vĐồng tin tức tài chính 365

Gói vay ưu đãi, 'chua lắm!'

2021-07-20 17:22

Gói vay ưu đãi, 'chua lắm!'

Nhân Tâm

(KTSG Online) - Gói vay tín chấp ưu đãi với lãi suất 7,92%/năm mà thành phố Đà Nẵng đang dành cho người lao động du lịch không “dễ nuốt”. Đó là tâm trạng của những người lao động ngành du lịch Đà Nẵng đăng ký gói vay này, có định mức tối đa 100 triệu đồng, để họ chuyển nghề kinh doanh.

Hai vợ chồng làm cho hai công ty du lịch khác nhau tại Đà Nẵng. Trong năm đầu tiên dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam, cả hai vợ chồng vẫn còn vun vén được cho gia đình nhờ số tiền tiết kiệm từ những năm đi làm trước đó cùng với những tháng ngày đi làm, dù ít ỏi, trong khoảng thời gian ngành du lịch “đóng”, “mở” liên tục sau vài lần bùng phát dịch.

Những tưởng dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong năm 2020 và có thể đi làm bình thường trở lại vào năm nay, nhưng mọi thứ không như hai vợ chồng mong muốn. “Ngày nào cũng chi ra mà hầu như không có thu vô thì tiền núi cũng hết” và hai vợ chồng đã gần như kiệt sức.

Khi Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng gửi thông báo đến các doanh nghiệp thành viên và người lao động về gói vay ưu đãi nói trên từ Ngân hàng Chính sách Xã hội Đà Nẵng vào tháng 6 vừa qua, hai vợ chồng cũng nộp đơn đăng ký để được vay với kế hoạch kinh doanh sản phẩm trực tuyến, trong tâm trạng đầy lo lắng.

Hai vơ chồng ví mình như con thuyền đang đứng giữa dòng. Khi đã được duyệt, với lãi suất vay tín chấp 7,92% được cho là ưu đãi, nhưng trả lãi lẫn nợ gốc cũng là một vấn đề trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, không biết làm ăn có tốt không. Nhưng nếu không vay thì họ hầu như không còn tiền để sống.

Điều mà hai vợ chồng ao ước chính là có được gói vay ngắn hạn với lãi suất 0% để họ có thể xoay xở.

Câu chuyện của hai vợ chồng trẻ này mà người viết ghi nhận được là một trong nhiều câu chuyện khác nhau của những người làm trong ngành du lịch, từ giám đốc khách sạn cho đến tài xế, nhân viên lễ tân..., khi họ đăng ký gói vay này.

“Chua lắm!” là câu than của chị giám đốc một khách sạn tại Đà Nẵng và có thâm niên trong ngành du lịch. Chị cũng đã đăng ký vay cho chính mình cũng như một vài nhân viên của mình.

Bên cạnh thách thức trả nợ và lãi vay, các quy định để có thể được duyệt vay, theo chị, khắt khe đến nỗi hầu như mọi người không đáp ứng được, từ chuyện kế hoạch kinh doanh cho đến địa chỉ kinh doanh và xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nơi thực hiện dự án. Chưa kể, những ai cố “chịu đấm ăn xôi” sẽ phải tính đến viễn cảnh chịu lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Trao đổi với người viết, một số doanh nhân du lịch cho rằng ngành du lịch riêng lẻ đóng góp không nhiều cho ngân sách thành phố bằng các ngành khác như thương mại, bán lẻ, kho vận, sản xuất… Nhưng đây là ngành có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp rộng nhất đến các thành phần kinh tế tại thành phố du lịch như Đà Nẵng. Vì vậy, những người tham gia hoạt động trong lĩnh vực này cần được quan tâm nhiều hơn.

Họ cũng hiểu rằng, là doanh nghiệp, họ phải tự thân vận động để giữ công ty mình không đến bờ vực phá sản cũng như giữ nhân lực để có thể quay lại giúp họ khi mọi thứ trở về bình thường. Các lao động thì cần tiền để sống qua ngày và giữ lửa nghề.

Bên cạnh đó, họ cần những tổ chức như Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng hay Quỹ Xúc tiến du lịch Đà Nẵng có những tiếng nói mạnh mẽ hơn và tác động hiệu quả hơn đến chính quyền để có những chính sách tốt hơn, “ngọt ngào” hơn, giúp họ phần nào có động lực để vượt qua cơn bĩ cực này.

Xem thêm: lmth.mal-auhc-iad-uu-yav-iog/384813/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags: vay

“Gói vay ưu đãi, 'chua lắm!'”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools