Máy tạo oxy cháy hàng
Khi biết thông tin TP HCM được phê duyệt thí điểm cách ly một số trường hợp F1 và F0 tại nhà, anh Nguyễn Mạnh Khiêm, quận 9, TP Thủ Đức, TP HCM đã lên mạng tìm mua máy tạo oxy y tế để có thể sử dụng khi cần.
Anh Khiêm cho biết anh đặt trên các sàn điện tử thương mại nhưng giá cũng nhảy lên nhanh chóng. Vì gia đình có người già nên anh Khiêm muốn phòng trước dù chưa biết hiệu quả máy như thế nào, có sử dụng được hay không.
Chị Nguyễn Minh Thu – Bình Tân, TP.HCM cũng vội đặt mua một máy tạo oxy trên trang điện tử của Trung Quốc. Vì ở Việt Nam hàng khan hiếm, chị Thu mua từ Trung Quốc để phòng cho người thân. Hiện ba mẹ của chị Thu đều nhiều tuổi, mua máy 5 lít để có khi cần vẫn sử dụng được.
Ảnh minh họa.
Chị Vũ Bảo Thủy – Gò Vấp, TP HCM cho biết chị đang tìm mua máy tạo oxy. Chị lên mạng tìm và gọi tới chục người bán hàng đều được nhân viên bán hàng giới thiệu dòng sản phẩm của hãng của Trung Quốc có giá từ 8 triệu đồng tới 40 triệu đồng tùy dung tích và nồng độ oxy, nhưng phải chờ 1-2 tuần, thậm chí 3 tuần mới có hàng.
Chị Thúy - bán máy tạo oxy tại quận Phú Nhuận, T P HCM cho biết giá máy đang tăng hàng ngày. Công ty chị Thúy tự bỏ tiền ra nhập trực tiếp từ Trung Quốc các dòng máy khác nhau. Tuy nhiên, do tình trạng khan hàng nên không phải có tiền là mua được máy. Chị Thúy chỉ nhận đặt cọc mới giao máy. Mỗi ngày có vài chục người gọi mua máy nhưng cũng chỉ có khoảng 10 máy để bán cho người dân.
Chị Thúy chia sẻ người thân của chị ở Trung Quốc trực tiếp vào nhà máy mua hàng gửi về Việt Nam nên giá cũng rẻ hơn. Máy 3 lít dùng cho gia đình có giá từ 12 – 15 triệu đồng, giá máy 5 lít cao hơn… máy dùng cho các cơ sở y tế khoảng 10 lít cũng rất khan hàng.
Vì nhu cầu sử dụng máy thở rất lớn, hiện nhà máy tại Trung Quốc cũng khan hàng vì các nước khu vực Đông Nam Á cũng cần. Người mua có thể trực tiếp qua cửa hàng test, hướng dẫn và mua hàng. Một số người đặt cọc chờ hàng về. Mặc dù nhận cọc 10 – 20 % nhưng chị Thúy cũng không hứa thời gian cũng như đảm bảo có hàng 100 % mà phụ thuộc vào thị trường.
Chị Thúy cũng thông tin với kinh nghiệm bán hàng của mình, người dân không nên đặt mua máy tạo oxy online vì có thể mua phải hàng kém chất lượng, hàng đã sử dụng, tốt nhất nên mua hàng mới, có mã vạch rõ ràng.
Không cần thiết
Theo PGS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM, người dân không nên làm điều này, bởi "các bệnh nhân mắc Covid-19 cần được điều trị chuyên biệt và không đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế".
Các bệnh viện đảm bảo không thiếu oxy, máy thở trong điều trị Covid-19. Ngành y tế TP HCM cũng đã dự trù các tình huống xấu để không bị động.
Bác sĩ Đặng Thanh Tuấn – Bệnh viện Nhi đồng 1, chuyên gia về máy thở, cũng cho biết việc người dân tự ý đi mua máy tạo oxy là không cần thiết. Bác sĩ Tuấn cho biết đôi khi bác sĩ mới ra trường còn chưa nắm được hết cách dùng máy tạo oxy. BS Tuấn khuyến cáo không nên tự mua dùng, máy tạo oxy phải do bác sĩ cài đặt. "Nếu bị Covid-19 mà tự mua máy tạo oxy và dám thở oxy tại nhà thì tôi khâm phục" – BS Tuấn nói.
Theo BSCK II Nguyễn Trung Cấp – Phó Giám đốc BV Nhiệt đới trung ương, trong y học phân loại ra thành ra máy thở không xâm nhập (CPAP, BiPAP) và máy thở xâm nhập.
Máy thở không xâm nhập CPAP bản chất là cái quạt tạo ra một dòng khí có áp lực dương để hỗ trợ động tác hít vào của bệnh nhân đỡ tốn sức. Tuy vậy áp lực dương này sẽ cản trở động tác thở ra.
Máy thở BiPAP hiện đại hơn, cảm nhận được thời điểm hít vào của bệnh nhân để nâng áp lực hỗ trợ lên cao và cảm nhận thời điểm thở ra của bệnh nhân để hạ áp lực xuống thấp để bệnh nhân thở ra không bị cản trở.
Các máy thở đắt rẻ khác nhau phụ thuộc vào độ tinh vi của phần mềm điều khiển, độ nhanh nhạy chính xác bộ vi xử lý và sensor, độ bền và thương hiệu cùng các phụ kiện kèm theo.
Ngọc Anh
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ