“Trạm Y tế phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM chỉ có 7 nữ 2 nam nhưng phải đảm đương rất nhiều việc kể từ khi đợt dịch bệnh COVID-19 thứ 4 ập tới” – điều dưỡng Thái Thị Thảo, Trạm Y tế phường Bình Hưng Hòa B, chia sẻ.
Theo chị Thảo, khi nhận thông tin có ca bệnh COVID-19 trên địa bàn phường do các nơi báo về, trạm y tế phối hợp chính quyền địa phương tới khu vực ca bệnh sinh sống để phong tỏa. Nhân viên trạm tỏa các nơi truy vết những trường hợp tiếp xúc ca bệnh. Sau đó tham gia cùng Trung tâm Y tế quận Bình Tân tổ chức lấy mẫu người dân trong khu vực phong tỏa để xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Ông Nguyễn Văn Thức (thứ 2 từ trái) cùng nhóm bạn tặng Trạm Y tế phường Bình Hưng Hòa B số tiền 40 triệu đồng. Ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG
Nghe qua tưởng chừng đơn giản nhưng đi vào thực tế mới thấy sự vất vả của nhân viên trạm y tế. Trong quá trình truy vết, không ít ca bệnh COVID-19 khai báo thiếu đầy đủ diễn tiến sự việc hoặc giấu diếm, khi đó nhân viên y tế của trạm phải khéo léo gợi chuyện người thân ca bệnh hoặc những người chung quanh để khai thác thêm thông tin.
“Không ít trường hợp tiếp xúc gần khai báo quanh co vì sợ đưa đi cách ly tập trung. Khi đó, nhân viên y tế của trạm phải vào vai “nhà tâm lý”, gọi điện tỉ tê trò chuyện để khai thác thêm thông tin. Sau khi thuyết phục được trường hợp xúc gần cung cấp những nội dung cần thiết, điện thoại của nhân viên y tế cũng ò e vì tài khoản hết tiền” – chị Thảo kể.
BS Vũ Thị Thúy Hiền, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Bình Hưng Hòa B tiếp lời: “Truy vết các trường hợp tiếp xúc ca bệnh COVID-19 đã vất vả, nhân viên y tế của trạm khi tham gia lấy mẫu xét nghiệm còn vất vả hơn. Khoác lên mình đồ hộ bảo hộ kín mít đứng suốt cả tiếng để lấy mẫu, đôi lúc chúng tôi muốn ngã khụyu vì quá mỏi mệt và đuối sức. Do người dân đông, nhiều lúc hoàn tất lấy mẫu và chuyển mẫu tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM để xét nghiệm thì gà đã gáy canh tư”.
Cả thảy 7 nhân viên y tế nữ đều đã có con, do không chắc không bị nhiễm bệnh nên các chị đều ở lại trạm y tế suốt tuần, gửi con cho người nhà chăm sóc. “Thỉnh thoảng chị em có tạt qua nhà gửi ít thức ăn và nhìn con cho đỡ nhớ. Nói nhìn con là bởi chị em không dám vô nhà ôm con hun hít, sợ chẳng may lây bệnh” – BS Hiền ngậm ngùi.
Nhiều người ở trạm cũng khó khăn lắm, chẳng hạn chị Thảo một nách 2 con đang tuổi ăn tuổi học nên chi phí tốn kém. Khi chưa có dịch COVID-19, chị làm thêm ngoài giờ như truyền dịch, tiêm thuốc, thay băng… để có thêm thu nhập lo cho 2 con. Giờ chuyện làm thêm phải gác lại, tập trung chống dịch nên chị mất khoản thu nhập ngoài giờ, cuộc sống thêm eo hẹp.
“Điều dưỡng Nguyễn Đình Hải cũng vậy, do vợ chưa thể đi làm nên phải quán xuyến mọi chi tiêu trong nhà, lại phải chăm lo cha mẹ lớn tuổi bằng đồng lương khiêm tốn. Đang thời điểm ca bệnh COVID-19 gia tăng, anh Hải muốn làm thêm ngoài giờ cũng không được vì “đầu tắt mặt tối” chống dịch... Càng kể, càng xót nhiều hoàn cảnh anh chị em trong trạm” – BS Hiền trải lòng.
Chia sẻ khó khăn với nhân viên Trạm Y tế phường Bình Hưng Hòa B, ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Sáu Thơm (Bình Tân, TP.HCM) cùng nhóm bạn đã hỗ trợ 40 triệu đồng để các nhân viên trạm trang trải cuộc sống hàng ngày và mua thêm những vật dụng cần thiết trong hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.
Hỗ trợ gia đình chính sách khó khăn 13 triệu đồng Sáng 17-7, ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Sáu Thơm, đã chuyển tới Công đoàn Báo Pháp Luật TP.HCM 13 triệu đồng. Số tiền trên dành hỗ trợ những gia đình chính sách gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sĩ (27-7). |