Thanh khoản bó hẹp, tiền đứng ngoài thị trường
Tiếp tục một phiên đỏ lửa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Các chỉ số diễn biến tích cực ít phút đầu phiên, sau đó hầu hết quay đầu đi xuống. VN-Index khép lại phiên giao dịch sáng nay với mức giảm sâu 20,8 điểm, tương ứng 1,6%, còn 1.276,74 điểm.
Trong khi đó, thiệt hại tại VN30-Index đã là 30,34 điểm tương ứng 2,11% đẩy chỉ số này lùi về 1.410,53 điểm.
HNX-Index duy trì trạng thái tăng trong phần lớn phiên sáng nhưng hiện cũng đã giảm 1,44 điểm, tương ứng 0,48% còn 295,26 điểm. UPCoM-Index giảm 0,97 điểm, tương ứng 1,13% còn 84,39 điểm.
Lãi tích lũy của nhà đầu tư trong nhiều tháng đã bị "cuốn trôi" chỉ trong hơn 1 tuần qua (Ảnh minh họa: IT).
Nguồn tiền tiếp tục là điểm yếu của thị trường. Cả phiên sáng, tổng giá trị tiền đổ vào giải ngân mua cổ phiếu trên sàn HSX chỉ đạt 10.359,03 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt 327,32 triệu đơn vị.
HNX có 49,15 triệu cổ phiếu tương ứng 1.011,67 tỷ đồng và UPCoM có 22,24 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 393,7 tỷ đồng. Tính ra, tổng nguồn tiền vào thị trường trong sáng nay chưa tới 12.000 tỷ đồng, một con số rất khiêm tốn so với các phiên trước đây.
Quan sát đồ thị VN-Index thấy rằng, trong quá trình suy giảm của chỉ số có những nhịp hồi nhẹ, tuy nhiên, lực cầu không đủ mạnh, dòng tiền không sẵn sàng nhập cuộc để bắt đáy, theo đó, VN-Index lại tiếp tục quay đầu giảm sâu hơn.
Con số thống kê cho thấy, có đến 425 mã giảm giá trong phiên sáng nay, 20 mã giảm sàn so với 288 mã tăng, 20 mã tăng trần.
Phần lớn rổ VN30 giảm giá, chỉ một số mã đạt mức tăng nhẹ là VRE, VNM, PDR, GAS và VHM. Trong khi đó, MWG giảm 5,1%; TCB giảm 4,3%; MBB giảm 3,9%; HDB giảm 3,7%; TPB giảm 3,7%; VPB giảm 3,7%; STB giảm 3,5%; VCB giảm 3,1%; SSI giảm 2,9%; BVH giảm 2,4%; PNJ giảm 2,4%; TCH giảm 1,8%; BID giảm 1,7%.
Có thể thấy, trong nhịp này, dòng cổ phiếu ngân hàng bị bán rất mạnh và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường chung.
Vừa mới gia nhập thị trường đã "choáng váng" vì thua lỗ
Chưa tính phiên sáng nay, so thời điểm đóng cửa phiên giao dịch hôm qua (13/7) với phiên 2/7 thì VN-Index đã giảm tổng cộng 122,73 điểm. Có thời điểm chỉ số này lùi về 1.271 điểm, tương ứng với mức giảm gần 150 điểm.
Vốn hóa thị trường sàn HSX trong khoảng thời gian này cũng "bốc hơi" tới 459.677 tỷ đồng. Thị trường giảm mạnh sau khi hệ thống mới của HSX đưa vào vận hành.
Hiện tượng nghẽn lệnh về cơ bản đã được khắc phục. Tuy nhiên, sóng gió của áp lực bán lại mang đến trải nghiệm rất tồi tệ cho nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường (F0).
Theo số liệu của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 6 vừa qua, có tới 140.054 tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân, ngưỡng cao kỷ lục. Tính chung 6 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 619.911 tài khoản, tăng 58% so với số lượng của cả năm 2020.
Nói cách khác, những nhà đầu tư vừa mới gia nhập thị trường (hoặc có ý định gia nhập) đã chứng kiến đợt giảm cực mạnh, trong số đó, không ít người "đu đỉnh" và bị thiệt hại rất nặng.
Đáng chú ý, cú lao dốc mất 56 điểm của VN-Index và VN30-Index giảm 60 điểm trong phiên 6/7 chỉ diễn ra chủ yếu ở đợt giao dịch xác định giá đóng cửa (ATC) mà không có sự tác động đáng kể nào về mặt thông tin. Điều này khiến tâm lý nhà đầu tư hoang mang tột độ.
Đến phiên 12/7, một lần nữa thị trường khiến nhà đầu tư "tái mặt" khi có phiên giảm sâu, có lúc mất 76 điểm - mức thiệt hại về giá trị tuyệt đối của VN-Index chưa từng có tiền lệ trong lịch sử thành lập thị trường.
Sự điều chỉnh này đã lấy đi toàn bộ thành quả lãi tích lũy được của các nhà đầu tư giao dịch trong nhiều tháng ròng, và tệ hơn là đã bẻ gãy xu hướng tăng ngắn hạn, đe dọa xu hướng tăng giá trung hạn của VN30-Index cũng như VN-Index.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.21011015141701202-ioh-cob-gnod-yt-000005-nag-naut-tous-aul-od-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.vtv