Tại phần Quốc gia tự đánh giá trong cuộc khảo sát của Liên Hợp Quốc về các Mục tiêu Phát triển bền vững, Triều Tiên cho biết sản lượng lương thực của họ giảm xuống mức thấp kỷ lục do thiên tai, thiếu nguyên liệu canh tác và mức độ cơ giới hóa thấp. Đây dường như là lần đầu tiên Triều Tiên công khai báo cáo này.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng đổ lỗi rằng các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tác động nghiêm trọng nên tình hình kinh tế của quốc gia này. Triều Tiên đang chịu các lệnh trừng phạt về các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của mình.
"Chúng là những trở ngại chính với nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững của đất nước", báo cáo cho biết.
Báo cáo về tình trạng thiếu lương thực của Triều Tiên được công bố không lâu sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un xuất hiện trên truyền thông Triều Tiên và nhắc tới tình trạng thiếu lương thực của nước này. Hàng năm, sản lượng lương thực dự trữ của Triều Tiên thường xuống mức rất thấp trong thời gian này khi phần lớn vụ mùa mới chưa được thu hoạch.
Theo các chuyên gia, tình trạng thiếu lương thực ở Triều Tiên trở nên nghiêm trọng khi thiên tai liên tiếp quét sạch mùa màng vào năm 2020. Bên cạnh đó, quyết định đóng cửa biên giới để ngăn chặn nguy cơ lây lan Covid-19 càng gây áp lực lên các hoạt động thương mại ít ỏi không bị trừng phạt của Triều Tiên.
Trong bối cảnh tình trạng khủng hoảng lương thực đang diễn ra trầm trọng, truyền thông Triều Tiên cũng khiến cả thế giới bất ngờ khi trực tiếp đề cập tới trình trạng sức khỏe của ông Kim Jong Un vài tuần trước. Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên xuất hiện với hình ảnh hốc hác hơn không chỉ thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế mà cũng được người dân Triều Tiên để ý.
Là một phần của phóng sự với được phát sóng trên tuyền hình quốc gia, một người giấu tên nói rằng người dân Triều Tiên "đã rơi lệ" khi nhìn thấy hình ảnh tiều tụy của nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, hình ảnh của ông Kim Jong Un cũng được làm bật lên trong vai trò một nhà lãnh đạo nỗ lực hết mình để tìm cách vực dậy nền kinh tế Triều Tiên.