- Người đầu tiên mắc COVID-19 tại Ấn Độ tái nhiễm sau 17 tháng
- Số ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh ở Cần Thơ
- Đắk Lắk – Đắk Nông ghi nhận thêm ca mắc COVID-19
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 7 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức chiều 15/7, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết trải qua 7 ngày thực hiện giãn cách xã hội, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn các thiếu sót. Đó là công tác xét nghiệm còn tập trung đông người, trả kết quả còn chậm, việc chuyển F0 đi cách ly và thành lập tổ xét nghiệm ở các quận, huyện còn chậm. Tại các khu phong tỏa còn diễn ra sự giao lưu. Ban chỉ đạo phòng chống dịch còn nhiều lúng túng, các hướng dẫn còn điều chỉnh liên tục gây khó khăn trong việc thực hiện. Các quận, huyện thực hiện cứng nhắc các quy định, gây bức xúc trong xã hội.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị sơ kết 7 ngày thực nhiện Chỉ thị 16. |
Theo ông Phong, có khoảng 38% số ca nhiễm tại các khu phong tỏa và khu cách ly là do lây nhiễm chéo. Do đó, ông Phong yêu cầu các đơn vị, cá nhân cần tập trung siết chặt, không để lây nhiễm chéo tại khu cách ly. Phát huy vai trò của Tổ COVID-19 cộng đồng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định nơi phong tỏa.
Trong thời gian còn lại của việc giãn cách xã hội, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị chức năng phải đặt mục tiêu tách nhanh nhất F0 ra khỏi cộng đồng, rút ngắn thời gian đưa F0 đi cách ly, chữa trị; cung cấp các đường dây nóng để người dân thông báo khi có ca bệnh cần đến bệnh viện…
Chỉ đạo tại cuộc họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng đến nay thành phố đã cơ bản ngăn chặn được những nguồn lây dịch trước đây, giảm phát tán mầm bệnh ở cộng đồng. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch nhiều nơi còn lúng túng, quá tầm kiểm soát.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nhưng không được gây bức xúc cho nhân dân. |
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh yêu cầu lực lượng chức năng cần nghiên cứu triển khai nhanh biện pháp của Bộ Y tế trong phân loại F0, F1 để cách ly, điều trị tại nhà. Đồng thời, cần linh động, khéo léo trong mọi tình huống liên quan đến đời sống người dân; phải giải quyết thấu đáo, lắng nghe người dân; vận động để người dân hiểu vấn đề quan trọng hàng đầu là đảm bảo việc giãn cách xã hội; hạn chế tối đa các trường hợp gây bức xúc trong nhân dân. “An dân là rất quan trọng, vì người dân đang gặp sức ép lớn khi giãn cách xã hội, thành phố phải kịp thời hỗ trợ các trường hợp khó khăn. Những quy định cần rõ ràng để người dân không lúng túng khi thực hiện, gây bức xúc”, ông Nguyễn Văn Nên chỉ đạo.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá những nỗ lực rất lớn của thành phố. Tuy nhiên vẫn còn những khiếm khuyết như tập trung đông người, số ca mắc vẫn còn tăng, nếu chưa kéo giảm được thì vẫn phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng thành phố xem xét kéo dài giãn cách thêm 1 tuần lễ nữa, quyết liệt để giải quyết dứt điểm. |
Theo báo cáo, số ca F0 không có biểu hiện trên 80%, số bệnh nặng trên 1.000 người. Với số ca tăng như hiện nay, theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, một tuần lễ nữa nếu như ca mắc vẫn còn tăng thì khó lòng chấm dứt Chỉ thị 16 trên địa bàn thành phố. Do đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng nếu như không kéo giảm được thì xem xét kéo dài giãn cách thêm 1 tuần lễ nữa, quyết liệt để giải quyết dứt điểm.
“Từ nay đến khi chấm chứt thời hạn thực hiện Chỉ thị 16, các cơ quan của TP Hồ Chí Minh tập trung đánh giá kỹ để có quyết sách phù hợp. Nếu có 50.000 F0, chúng ta có thực hiện mãi như thế này được không? Chúng ta phải tính chiến lược này", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo thành phố cần tính phương án cách ly, theo dõi sát ca bệnh ở các địa phương, nhất là các phường, xã. Đồng thời, cần đánh giá việc cách ly tại nhà trong sự giám sát của cộng đồng, ý thức của gia đình, ý thức của người bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường khả năng và năng lực của các bệnh viện tuyến huyện để điều trị những ca bệnh nhẹ.