Giải thích việc tàu xuất phát tại TP HCM từ 7 giờ sáng nhưng đến 5 giờ chiều mới quay trở về, tại buổi họp báo chiều 19-7, đại diện Sở Công Thương cho biết do lần đầu tiên thử nghiệm hình thức vận chuyển này nên các bên liên quan chưa tính toán hết các tình huống phát sinh.
"Đây là tàu cao tốc chạy tuyến TP HCM - Vũng Tàu, tuyến này có ít tàu nhỏ nên tốc độ chạy rất nhanh. Đến khi chạy tuyến miền Tây, gặp rất nhiều tàu, ghe nhỏ nên buộc phải giảm tốc độ chậm hơn rất nhiều so với yêu cầu vì nếu chạy tốc độ cao sẽ tạo sóng lớn, khả năng gây nguy hiểm cho các tàu nhỏ của người dân. Ngoài ra, công tác logistics cũng chưa được tốt, khi tàu đến cảng ở Tiền Giang thì hàng hoá chưa tập kết đủ để chuyển lên tàu" - đại diện Sở Công Thương nêu lý do.
Theo Sở Công Thương, những trải nghiệm thực tế trong ngày đầu tiên là cơ sở để đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm, làm việc lại với các bên để phối hợp ăn ý hơn. Các tàu phải xuất phát sớm hơn, doanh nghiệp phải tính toán để tập kết hàng hoá tại cảng sớm hơn để bảo đảm tiến độ vận chuyển về đến TP HCM.
"Bước đầu thực hiện, phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường thủy (luồng xanh đường thủy) vẫn còn nhiều nội dung cần bổ sung, điều chỉnh; doanh nghiệp chưa quen với phương thức mới và phải điều chỉnh phương án logistics hiện hữu. Tuy nhiên, đây là một giải pháp bổ sung cần thiết để đảm bảo lưu thông hàng hóa liên tục, thông suốt, không để đứt gãy chuỗi cùng ứng hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành trong mọi tình huống" - đại diện Sở Công Thương cho biết.
Trong ngày đầu tiên, hàng hoá nông sản được bốc dỡ khỏi tàu để đưa đi tiêu thụ tại hệ thống cửa hàng Bách Hoá Xanh
Việc tổ chức vận chuyển hàng hoá thực phẩm thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, vật tư thiết bị y tế… từ các tỉnh miền Tây về TP HCM bằng đường thuỷ được chính thức áp dụng từ ngày 19-7 dưới sự chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP HCM và các tỉnh, thành; sự phối hợp chặt chẽ của Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải các địa phương liên quan.
Theo đó, 5 tàu cao tốc của Công ty TNHH Công Nghệ Xanh DP(Greenline) được huy động để vận chuyển hàng hóa bình quân khoảng 20 tấn hàng hóa/chuyến. Lộ trình thực hiện là đi từ cảng, bến thủy nội địa thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre và Vĩnh Long theo sông Tiền → kênh Chợ Gạo → sông Vàm Cỏ (hoặc theo hướng kênh Nước Mặn → sông Cần Giuộc) → sông Soài Rạp → sông Nhà Bè → Sông Sài Gòn →Bến Bạch Đằng và ngược lại.
Bước đầu Greenline hỗ trợ phương tiện và công tác vận hành, Công ty Xăng dầu Khu vực 2 hỗ trợ toàn bộ nhiên liệu, doanh nghiệp cung ứng chủ động chi phí bốc dỡ hàng hóa. Sau đó, Greenline thoả thuận chi phí hợp lý với tổ chức, cá nhân cần vận chuyển hàng hoá (trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu). Theo tính toán, tổng thời gian vận chuyển từ Bến Tre hoặc Tiền Giang đến TP HCM 4 giờ.