Hệ thống giường điều trị cho các bệnh nhân nặng cần hồi sức đã và đang được chuyển tới trung tâm nhanh chóng - Ảnh: AN MỸ
Ngày 15-7, đội ngũ y bác sĩ tất bật hoàn tất để đưa vào hoạt động 30 giường hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện hồi sức cấp cứu 1.000 giường đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức) dành cho bệnh nhân COVID-19 cần phải đặt ECMO, hoặc thở máy, lọc máu…
Tất cả công tác đều được thực hiện khẩn trương để kịp tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy kịch chuyển đến.
Trước đó, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 và lượng bệnh nhân nặng tại TP.HCM ngày một tăng cao, ngày 14-7, Bệnh viện hồi sức cấp cứu 1.000 giường đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 được thành lập và đi vào hoạt động, chỉ sau vài ngày được Bộ Xây dựng thẩm định cho phép sử dụng khu vực điều trị nội trú.
PGS.TS Tăng Chí Thượng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - cho biết điểm thuận lợi nhất của bệnh viện chính là cơ sở hạ tầng sẵn có với cấu trúc hạ tầng hiện đại có thể hỗ trợ hô hấp một lúc đến 1.000 bệnh nhân (thở oxy, thở máy không xâm lấn, thở máy xâm lấn).
Tất cả giường bệnh đều có hệ thống oxy trung tâm và hút trung tâm, trong đó có 100 giường chăm sóc đặc biệt có hệ thống khí nén trung tâm bên cạnh oxy và hút trung tâm.
Bác sĩ Trần Thanh Linh, phó khoa hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy), chia sẻ trước khi lên đường chi viện: "Đây là trận đánh lớn nhất và chúng tôi cũng hy vọng sẽ là trận đánh cuối cùng để chúng ta đẩy lùi COVID-19" - Video: N.H.
Theo kế hoạch, sẽ có 15 đơn vị với 1.362 nhân viên y tế (chuyên về hồi sức) huy động chi viện cấp cứu bệnh nhân nặng và nguy kịch. Trong đó có 570 nhân sự huy động từ các bệnh viện trung ương và của các địa phương; 792 nhân sự từ 8 bệnh viện của TP.HCM.
Bên cạnh lực lượng nòng cốt từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Nhân dân 115, ĐH Y dược... còn có lực lượng y tế của các tỉnh Thanh Hóa (50 người), Hải Phòng (100 người) và Bệnh viện 74 trung ương Vĩnh Phúc (30 người).
Trong số những nhân viên y tế chi viện lần này, có bác sĩ Trần Thanh Linh - phó khoa hồi sức cấp (Bệnh viện Chợ Rẫy), người từng trực tiếp điều trị cho "bệnh nhân 91" (phi công người Anh), và được điều động chi viện điều trị nhiều điểm nóng Đà Nẵng, Bắc Giang.
Một số hình ảnh công tác chuẩn bị bên trong bệnh viện hồi sức 1.000 giường này.
Đợt này Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện 53 thành viên, trong đó có 25 bác sĩ và 28 điều dưỡng có chuyên môn và kinh nghiệm qua các đợt chi viện chống dịch trước đó tại miền Trung và miền Bắc - Ảnh: AN MỸ
Vật tư thuốc men, các dụng cụ bảo hộ được chuyển vào bệnh viện - Ảnh: AN MỸ
Ngay trong đêm 14-7, lực lượng nhân viên y tế khẩn trương sắp xếp các hệ thống giường, tủ và các trang thiết bị hỗ trợ hồi sức cho người bệnh - Ảnh: AN MỸ
Không chỉ duy nhất nhiệm vụ chăm sóc người bệnh, các nhân viên y tế chi viện mỗi người một tay lao vào công tác chuẩn bị với mục tiêu có thể tiếp nhận bệnh nhân nhanh nhất - Ảnh: AN MỸ
Sẽ có lần lượt gần 1.400 nhân viên y tế đến từ 15 đơn vị trên khắp cả nước chi viện điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, nguy kịch tại bệnh viện hồi sức 1.000 giường. Các lực lượng sẽ do Sở Y tế TP.HCM điều phối tùy vào tình hình thực tế tại bệnh viện - Ảnh: AN MỸ
Với nhiệm vụ phụ trách 300 giường hồi sức nặng và 30 giường hồi sức nguy kịch, đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ là lực lượng chủ lực ở đây, kết hợp với đồng ngiệp đến từ 14 đơn vị khác khắp cả nước - Ảnh: AN MỸ
Nhóm y bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện cho bệnh viện hồi sức 1.000 giường - Ảnh: AN MỸ
Nhân viên y tế đang thiết lập hệ thống ICU (hồi sức) cho bệnh nhân nặng và nguy kịch - Ảnh: AN MỸ
Khu giường bệnh khá thông thoáng. Tất cả giường bệnh đều có hệ thống oxy trung tâm và hút trung tâm, trong đó có 100 giường chăm sóc đặc biệt có hệ thống khí nén trung tâm bên cạnh oxy và hút trung tâm - Ảnh: AN MỸ
TP.HCM vượt ngưỡng 19.000 ca mắc COVID-19
Tính đến 12h ngày 15-7, TP.HCM ghi nhận 19.405 ca mắc COVID-19. Số ca mắc mới vẫn tăng duy trì ở mức 4 con số, đặc biệt số ca chưa xác định nguồn lây cũng không có dấu hiệu dừng lại.
Đến nay, TP.HCM đã thiết lập khoảng 24 bệnh viện với tổng số trên 45.000 giường để tiếp nhận điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Ngoài lực lượng tại chỗ còn có sự chi viện của lực lượng y tế các tỉnh, thành và trung ương hỗ trợ, đến nay gần 5.000 người.
TTO - Sở Y tế TP.HCM kêu gọi toàn ngành cùng tham gia công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, sẵn sàng kích hoạt trong vòng 24 giờ kể từ khi có chỉ đạo của ban giám đốc.
Xem thêm: mth.29535709051701202-gnan-91-divoc-nahn-hneb-irt-ueid-gnouig-000-1-neiv-hneb-hnac-nac/nv.ertiout