để có thể tái sử dụng cho mục đích công việc của mình. Mặt khác, theo tác giả, báo chí cũng cần quan niệm lại và quan niệm khác đi, về giá trị của thông tin và việc truyền tải thông tin: "Bán góc nhìn và quan điểm thay vì bán tin tức".
Điều này hoàn toàn có cơ sở thực tế, vì nếu chỉ chăm chăm chạy theo tin sốt dẻo, báo chí đã thua mạng xã hội ngay từ vạch xuất phát, bởi nó lấy sở đoản của mình ra đấu với sở trường của đối phương. Nhưng nếu: "Trong bối cảnh tốc độ viral (lan truyền) tin tức chóng mặt như hiện nay, việc tiếp cận đề tài chậm lại để làm sâu hơn, giá trị hơn và khác biệt hơn so với những tin tức trên mạng sẽ là một ưu thế vượt trội của tạp chí". Trong câu vừa trích dẫn, những từ "chậm lại", "làm sâu hơn", "giá trị hơn", "khác biệt hơn" quy chiếu trực tiếp đến từ "tạp chí". Tạp chí ở đây được tác giả quan niệm không chỉ như một hình thức xuất bản có ít nhiều khác biệt so với báo - thiết lập thành tổ hợp mà ta quen gọi là "báo chí" - mà chủ yếu, nó là một phẩm tính của báo chí, và là phẩm tính đặc biệt cần thiết cho sự tìm kiếm sinh lộ của báo chí lúc này.
"Tạp chí hóa báo chí", cụm từ này vang lên nhiều lần trong cuốn sách, nó thấm đẫm niềm tin của tác giả vào giải pháp cho sự trỗi dậy và tái khẳng định vai trò dẫn đạo, định hướng của báo chí trong không gian truyền thông hiện đại. Với giải pháp "Tạp chí hóa báo chí", thay vào những sự kiện rời rạc sẽ là những vấn đề nằm ở bề sâu, quan thiết đến nhiều mặt của đời sống xã hội; thay vào những nhân vật ngẫu nhiên sẽ là những số phận con người khiến công chúng phải xúc động và tỉnh thức; thay vào những tin tức (news) khô khan sẽ là câu chuyện (story) đầy hấp dẫn; thay vào phản ánh sẽ là sự sáng tạo. Tất cả những điều đó sẽ tạo nên sức mạnh mới cho báo chí, thứ sức mạnh mà truyền thông mạng xã hội ít có cơ chạm đến.
(Xin được mở ngoặc đơn để nói cụ thể hơn về vài ý mà tập tiểu luận của nhà báo Nguyễn Tiến Thanh khiến người viết bài này nghĩ đến. Tác giả chủ yếu đề cập báo in và báo online, nhưng xét ra, với hai loại hình báo chí khác, là radio và television thì câu chuyện cũng chẳng khác là bao. Năm, sáu bản tin thời sự trong ngày quả thực là một cố gắng rất lớn của các nhà đài trong việc update tin tức. Nhưng trừ những tin nghị trường, những tin chính trị/ kinh tế "mật" mà chỉ những cơ quan báo, đài lớn mới có đặc quyền tiếp cận, còn lại thì đều ở trong tình trạng "hạ nhiệt" khi lên sóng, vì mạng xã hội chắc chắn nhanh chân hơn họ nhiều.
Cho nên, việc "bán tin tức" bằng hình thức các bản tin thời sự trên đài, thiết nghĩ, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp. Còn về việc "bán góc nhìn và quan điểm" thì câu hỏi thật sự cần đặt ra phải là: Góc nhìn và quan điểm nào? Góc nhìn và quan điểm của bổn báo, đương nhiên rồi. Nhưng đó là cái mà người bên ngoài có thể nhìn vào, còn với người bên trong, nó chủ yếu là góc nhìn và quan điểm của người thực hiện, tức phóng viên.
Sự "khác biệt hơn", "giá trị hơn" của tin tức được khai thác phụ thuộc rất nhiều vào tầm bản lĩnh, chính kiến, cá tính và độ "quái" của phóng viên. Những phẩm chất này của người phóng viên xử lý tin tức không phải lúc nào cũng được vỗ tay khen ngợi: Rất nhiều khi nó phải chịu sự cọ xát với tâm lý cầu toàn, cầu an của đủ các cấp kiểm duyệt trong tòa soạn. Cọ mãi xát mãi, rốt cuộc là anh ta sẽ trở thành một củ khoai tây giống như mọi củ khoai tây hiền lành khác trong một bao tải khoai tây, vậy thì còn đâu là "khác biệt hơn", "giá trị hơn"?).
Những luận điểm của nhà báo Nguyễn Tiến Thanh trong tập tiểu luận "Thời của tạp chí" luôn được đưa ra và được bảo vệ bằng chính những quan sát và trải nghiệm của một người trong cuộc, với ba mươi năm đủ cả vinh thăng lẫn bầm dập cùng nghề báo. Ở một phía khác, những luận điểm ấy càng có sức thuyết phục hơn khi chúng được tác giả tham chiếu từ đời sống thực tế của báo chí nước ngoài, từ những thành bại và chuyển đổi của BBC, The New York Times, The Wall Street Journal, USA Today, The Economist, Forbes, Fortune...
Nghĩa là, đây không phải những tâm sự thủ thỉ về vui buồn nghề nghiệp của một người làm báo trong thời điểm báo - mạng ngổn ngang lắm nỗi, mà đây là những nghiên cứu về báo chí mang tính ý hướng mạnh, cho dẫu nó không khoác bộ áo hàn lâm trường ốc, cho dẫu bản thân tác giả cũng khiêm tốn chỉ gọi nó là "những suy nghiệm của riêng tôi".
Vượt lên trên tất cả những điều ấy, tập tiểu luận của Nguyễn Tiến Thanh ít ra cũng mang lại cho nhiều đồng nghiệp một niềm tin vào tương lai dài hạn của báo chí, một niềm lạc quan cẩn trọng như sự hình dung về mình của chính tác giả: "Một người lữ hành trên chặng đường hướng tới mục tiêu phát triển, trước mặt là bầu trời rộng mở, dưới chân là con đường thênh thang, luôn nhìn lên bầu trời để kiếm tìm cảm hứng, khát vọng, nhưng cũng không quên nhìn xuống con đường để tránh những cạm bẫy và vấp ngã".
Hoài NamXem thêm: /173846-ihc-oab-auc-ol-hniS/ed-neyuhC/nv.moc.dnac.tcgtna