Thời gian gần đây một số ngân hàng bắt đầu có động thái tăng lãi suất huy động tuy nhiên mức tăng không cao và cục bộ, khiến cho dòng tiền nhàn rỗi vẫn có xu hướng chảy mạnh vào chứng khoán, bất động sản, vàng, trái phiếu… và giảm tiền gửi ngân hàng.
Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, từ cuối năm 2019 đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm từ 1,5-2,5%, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng tại một số ngân hàng thậm chí xuống chỉ còn 3,3%/năm. Chính vì lãi suất tiết kiệm xuống thấp trong bối cảnh sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém đã ảnh hưởng đến sức hút tiền gửi dân cư vào ngân hàng.
Số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2021, lượng tiền gửi dân cư đạt hơn 5,26 triệu tỷ đồng, tăng 2,34% so đầu năm, thấp hơn đáng kể so với con số 3,37% và 5,98% của cùng kỳ các năm 2020 và 2019.
Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dòng tiền trong dân cư đang có có xu hướng chuyển dịch giữa các kênh đầu tư. Lãi suất tiết kiệm thấp, cùng nhiều kênh đầu tư lợi suất cao như chứng khoán, bất động sản, trái phiếu đã khiến dòng tiền bị phân tán, nguồn tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng tăng chậm.
"Đặc biệt, uy tín của các tổ chức tín dụng cũng cần quan tâm. Việc một số tổ chức đang gặp khó khăn trong hoạt động, hay Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng cho phép ngân hàng được phá sản đã làm giảm sút lòng tin của nhà khách hàng khi gửi tiền vào các nhà băng", TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, một trong những việc các tổ chức tín dụng cần làm để lôi kéo trở lại dòng tiền nhàn rỗi là điều chỉnh lãi suất tiền gửi.
Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) và Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, việc các ngân hàng thương mại hạn chế cung nguồn tiền đồng vào thời điểm cuối quý II/2021 có thể khiến lãi suất liên ngân hàng nhích tăng trong thời gian tới.
Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng, lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ từ 25-30 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2021 do nhu cầu tín dụng tăng; áp lực lạm phát cao hơn trong nửa cuối năm 2021 và các ngân hàng thương mại cần duy trì mặt bằng lãi suất huy động hấp dẫn. Điều này nhằm tăng huy động vốn trong bối cảnh cạnh tranh cao hơn từ các kênh đầu tư khác đang hút dòng tiền như bất động sản, chứng khoán…
Thời gian qua, lãi suất huy động tại một số ngân hàng đã bắt đầu tăng nhẹ. Chẳng hạn, đầu tháng 6, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,1%/năm tại các kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng lên lần lượt là 5,7-6,3-6,4%/năm.
Trong khi đó, lãi suất tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) tăng từ 0,1-0,3%/năm với các kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 và 24 tháng lần lượt áp dụng là 5,8 và 6,55%/năm. Với kỳ hạn 36 tháng, lãi suất gửi tiền tại quầy là 6,4%/năm và gửi online là 6,6%/năm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.11362201102701202-maig-gnah-nagn-hnek-oav-iug-ior-nahn-neit-gnod/et-hnik/nv.vtv