Tại hầu hết các hệ thống cửa hàng tiện lợi Satra, Vinmart, Bách Hóa Xanh, Co.op Food; cửa hàng Vissan... ở khu vực quận Gò Vấp (TPHCM) khách xếp hàng dài chờ vào trong mua hàng. Nhưng khi vào đến bên trong thì các quầy thịt, thủy hải sản, rau củ... đều hết hàng.
Sáng 14/7, cửa hàng Vinmart Phạm Huy Thông, quận Gò Vấp đã Không còn rau củ để khách mua. |
Đại diện siêu thị AEON Việt Nam cho biết trong ngày 14/7, hai siêu thị Aeon tại TPHCM ghi nhận lượng khách hàng tăng đột biến, từ 150% - 200% so với ngày hôm qua. Khách hàng chủ yếu mua các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt, trứng, rau củ; thực phẩm khô và các sản phẩm đông lạnh. Đối với một số sản phẩm thực phẩm như các mặt hàng thịt và trứng do sức mua tăng đột biến nên trưa 14/7 ghi nhận tình trạng hết hàng cục bộ tại siêu thị. Tuy nhiên, đến buổi chiều siêu thị đã có thể bổ sung thêm các mặt hàng này lên quầy kệ để cung ứng cho người dân.
Chiều 14/7, khách xếp hàng tại cửa hàng Vissan Lê Thị Hồng, quận Gò Vấp để mua hàng. |
Tổng Cục QLTT đánh giá, trong buổi sáng 14/7, tại thị trường TPHCM có rất đông người dân đến nhận phiếu hẹn mua hàng hoặc xếp hàng chờ vào siêu thị. Đã có hiện tượng mua hàng số lượng nhiều, nhất là trứng từ siêu thị rồi đưa ra ngoài bán lại.
Nhiều người tiêu dùng phản ánh mua trứng gà ở khu vực quận Phú Nhuận (TP HCM) với giá tăng cao, từ 50.000 – 55.000 đồng/vỉ 10 trứng; khu vực quận Gò Vấp 41.000 đồng/vỉ 10 trứng. Trong khi các doanh nghiệp bình ổn thị trường khẳng định không tăng giá trứng: trứng gà 26.000 đồng/vỉ 10 trứng, trứng vịt 31.000 đồng/vỉ 10 trứng.
Mặc dù giá trứng gà tăng cao gần gấp đôi nhưng nhiều người dân buộc phải mua vì hầu hết các cửa hàng tiện lợi đều không về hàng kịp để cung ứng đủ nhu cầu khách mua trong ngày. Còn các siêu thị đang hạn chế mỗi khách chỉ được mua tối đa 2 - 3 vỉ trứng để tránh tình trạng mua gom trứng bán kiếm lời dẫn tới tình trạng thiếu hàng cục bộ, khách vào sau không mua được hàng.
Nhiều quầy kệ hết hàng |
Cùng ngày, Cục QLTT TPHCM đã có công văn hỏa tốc về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại và vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch.
Theo đó, trong những ngày qua phát sinh tình trạng một số cá nhân mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, hoặc mua hàng nông sản của thương lái các tỉnh, mua lại tiểu thương của chợ đầu mối sau đó bán tại lề đường, đầu hẻm, gần chợ truyền thống, khu dân cư với giá cao làm ảnh hưởng đến thị trường, giá cả trên địa bàn Thành phố, gây bức xúc trong nhân dân và vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch…
Để ngăn chặn các hành vi trên và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định, Cục QLTT yêu cầu các Đội QLTT chủ động và phối hợp lực lượng chức năng ngăn chặn và xử lý các hành vi nêu trên.
Đồng thời, các Đội QLTT phải thông tin, niêm yết số điện thoại đường dây nóng của Cục QLTT TP.HCM (1900888655) tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và một số điểm công cộng để kịp thời tiếp nhận thông tin, xử lý theo quy định.
Song song đó, các đội QLTT chủ động phối hợp với chính quyền và các lực lượng chức năng tuyên truyền để người dân không hoang mang, không mua hàng tích trữ; vận động doanh nghiệp và người buôn bán không tăng giá bất hợp lý.
Nguyễn Cẩm
Xem thêm: lmth.7510441a-art-meik-cot-gnat-gnourt-iht-yl-nauq-gnurt-cuhc-gnod-000-05/nv.moc.enilnounuhp.www