Mới đây, Bộ Tài chính đã lên tiếng cảnh báo về việc trên thị trường có hiện tượng tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại chào mời, phân phối trái phiếu doanh nghiệp không đúng đối tượng cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Do dó, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) sẽ tăng cường kiểm tra việc cung cấp dịch vụ về trái phiếu của các tổ chức cung cấp dịch vụ để xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm. Cơ quan quản lý yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ trái phiếu không chào mời, đặc biệt với nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp bằng mọi giá.
Chặn cửa này, "lách" cửa khác
Một trong những điểm mới tại Nghị định 153/2020 là chỉ có nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp. Do đó, nếu nhà đầu tư các nhân riêng lẻ muốn tham gia đầu tư vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì buộc phải ủy thác đầu tư thông qua các tổ chức, hoặc trở thành các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Qui định kể trên được đưa ra nhằm hạn chế hạn rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu, đồng thời cũng giúp hạn chế doanh nghiệp lạm dụng phương thức này để huy động vốn.
Tuy nhiên, thực tế việc nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp lại không hề khó khăn đến mức như vậy.
Theo nhân viên tư vấn môi giới trái phiếu doanh nghiệp của một tập đoàn, để mua được trái phiếu doanh nghiệp của doanh nghiệp này thì người mua cần phải chi thêm 2,8 triệu đồng (phí dịch vụ để nhà đầu tư cá nhân được mua trái phiếu doanh nghiệp).
Nhân viên tập đoàn này giải thích: Theo qui định của UBCKNN, nhà đầu tư cá nhân muốn sở hữu trực tiếp trái phiếu doanh nghiệp thì phải có chứng chỉ xác nhận là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
"Vậy nên để hỗ trợ cho khách hàng của mình trở thành là nhà đầu tư chuyên nghiệp, công ty chứng khoán sẽ giúp khách hàng mở tài khoản chứng khoán. Đồng thời sẽ bỏ vào tài khoản đó 2,8 triệu đồng để giao dịch, đảm bảo các qui định của pháp luật. Còn nếu khách hàng không muốn bỏ ra 2,8 triệu đồng thì chọn hình thức đầu tư uỷ thác nhưng lãi suất sẽ thấp hơn 0,2%/năm ở các kỳ hạn” - nhân viên môi giới nói.
Nhân viên này cũng cam kết trái phiếu do doanh nghiệp phát hành có tài sản đảm bảo bằng bất động sản trị giá hơn 11.000 tỉ, trả gốc lãi đầy đủ khi đáo hạn và trong bất kỳ trường hợp nào doanh nghiệp cũng đứng ra bảo đảm cho khoản tiền gửi của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư tuyệt đối không được rút vốn trước hạn.
Trong khi đó, nhân viên môi giới của một tập đoàn khác có 8 công ty thành viên hoạt động chủ yếu trong 4 lĩnh vực chính gồm điện tử viễn thông, giao thông vận tải, xây dựng thi công các công trình cảnh quan, chuỗi dịch vụ làm đẹp… cho biết: Khách hàng không cần bỏ thêm bất cứ chi phí nào nào, mà phía doanh nghiệp sẽ thực hiện các khâu cần thiết để nhà đầu tư cá nhân có thể mua trái phiếu doanh nghiệp với số vốn từ 5 triệu trở lên.
"Chúng tôi thành lập đến nay đã được 7 năm và đây là lần thứ 4 công ty phát hành trái phiếu. Công ty chi trả lãi và vốn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết dựa trên hợp đồng. Đến nay chưa có khách hàng nào mất tiền” - môi giới của doanh nghiệp này quả quyết.
Khi được hỏi về bảo đảm tài sản, nhân viên môi giới cho biết: Bên em bảo lãnh bằng tổng sài sản của công ty. Hiện vốn điều lệ của công ty là 500 tỉ đồng và lượng trái phiếu phát hành là hơn 327 tỉ đồng.
Trong tháng 5 vừa qua, có tới 76% số doanh nghiệp phát hành trái phiếu không có tài sản bảo đảm.
Đừng ham lãi cao
Hiện tập đoàn Sunshine đang tung ra lô tiền gửi trái phiếu trị giá 1.200 tỉ đồng có các kỳ hạn và lãi suất như sau: Kỳ hạn 4 tháng có lãi suất là 7,35%/năm, 6 tháng (8,3%/năm), 9 tháng (8,8%/năm), 12 tháng (10%/năm) và 15 tháng là 10,3%/năm.
Tương tự, với trái phiếu do các tập đoàn Sovico, BCG Land, Helios, Vinaconex, Tân Hoàng Minh, Kinh Bắc phát hành cũng có mức lãi suất dao động 8 - 12%/năm, đều cao hơn nhiều so với lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng.
Đặc biệt với Tập đoàn VSet Group, mức lãi suất cố định là 12%/năm nhưng nếu tham gia đầu tư vào giai đoạn này thì sẽ được cộng lãi suất thưởng từ 4,3% - 6,8%/năm. Do đó, tuỳ vào từng mức vốn đầu tư mà lãi suất sẽ dao động từ 14,3%/năm cho đến 18,8%/năm.
Để được hưởng với mức lãi suất “khủng” như trên thì nhà đầu tư phải duy trì kỳ hạn tối thiểu từ 1 năm và tối đa là 5 năm, nhận lãi cuối kỳ, còn nếu nhận lãi theo tháng hoặc theo quý thì mức lãi suất sẽ thấp hơn. Ví dụ với gói 1 tỉ đồng và nhận lãi theo tháng thì lãi suất chỉ còn 18%/năm...
Ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính ngân hàng nhấn mạnh: Trái phiếu doanh nghiệp là một sản phẩm có rủi ro khá cao. Vậy nên, nếu nhà đầu tư cá nhân không có chứng chỉ hành nghề mà vẫn muốn tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thì có thể đầu tư dưới hình thức uỷ thác cho các công ty chứng khoán.
“Song có một nguyên tắc khi đầu tư là lãi suất càng cao thì rủi ro càng cao. Cứ thấy trái phiếu doanh nghiệp mà quảng cáo lãi suất cao gấp đôi so với lãi suất ngân hàng đã cần chú ý, còn nếu cao gấp 3 hoặc hơn thì càng phải cẩn trọng. Bởi trong bối cảnh đại dịch như thế này thì làm sao một doanh nghiệp có thể đạt được mức lợi nhuận 40-50%" - ông Minh cho biết.
Ông Minh lý giải thêm, chỉ khi nào đạt được mức lợi nhuận không tưởng như vậy thì mới đủ sức chi lãi suất lên đến gần 20%/năm cho nhà đầu tư. Thông thường các doanh nghiệp có nền tảng tài chính ổn định, dòng tiền tốt, phương án kinh doanh khả thi thì khi huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu đều có lãi suất thấp chênh lệch không đáng kể so với lãi suất mà doanh nghiệp đi vay tại nhà băng.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, khuyến cáo nhà đầu tư phân biệt rõ phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và phát hành riêng lẻ. Đồng thời, cũng cần hết sức lưu ý lãi suất cao cũng đi kèm với rủi ro cao. Vì vậy, cần thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu.
"Các tổ chức phân phối trái phiếu không có nghĩa vụ đảm bảo an toàn cho việc đầu tư. Các tổ chức này chỉ hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành" - lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.