Nhum sọ, hay còn được gọi cầu gai, lần đầu tiên được nuôi thành công tại vùng biển, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), mô hình nuôi nhum sọ mở ra hướng làm kinh tế mới cho người dân huyện đảo.
Nuôi lồng bè bán tự nhiên
Mô hình nuôi thử nghiệm nhum sọ được thực hiện tại bè nuôi cá bớp của ông Huỳnh Ngọc Thảo, quy mô 2.000 con giống ngoài tự nhiên. Sau 8 tháng thả nuôi, nhum thích nghi môi trường lồng bè, lớn nhanh, cho trứng rất chắc, dễ nuôi, không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Thịt nhum thành phẩm có giá bán từ 250.000 – 300.000 đồng/kg, trừ chi phí, mô hình này lãi khoảng 20 triệu đồng.
Ông Huỳnh Ngọc Thảo, cho biết, mỗi bè cá bớp có thể nuôi ghép hàng hục nghìn con nhum, thời gian thả nuôi đến khi thu hoạch kéo dài 5 tháng thay vì 8 tháng.
“Nguồn thức ăn cho nhum chủ yếu là rong mơ dễ tìm, nếu mua vào thì giá thành cũng rất thấp. Mỗi con nhum thành phẩm có giá 15.000 – 20.000 đồng, trừ chi phí lãi 10.000 đồng, vì vậy nuôi nhum rất có lợi”, ông Thảo, cho hay.
Mô hình nuôi nhum sọ do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn phối hợp với Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện.
Mô hình thuộc Đề tài “Điều tra, đánh giá nguồn lợi và đề xuất giải pháp bảo vệ, phát triển và khai thác bền vững nhum sọ tỉnh Quảng Ngãi”. Tại Quảng Ngãi, nhum sọ phân bố ở các vùng biển: Bình Sơn; Đức Phổ và huyện Lý Sơn. Qua điều tra, khảo sát, Lý Sơn là vùng biển phù hợp nuôi nhum sọ, đây cũng là địa phương tiêu thụ nhum mạnh nhất.
Huyện Lý Sơn vừa tổ chức nghiệm thu mô hình nuôi thử nghiệm nhum sọ bằng lồng bè, cho thấy chi phí đầu tư nuôi nhum thấp, ít rủi ro so với các đối tượng nuôi khác, như, cá bớp, tôm hùm, cá mú.
Có thể khẳng định, mô hình nuôi nhum sọ bằng lồng bè có nhiều triển vọng để nhân rộng cho người dân phát triển kinh tế. Thấy được lợi ích của việc nuôi nhum, hiện đã có một số hộ nuôi trồng thủy sản ở Lý Sơn bắt đầu thả giống, kết hợp với nuôi cá bớp thương phẩm. Ngoài ra, đã có 05 hộ nuôi trồng thủy sản đã đăng ký với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp để được hỗ trợ nhân rộng mô hình.
Sẽ nhân rộng mô hình
Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn, cho biết: Sau khi nghiệm thu mô hình thấy nhum sọ thích nghi nuôi lồng bè, chi phí đầu tư thấp, dễ nuôi. Trung tâm sẽ hỗ trợ mô hình thử nghiệm cho người dân, đồng thời nhân rộng và hỗ trợ kỹ thuật cho người nuôi, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế gia đình và bảo vệ nguồn nguồn nhum tự nhiên.
"Chúng tôi cũng tuyên truyền để người dân khai thác nhum đủ kích cỡ bán ra thị trường, hạn chế tình trạng khai thác nhum kiểu tận diệt, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển ven đảo", ông Trung nói.
Mô hình nuôi thử nghiệm nhum sọ với mục đích phát triển kinh tế gắn với công tác bảo tồn nhum tự nhiên.
Để phát triển kinh tế bền vững từ việc nuôi nhum thương phẩm, thì cần sản xuất được nhum giống cung cấp cho người nuôi. Nếu không, khi nuôi nhum đại trà sẽ gây áp lực lên nguồn nhum ngoài tự nhiên, làm mất cân bằng hệ sinh thái, ảnh hưởng đến công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên đảo.
Ông Huỳnh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Lý Sơn, cho biết: quá trình nuôi nhum sọ sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho người nuôi. Về góc độ của cơ quan bảo tồn biển, để việc nuôi nhum thương phẩm bền vững thì Viện Hải dương học nên sớm nghiên cứu sản xuất được con giống cung cấp cho người nuôi, nhằm mục đích không khai thác con giống ngoài tự nhiên để đưa vào nuôi thương phẩm, nhằm bảo vệ và đa dạng nhum sọ ngoài tự nhiên.
Là đặc sản, nên vài năm trở lại đây, nhu cầu tiêu thụ nhum sọ của người dân và du khách tăng cao dẫn đến việc khai thác quá mức nguồn nhum để đáp ứng nhu cầu thị trường, khiến nhum sọ tại vùng biển Lý Sơn đang có chiều hướng sụt giảm, mất cân bằng hệ sinh thái.
Do đó, vừa phát triển kinh tế song song với công tác bảo tồn, mô hình nuôi nhum sọ thương phẩm sẽ mở ra nhiều triển vọng, cung cấp nguồn nhum chủ động cho thị trường trong nước, và tạo thêm thu nhập cho người dân trên đảo.
Xem thêm: odl.884239-nos-yl-oad-o-os-muhn-gnoc-hnaht-ioun-neit-uad-nal/et-hnik/nv.gnodoal