Bất chấp dịch bệnh, nhiều người vẫn tập trung cầu nguyện trong lễ Eid al-Adha ở tỉnh Aceh của Indonesia ngày 20-7 - Ảnh: REUTERS
Tại Indonesia, nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, Tổng thống Joko Widodo vẫn để ngỏ khả năng sẽ kéo dài các biện pháp hạn chế cho đến khi số ca bệnh giảm.
"Hãy tưởng tượng nếu nới lỏng hạn chế, số ca sẽ tăng trở lại và bệnh viện không thể tiếp nhận bệnh nhân. Các cơ sở y tế của chúng ta sẽ sụp đổ" - ông Widodo nói ngày 19-7.
Các biện pháp, bao gồm cấm tụ tập tôn giáo hoặc phục vụ ăn uống tại chỗ, sẽ hết hạn ngày 20-7. Số ca bệnh mỗi ngày ở nước này đã vượt 50.000 ca và số ca tử vong ngày 19-7 là 1.338 ca, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil.
Tuy nhiên, Hãng tin AFP cho biết các đám đông lên đến hàng người vẫn xuất hiện trong các sự kiện mừng lễ Eid al-Adha, một trong những lễ hội quan trọng nhất của đạo Hồi.
Người dân đổ ra đường cầu nguyện ở một khu vực ngoại ô thủ đô Jakarta của Indonesia ngày 20-7 - Ảnh: REUTERS
Singapore ngày 20-7 thông báo sẽ quay lại mức cảnh báo 2 từ ngày 22-7 đến 18-8. Theo mức cảnh báo này, các hàng quán sẽ không được phục vụ tại chỗ mà người dân phải mua đem về hoặc chọn giao hàng. Ngoài ra, người dân cũng không được phép tụ tập quá 2 người, theo báo Straits Times.
Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung ước tính nước này có 184 ca mới trong ngày 20-7 nhưng cho rằng đà tăng đã chậm lại. Đảo quốc ghi nhận 163 ca lây nhiễm cộng đồng ngày 19-7.
Nhân viên y tế đi xuồng đến xét nghiệm cho người dân ở khu vực Samut Prakan, gần Bangkok, ngày 19-7 - Ảnh: REUTERS
Thái Lan ngày 20-7 thông báo có thêm 11.305 ca bệnh mới và 80 ca tử vong, xấp xỉ con số 11.784 ca bệnh và 81 ca tử vong ngày trước đó.
Từ ngày 20-7, người dân tại khu vực thủ đô Bangkok và 12 tỉnh thuộc vùng đỏ sẫm sẽ bị hạn chế đi lại giữa các tỉnh trong ít nhất 14 ngày.
Báo Bangkok Post cho biết chính quyền đã thiết lập chốt kiểm soát tại các khu vực trên và các con đường liên tỉnh. Người dân qua các chốt này phải có lý do chính đáng, các giấy tờ theo yêu cầu và được kiểm tra.
Chính quyền Thái Lan cũng quyết định đóng cửa thêm nhiều cửa hàng từ ngày 20-7 và giảm dịch vụ giao thông công cộng. Người dân vẫn được yêu cầu tránh ra đường trừ các lý do trị bệnh, tiêm ngừa hoặc đi làm trong trường hợp bất khả kháng.
Ở khu vực Bắc Á, số ca mắc COVID-19 mới tại Hàn Quốc vẫn giữ mốc 1.200 ca/ngày vào 20-7. Biến thể Delta vẫn lây lan đáng lo ngại tại nước này, chiếm 76% số ca lây nhiễm cộng đồng. Chính quyền Hàn Quốc cũng nâng cao cảnh giác trước tình hình lây nhiễm ở những khu vực ngoài vùng dịch như thủ đô Seoul đang tăng nhanh.
Tại Nhật Bản, dù lây nhiễm có dấu hiệu giảm nhiệt với 727 ca bệnh mới trong ngày 19-7, các cơ quan y tế cảnh báo số ca có thể tăng nhanh trong 4 tuần tới. Bộ Y tế nước này đã phê duyệt sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ) cho nhóm trẻ từ 12-18 tuổi. Trước đó Tokyo đã cho phép tiêm vắc xin Pfizer cho nhóm trẻ em này.
TTO - Bộ Y tế Indonesia cảnh báo về thông tin sai lệch sau khi người dân bắt đầu tích trữ thực phẩm, thức uống và các gia vị với niềm tin những thứ này có thể ngăn nhiễm bệnh và chữa được COVID-19.