Sáng 19-7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các thành viên Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và những nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong những tháng cuối năm 2021.
Hà Nội đề xuất nhiều nội dung
Tại cuộc làm việc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay sáu tháng đầu năm, Hà Nội đã bước đầu thực hiện được mục tiêu kép, vừa kiểm soát được dịch COVID-19 vừa duy trì sản xuất. Tuy nhiên diễn biến mới của dịch khiến công tác phòng chống dịch, cũng như sản xuất đã gặp khó khăn nhất định.
Cụ thể, bên cạnh ảnh hưởng của dịch bệnh, Hà Nội cũng đối mặt với sự quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống giao thông kết nối liên vùng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển, cũng như vị thế là trung tâm liên kết Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng Sông Hồng, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ…
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng.
Bí thư Hà Nội khẳng định TP luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và xác định rõ trách nhiệm của mình. Trước mắt, Hà Nội quyết tâm kìm chế, kiểm soát dịch bệnh. Cùng với đó, TP cũng xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng phù hợp, nỗ lực để đạt được mức tăng trưởng cao nhất.
“Hà Nội rất mong muốn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, ủng hộ và hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng các Bộ, Ban, ngành Trung ương đối với các kiến nghị, đề xuất của TP. Hỗ trợ TP có thêm nguồn lực, cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để Thủ đô phòng, chống dịch thắng lợi, tạo điều kiện để phát triển nhanh và bền vững, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước” - Bí thư Hà Nội nói.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh thay mặt lãnh đạo TP đề xuất Chính phủ, Thủ tướng và các Bộ, ngành quan tâm, chỉ đạo, thông qua một số nội dung.
Cụ thể, Hà Nội đề nghị tiếp tục ban hành Nghị quyết về phương hướng phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030 sau khi TP tổng kết Nghị quyết 11-NQ/TW.
Cho phép tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP lên mức 42% (bằng giai đoạn 2011-2016) để đảm bảo mặt bằng chi và nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô giai đoạn 2022-2025.
Hỗ trợ TP Hà Nội thực hiện các dự án giao thông trọng điểm thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương với nhu cầu vốn 21.351 tỉ đồng, giúp tăng cường khả năng kết nối, lan tỏa vùng (đã bố trí 5.937 tỉ đồng). Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ xem xét, cân đối 15.600 tỉ đồng cho TP.
UBND TP cũng kiến nghị một số nội dung liên quan đến đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 5 - Vùng Thủ đô; các tuyến đường sắt đô thị; kiến nghị về lĩnh vực Quy hoạch; Bảo tồn tôn tạo phát huy giá trị trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Thành Cổ Loa theo các cam kết của Chính phủ với UNESCO về công tác thống nhất quản lý về di tích và di vật...
Bảo vệ sức khoẻ, tính mạng cho dân là trên hết
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, từ đầu năm 2021 đến nay, mặc dù trong điều kiện rất khó khăn do tác động của dịch COVID-19 nhưng Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực, thành tích rất cơ bản, xứng đáng là Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não về chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
Về phương hướng, nhiệm vụ của Thủ đô trong thời gian sắp tới, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội tập trung thực hiện sáu nội dung chính.
Thứ nhất, Hà Nội cần xác định nhiệm vụ ưu tiên số một là phòng, chống dịch COVID-19, coi bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng người dân là trên hết, không để dịch diễn biến xấu. Nơi nào có ca nhiễm mới phải tập trung tấn công, phong tỏa, cách ly, dập dịch; nơi nào an toàn phải duy trì chặt chẽ các biện pháp phòng thủ gắn với tổ chức sản xuất, kinh doanh.
“Hà Nội phải có kịch bản cao hơn về phòng, chống COVID-19 để chủ động trước; bảo vệ bằng được các khu công nghiệp trên địa bàn; tập trung cứu chữa bệnh nhân nặng, hạn chế tối đa ca tử vong; bảo đảm các dòng cung ứng lương thực, thực phẩm” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Thứ hai, Hà Nội phải đặc biệt coi trọng và phát triển văn hóa xứng tầm với truyền thống Thăng Long nghìn năm văn hiến, tương xứng và hài hòa, hòa quyện với sự phát triển về kinh tế - xã hội gắn với các tiêu chí phát triển bền vững; thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về yêu cầu thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nhất quyết không hy sinh tiến bộ công bằng chỉ để chạy theo tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, Hà Nội phải làm thật tốt nhiệm vụ huy động nguồn lực để phát triển, gồm cả nội lực và ngoại lực, nguồn lực tinh thần và vật chất; từ đó mới có thể thực hiện được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển, giải các bài toán mà thực tiễn đang đặt ra như quá tải hạ tầng.
Thứ tư, Hà Nội phải tiếp tục quan tâm chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội; khẩn trương triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do dịch COVID-19; quan tâm chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần cho người dân trong dịch bệnh.
Thứ năm, Hà Nội phải đẩy mạnh phân cấp, giao quyền cá thể hóa trách nhiệm. Tạo điều kiện cho từng cơ quan, đơn vị chủ động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ; kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm mọi nhiệm vụ, giải pháp được tổ chức thực hiện một cách hiệu quả cao nhất.
Thứ sáu, Hà Nội phải đặc biệt coi trọng và thực hiện thật tốt nhiệm vụ xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thủ tướng cũng đồng ý với các kiến nghị, đề xuất của Hà Nội. Chính phủ sẽ giao cho các bộ cùng TP bàn thêm, trên cơ sở đó làm rõ nội dung gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ phải giải quyết ngay. Nội dung nào thuộc thẩm quyền của các bộ thì các bộ cũng phải giải quyết ngay. Nội dung nào vượt thẩm quyền thì cùng báo cáo một cách thuyết phục với Trung ương, Quốc hội.