Không ít ý kiến lo ngại khi chợ truyền thống tại TPHCM được mở sẽ xảy ra tình trạng tăng giá hàng hoá do không thuộc diện bình ổn giá.
Lo ngại dễ mua nhưng giá cao
Hôm nay 20.7, TPHCM triển khai kế hoạch mở lại chợ truyền thống đảm bảo vừa phòng dịch vừa giảm tải cho hệ thống phân phối hàng hoá.
Những ngày trước, giá cả tại nhiều chợ truyền thống biến động mạnh, tăng 1,5-2 lần so với trước khi giãn cách. Trong khi đó, giá tại hệ thống siêu thị vẫn cơ bản ổn định.
Anh Nhất Trung (phường 3, quận Bình Thạnh) sau khi ghé 2-3 siêu thị để mua trứng nhưng hết hàng đã phải "cắn răng" chấp nhận mua 3 vỉ trứng với 50.000 đồng/vỉ tại khu vực chợ Bà Chiểu. Anh Trung nói, người bán còn "doạ" không mua nhanh là hết hàng.
Còn chị Mai đến điểm bán gạo tại đường Nguyễn Công Hoan (Phường 7, Phú Nhuận) cũng khó mua được loại gạo vẫn dùng vì hết hàng. "Chủ cửa hàng nói các loại gạo bình dân hết sạch, chỉ còn một số ít hàng cao cấp, giá đắt hơn. Tôi cũng đành chấp nhận mua 1 bao gạo giá 30.000 đồng/kg trong khi trước đó chỉ ăn loại 20.000 đồng/kg", chị Mai kể.
Chính vì thế, khi thông tin chợ truyền thống được mở cửa bán trở lại không ít người bày tỏ vui mừng khi có thể dễ dàng mua đồ hơn nhưng lại nghi ngại giá cả tăng cao.
Giá cao do đầu nguồn cung cấp
Chia sẻ tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng, chống dịch COVID-19, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết thời gian qua Thành phố đã triển khai việc bình ổn thị trường đạt hiệu quả khi giá cả hàng hoá tăng giá đột biến.
Lí giải về việc giá một số mặt hàng tăng cao ở chợ truyền thống, ông Phương cho biết, có thời điểm giá gạo tăng dù gạo không thiếu, mặt hàng trứng gia cầm cũng tăng giá rất cao. Ông Phương đã gọi về các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng hỏi nguồn cung cấp và được cho biết giá cả ở đó đã cao rồi, tức giá cả có sự liên thông do thị trường quyết định khi người dân đổ xô đi mua do thông tin chưa chính xác.
“Việc tăng giá như những ngày vừa qua hoàn toàn không liên quan đến việc đầu cơ, tích trữ mà liên quan đến khó khăn của hệ thống phân phối trong tình hình dịch bệnh, nên hệ thống phân phối trục trặc, các chuỗi chợ truyền thống tạm ngừng hoạt động rất nhiều…”, ông Phương tiếp lời.
Dù khó khăn, hệ thống phân phối và doanh nghiệp bình ổn thị trường vẫn cố gắng giữ giá mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu theo đúng giá bình ổn thị trường, dẫn đến sự chênh lệch giữa giá trong siêu thị và bên ngoài.
Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, hiện nay hệ thống phân phối đã phát triển, tương đối đáp ứng yêu cầu thị trường. Những ngày gần đây, người dân mua sắm bình tĩnh hơn, yên tâm hơn, nhất là trong 2 ngày qua. Tại các hệ thống phân phối hiện đại đã giảm áp lực mua sắm nên có có thời gian điều phối lại các phương án bán hàng trực tiếp, trực tuyến, bán hàng theo gói để giảm thời gian mua sắm.
“Với năng lực cung ứng hàng hoá như vậy, vừa qua, không có tình trạng sốt giá như trước đây” – ông Phương nói.
Ông Nguyễn Nguyên Phương thông tin các hệ thống phân phối hiện tại cố gắng giữ giá cả mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu đúng như đăng kí, nhưng có tình trạng người dân vào hệ thống phân phối mua để ra ngoài bán.
TPHCM sẽ kiên quyết xử lý các trường hợp thu gom hàng hoá, nâng giá. Theo ông Phương, thanh tra sở cùng các phòng chuyên môn đã tổ chức theo dõi, giám sát tình hình cung ứng hàng hóa tại các chuỗi cung ứng hiện đại. Ngày 20.7, Sở sẽ cùng Cục Quản lý thị trường tăng kiểm tra, kiểm soát, xử lý ngay trường hợp lợi dụng chênh lệch giá để gom hàng, nâng giá.
Ông tin rằng, với việc mở lại các chợ truyền thống, đưa hàng hoá về nhiều hơn thì tình trạng giá cả tăng cao sẽ khó xảy ra hơn.
Xem thêm: odl.453239-iol-uht-oc-uad-aig-gnat-iagn-ol-oc-gnoht-neyurt-ohc-ial-om/gnourt-iht/nv.gnodoal